Công an phường Đông Thọ bị tố thu giấy tờ xe của người dân trái quy định

30/01/2015 06:53
XUÂN QUANG
(GDVN) - “Họ đột ngột chặn xe, yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ, rồi cầm luôn về trụ sở Công an phường Đông Thọ (Thanh Hóa) mà không lập biên bản xử lý”, chị T.N bức xúc.

Giữ giấy tờ không lập biên bản

Trong đơn tố cáo gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị N.T.N. (sinh năm 1988, trú tại Quảng Cát, TP. Thanh Hóa) phản ánh về việc Công an phường Đông Thọ (TP. Thanh Hóa) thu giữ bất hợp pháp giấy tờ xe của người điều khiển phương tiện giao thông mà không lập biên bản vi phạm.  

Theo phản ánh, khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 29/1/2015, Chị N. điều khiển xe máy BKS 36B- 258.39, lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh (P. Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) thì bất ngờ bị lực lượng tuần tra, kiểm soát, Công an phường Đông Thọ chặn đầu xe và yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra.

“Họ nói tôi vi phạm luật giao thông và đòi kiểm tra giấy tờ. Nhưng khi tôi yêu cầu cán bộ Công an báo lỗi, cung cấp bằng chứng vi phạm, lập biên bản vi phạm (nếu có) theo quy định, thì họ liền cầm giấy tờ xe của tôi, yêu cầu tôi theo xe về phường để giải quyết, rồi lên xe phóng vù đi”, Chị N. bức xúc.

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời thực hiện các bước xử lý theo đúng quy định. Ảnh minh họa, nguồn Internet
Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời thực hiện các bước xử lý theo đúng quy định. Ảnh minh họa, nguồn Internet

Quá hoang mang trước cách hành xử của Công an phường Đông Thọ, chị N. lập tức làm đơn trình báo gửi cơ quan chức năng, đề nghị xử lý vụ việc theo đúng quy định.

Chị N. cũng cho biết, việc Công an phường Đông Thọ giữ giấy tờ xe của chị, mà không lập biên bản mà xử lý vi phạm (nếu có) là không đúng quy trình xử lý vi phạm giao thông. 

Cũng theo ghi nhận từ phía người dân, việc lực lượng chức năng thu giữ giấy tờ xe của người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm, không lập biên bản xử lý vi phạm (nếu có) tại chỗ như trường hợp chị N. vưới phải đã trở thành “truyền thống”.

“Ở đây, anh em đều làm thế cả”

Hôm 29/1, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Sâm – Trưởng Công an phường Đông Thọ (TP. Thanh Hóa) cho biết lãnh đạo Công an phường Đông Thọ ghi nhận phản ánh về sự việc nói trên và đang cho xác minh sự việc.

“Trường hợp nếu là cán bộ Công an phường giữ giấy tờ xe của người được cho là vi phạm giao thông mà không lập biên bản tại chỗ là vi phạm quy trình tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, nếu người vi phạm giao thông cố tình chống đối, thì lực lượng chức năng được phép thu giữ giấy tờ xe về trụ sở để giải quyết. Hiện chúng tôi đang xác minh vụ việc theo phản ánh của người tham gia giao thông và phản ánh của phóng viên”, ông Sâm nói.

Cũng liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng Công an TP. Thanh Hóa cho biết, việc lực lượng chuyên trách đưa giấy tờ của người được cho là vi phạm giao thông về trụ sở Công an phường để giải quyết là điều có thể chấp nhận được: “Ở đây, anh em đều làm thế cả”, ông Hiếu nói.

Việc lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 22 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Theo đó, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản (theo mẫu), trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản.

Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay sau khi xác định được người có hành vi vi phạm.

Trong biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.

XUÂN QUANG