Còn đâu nữa những phong tục ngày tết?

04/02/2014 08:02
Nguyễn Hồ
(GDVN) - Trong những ngày đầu năm, để mong muốn năm mới thuật lợi, một số phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta đã bị nhiều người làm cho méo mó, xộc xệch.

Hái lộc hay bẻ cành, đốn cây

Từ bao đời nay, tập tục “hái lộc” đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Vào thời khắc giao thừa, mọi người thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái cho mình một nhánh non đem về, với mong muốn tống khứ những điều không may trong năm cũ để rước về những phước lộc mới. 

Lộc xuân
Lộc xuân

Theo quan điểm của Phật học, trước hết, “hái” trong cụm từ “hái lộc” không chỉ có nghĩa là tay người ngắt từ cành cây một đóa hoa, một quả ngọt hoặc một nhánh non vừa mới nhú. Từ “hái” khi được ông bà ta ghép với từ “lộc” mang một ý nghĩa rất nhân bản, qua đó, tiền nhân muốn gởi gắm cho con cháu một ý nghĩa về giáo dục rất sâu xa. Đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai” v.v…rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam.

Vì thế, “hái lộc” về mặt nhân văn chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế, đó là những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu. Vì thế, tâm thức của người khi “hái lộc” trước hết phải là một tâm thức thật sự thanh tịnh và thuần khiết, thì Lộc mà cúng ta hái được, nhận được, gặp được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích.

Còn về từ lộc trong “hái lộc” ở đây chính là một  mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, nách lá. Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, đó là những mầm non mới được nhú lên hứa hẹn rất nhiều điều kỳ diệu, con người nhìn vào có thể thấy được tương lai tốt đẹp phía trước mà cố gắng phấn đấu.  

Thực chất, phong tục này rất đẹp, rất nhân văn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người không hiểu được bản chất của phong tục mà làm khác đi, khiến nó mất hết giá trị vốn có. Nhiều người không phải đi hái lộc nữa, phải gọi là đi bẻ cây, chặt cành thì đúng hơn. Cây cối vì thế không thể sinh trưởng và phát triển, cảnh quan đô thị bị phá vỡ. Thậm chí còn thiệt hại đến tài sản của người dân.

Đêm Giao thừa qua đi dọc hai bê đường phố cây xanh trở nên tan hoang. Đặc biệt là cạnh các ngân hàng, kho bạc, công ti hay doanh nghiệp “nhiều tiền, nhiều của”. Cây xanh ở mọi nơi (Nhất là các cây đa, si… có nhiều lộc to) bị "chặt, bẻ" một cách không thương tiếc. Nhiều người không chỉ đứng dưới gốc để bẻ cành, mà họ còn mang dao, cưa theo rồi trèo tít lên cây chặt cả cành to gục xuống cho mọi người cùng hưởng. 

Thậm chí, hái lộc đầu năm hiện nay còn được coi như một loại hàng hóa dịch vụ được người bán cung cấp đến các vùng hiếm “lộc”. Có người chở một xe “lộc” lên bày bán và được người mua chọn lựa cẩn thận.

Bác Nguyễn Thị Liên (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ với chúng tôi: “Rút kinh nhiệm từ 2 năm trở lại đây, giao thừa năm nay cả gia đình sẽ ra trông mấy sào mía. Năm ngoái chủ quan không trông, mùng 1 tết đi qua đã thấy bị bẻ chộm lia lịa. Người ta không bẻ cả cây mà toàn bẻ gập ngang thân cho dễ gãy thôi”. Hỏi ra mới biết, mía có vị ngọt, mọi người còn quan niệm mía ngọt thì năm mới sẽ ngọt ngào no ấm. Thế là bao nhiêu người đi bẻ mía làm lộc đầu xuân.

Thuê người xông đất

Người dân Châu Á từ xa xưa đã quan niệm, buổi sáng mồng Một đầu năm hết sức quan trọng. Người nào cũng giữ gìn từ lời ăn tiếng nói cho đến việc đi đứng, thăm hỏi lẫn nhau. Họ mong mỏi buổi sáng đầu năm có người ăn ở hiền lành, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ bước chân vào nhà trước nhất.  Đó là tục xông nhà, xông đất.

Xông đất đầu năm (Ảnh minh họa)
Xông đất đầu năm (Ảnh minh họa)

Người Việt Nam ta thường có tục lệ sau giao thừa là mở cửa chọn hướng xuất hành. Tùy theo tuổi tác mà chọn đi các hướng đông-tây-nam hay bắc. Có người kỹ tính còn phải chọn bước chân phải hay chân trái trước, tiếp đến là hái lộc đầu năm và xông đất.        

Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới. Người ta có thể nhìn người khách đầu năm này mà đoán công việc làm ăn, sự rủi may trong cuộc sống của gia đình.

Người ta quan niệm xông đất là để đón nhận may mắn. Thường những người đến xông đất phải là ngẫu nhiên không được gia chủ dạm trước thì mới linh. Song cũng không ít người cứ đến dịp cuối năm lại có ý tìm chọn trong họ hàng hay láng giềng những người tốt tính và làm ăn phát tài, có cuộc sống suôn sẻ để “xông đất” nhà mình, tức là người khách đến nhà đầu tiên trong năm mới.

Mọi gia đình đều mong muốn người đến xông đất nhà mình là người mau mắn, hợp tuổi với gia chủ, thành đạt về công danh hay trong làm ăn để mang tài lộc đến. Thời gian xông đất tốt nhất là ngay sau giao thừa hoặc buổi sáng mồng Một Tết. Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ mang tính tượng trưng, phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Những người gia cảnh khó khăn, đạo đức không tốt hay gia đình đang có chuyện buồn thì phải kiêng cữ trong những ngày Tết, đặc biệt là không nên đi xông đất nhà người ta.

Thời xưa chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều. Người được chọn xông đất phải khoẻ mạnh, tốt tính và gia cảnh khấm khá, hoà thuận…

Theo PGS.TS Lê Trường Phát - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại. Vì thế, hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, làm ăn thịnh vượng. Vì thế mới có lệ "hẹn trước," mời đến xông nhà, tránh người "nặng vía" đến xông nhà. Tối kị nhất là những trường hợp bị xin lửa, xin nước dịp đầu năm mới.

Tuy nhiên, hiện nay tục “xông đất” cũng đang dần bị biến tướng, nhiều người quá đặt nặng chuyện may rủi, hậu vận. Vì thế từ một tục lệ hay, vô tình lại biến thành phiền phức. 

Có nhiều gia đình cứ đóng chặt cửa buổi sáng mồng một Tết, đợi đến khi có người được xem là có thể đem may mắn đến mới chịu mở cửa nhà. Thậm chí có nhà còn nhờ những bạn bè có tên tốt hay có danh phận, sự nghiệp "ngon lành", gia đình hạnh phúc đến “xông đất” sớm cho nhà mình.

Hiện nay, dịch vụ xông đất thuê phát triển khá nhanh với hình thức ngày càng phong phú, đa dạng. 

Nguyễn Đức Giang (SV ĐH Xây Dựng) chia sẻ: Năm ngoái, cô bạn thân mình nhận xông đất cho mấy nhà. Chưa đầy ngày mùng 1 Tết đã kiếm được hơn ba triệu. Không phải làm gì nặng nhọc mà lại có tiền tiêu.” Giang nói tiếp: “Nhờ bạn giới thiệu nên đến nay em đã nhận “đặt hàng” xông đất cho 3 nhà vào chiều ngày mùng 1. Trưa mùng 1 em lên Hà Nội. Vất vả nhưng kiếm được nhiều tiền giúp bố mẹ cũng tốt.”

Nguyễn Hồ