Chưa bổ nhiệm giảng viên cao cấp với Trưởng khoa Lý luận Trường Bách Khoa

22/06/2018 07:04
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Trần Ngọc Khiêm cho rằng: “Nhà trường khi nhận đơn thư tố cáo bà Mai Thị Thanh thì để lại xem xét mà chưa làm đề nghị xét duyệt giảng viên cao cấp".

Liên quan đến vụ việc tiến sĩ Mai Thị Thanh, Trưởng khoa Lý luận Chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội bị tố đạo văn, ngày 19/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Ngọc Khiêm - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ.

Theo ông Khiêm, tiến sĩ Mai Thị Thanh hiện chưa được bổ nhiệm giảng viên cao cấp.

Lý giải về điều này, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cho rằng vì nhà trường khi có đơn thì để lại chưa làm đề nghị xét duyệt giảng viên cao cấp.

Hai đề tài được xác nhận là trùng lặp nhau đến 32,42% (ảnh Trinh Phúc).
Hai đề tài được xác nhận là trùng lặp nhau đến 32,42% (ảnh Trinh Phúc).

Ông Khiêm cũng phủ nhận việc tiến sĩ Mai Thị Thanh không đủ điều kiện để bổ nhiệm giảng viên cao cấp.

Như vậy, hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về việc tiến sĩ Mai Thị Thanh có đủ điều kiện được nâng hạng giảng viên cao cấp hay không?

Mặc dù, đã có bằng chứng bà Trưởng khoa Lý luận Chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội có sao chép đề tài với số lượng lớn chiếm đến 32,42% công trình nhưng không xin phép các tác giả và không thực hiện trích dẫn theo đúng quy định.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Trưởng khoa lý luận chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội bị phát hiện có sao chép” phản ánh đề tài T2005-57 có tên “Phát huy vai trò chủ thể của sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội trong học tập môn Triết học Mác – Lê nin hiện nay” do nhóm tác giả 6 người thực hiện, trong đó bà Mai Thị Thanh làm chủ nhiệm đề tài và Đề tài T2014 – 134 “Giải pháp nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội” có sự trùng lặp kỳ lạ, sao chép về nội dung.

Trưởng khoa lý luận chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội bị phát hiện có sao chép

Cả hai công trình bị tố là sao chép, trùng lặp này đã được nghiệm thu và được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp của bà Mai Thị Thanh.

Ngày 12/6, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có kết luận trả lời đơn thư của bà Hồ T. D – người tố cáo.

Theo kết luận cả 2 đề tài T2005- 57 và đề tài T2014 – 134 có sự trùng lặp đến 454 dòng. Tỷ lệ trùng lặp là 32,42%.

Trong danh mục tài liệu tham khảo của T2014 – 134 không liệt kê T2005 – 57 và không có thông tin về việc 5 tác giả của T2005 – 57 đồng ý cho phép sử dụng kết quả sử dụng trong công trình nghiên cứu khoa học khác.

Kết luận cũng chỉ ra trong đánh giá khoa học đề tài T2014 – 134 có sự nể nang, động viên trong đánh giá nghiệm thu đề tài.

Điều kỳ lạ, mặc dù một đề tài có sự sao chép đến 32,42% nhưng vẫn không bị hủy. Bản thân Tiến sĩ Mai Thị Thanh chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trao đổi với phóng viên, người có đơn thư cho rằng, kết luận như vậy chưa khách quan, có sự bao che và tiếp tục đấu tranh để tìm ra lẽ phải.

Một giảng viên bị doanh nghiệp tố cáo chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Phóng viên cũng cho rằng, một công trình sao chép đến 32,42% là quá lớn.

Theo tìm hiểu tại Điểm C, khoản3, Điều 4,Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT về quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học thì các công trình khoa học đã công bố có nội dung trùng lặp từ 30% trở lên chỉ được tính điểm quy đổi một lần.

Điều này có nghĩa, bà Mai Thị Thanh không đáp ứng đủ về hồ sơ để thi thăng hạng giảng viên cao cấp.

Trinh Phúc