“Có thể xử lý hình sự Tập đoàn Dệt may Việt Nam”

26/01/2015 15:32
Duy Phong
(GDVN) - Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội khi phân tích về vụ việc đơn vị của Tập đoàn Dệt may xả thẳng nước thải ra môi trường.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh: Lúc 00 giờ 02 phút, ngày 05/12/2014, đoàn công tác của Bộ TN&MT kết hợp với Công an tỉnh Hưng Yên đã phục kích bắt quả tang Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối đang xả nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường.

Vào thời điểm Trung tâm đang xả trộm nước thải có ông Trần Quốc Việt là cán bộ đang trực vận hành hệ thống xử lý. Trước cơ quan chức năng, ông Việt khai nhận đã mở van xả trái phép nước thải qua đường ống này vào lúc 23h30 phút ngày 04/12/2014.

Biên bản bắt quả tang của đoàn thanh tra về việc Trung tâm Xử lý nước thải của Tập đoàn Dệt May (Vinatex) xả nước thải trực tiếp ra môi trường (Ảnh: Duy Phong)
Biên bản bắt quả tang của đoàn thanh tra về việc Trung tâm Xử lý nước thải của Tập đoàn Dệt May (Vinatex) xả nước thải trực tiếp ra môi trường (Ảnh: Duy Phong)

Thời gian dự kiến xả trong khoảng 04 giờ theo như thông lệ đã xả từ trước đến nay được ghi trong sổ giao ca và ký trực. 

Theo ghi nhận của Đoàn Thanh tra và Báo cáo của Trung tâm, mỗi ngày Trung tâm xả 01 lần, mỗi lần khoản 04 giờ liên tục, bắt đầu từ 22 giờ, 23 giờ, hoặc 24 giờ ngày hôm trước, lượng nước thải trung bình khoảng 3.500m3.

Tại thời điểm bắt quả tang, nước thải có màu đen, nhiều vẩn đục, bốc mùi hôi thối. Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 02 mẫu nước thải. Ngoài việc xử lý nước thải cho Khu công nghiệp, Trung tâm còn nhận xử lý nước thải cho Công ty Minh Tâm (4.782m3) và Công ty Mỹ Hưng (khoảng 9m3).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích:

Điều 49, Luật Bảo vệ Môi trường 2005 quy định hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường như sau: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; Xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại mục 2 Chương XIV của Luật này hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp sau đây: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;  Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; Cấm hoạt động.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, có thể xử lý hình sự đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam vì việc xả nước thải độc hại ra môi trường.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, có thể xử lý hình sự đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam vì việc xả nước thải độc hại ra môi trường.

Bên cạnh đó, Điều 93 Luật Bảo vệ Môi trường 2005 về khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường quy định: Việc điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm bao gồm phạm vi, giới hạn khu vực môi trường bị ô nhiễm; Mức độ ô nhiễm; Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan; Các công việc cần thực hiện để khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; Các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai để nhân dân biết, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.

Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Nếu khu vực bị ô nhiễm nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra,Điều 183, Bộ luật Hình sự quy định Tội gây ô nhiễm nguồn nước:

1. Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Từ những phân tích trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm khẳng định: Việc xả thải của Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối (thuộc quản lý của Vinatex) là rất nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân sống gần khu công nghiệp và dư luận, các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp nghiêm túc, đúng pháp luật để buộc đối tượng xả thải phải chấm dứt ngày hành vi vi phạm trên, đồng thời khắc phục những hậu quả đã xảy ra. Mặt khác, nếu đơn vị gây ô nhiễm (cụ thể ở đây là Vinatex) cố tình chây ỳ, không khắc phục những hậu quả xảy ra thì xem xét khởi tố hình sự hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 183, Bộ Luật Hình sự để giáo dục và phòng ngừa chung, hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang diễn ra tràn lan hiện này trên khắp cả nước.

Một điều rất khó hiểu là đến nay, Đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa công bố rộng rãi kết quả xử lý về việc gây ô nhiễm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Duy Phong