Vụ tranh luận về clip quảng cáo mì Gấu đỏ:

Độc giả kêu gọi mì Gấu đỏ minh bạch trong cách quảng cáo làm từ thiện

20/05/2012 16:15
Hải Phong
(GDVN) - “Khi xem clip quảng cáo mì Gấu đỏ, tôi chỉ thấy nội dung trong clip đậm 'mùi' quảng cáo cho việc tăng doanh thu bán hàng của doanh nghiệp. Với bản thân, tôi sẽ chọn cách làm từ thiện hữu hiệu, thiết thực nhất chứ không phải thông qua việc mua mì tôm ủng hộ trẻ em nghèo như cách mà Gấu đỏ đang muốn kêu gào”, cô Anh Thơ (một người đã gắn bó hàng chục năm trời với công tác từ thiện) chia sẻ với phóng viên.
Luật pháp không cấm nhưng không có nghĩa là muốn làm gì cũng được

Xung quanh câu chuyện clip quảng cáo của mì Gấu đỏ phát trên VTV và ngay sau khi được đăng tải trên mạng internet, đoạn clip quảng cáo mang tên “Gấu đỏ - Gắn kết yêu thương” đã gây xôn xao cộng đồng mạng. 

Trong clip quảng cáo, những hình ảnh mang tính minh họa, cậu bé Tuấn mắc bệnh ung thư vẫn nở nụ cười hồn nhiên, vẫy tay chào ông lão cùng phòng bệnh, bác sĩ, các y tá... trước khi rời khỏi bệnh viện. Ám ảnh nhất trong clip quảng cáo là sự đối lập giữa ánh mắt dõi theo con của bố mẹ Tuấn, giọt nước mắt của người mẹ và những nụ cười trên môi Tuấn.

Đã có rất nhiều các ý kiến trái chiều của cư dân mạng xung quanh clip quảng cáo mì Gấu đỏ.
Đã có rất nhiều các ý kiến trái chiều của cư dân mạng xung quanh clip quảng cáo mì Gấu đỏ.
>>>Bấm vào đây để xem VIDEO: quảng cáo mỳ Gấu đỏ gây tranh cãi trên cộng đồng mạng Khán giả còn bị lay động bởi ánh mắt cảm thông của bác sĩ, các y tá khi bố mẹ đưa Tuấn ra khỏi bệnh viện. Nhưng thông điệp cuối cùng đọng lại của clip lại là câu nói “thêm một gói mì Gấu đỏ là thêm một hi vọng cho những trẻ em nghèo như Tuấn được chữa bệnh. Hãy cùng đóng góp. Gấu đỏ, gắn kết yêu thương”.
Một câu hỏi mà nhiều độc giả đã đặt ra sau khi xem clip trên: Nên chăng, một clip quảng cáo mì tôm lại sử dụng hình ảnh trẻ em đóng giả ung thư nhằm tác động đến công chúng và qua đó doanh nghiệp lớn tiếng hô hào khách hàng hãy ăn mỳ của mình để quyên góp từ thiện? Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một trong những người đã cùng đồng hành với báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua rất nhiều chuyến đi làm từ thiện cho rằng: “Nhà sản xuất có quyền quảng cáo dưới bất kì hình thức nào, miễn sao họ không vi phạm pháp luật...”.  Tuy nhiên khi đánh giá về cách làm từ thiện của đơn vị sản xuất mì Gấu đỏ (công ty CP TP Á Châu), thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận định: “Ở đây, doanh nghiệp không nên vin vào việc đưa những bệnh nhân ung thư vào quảng cáo, như thế rất dễ gây phản cảm cho khán giả... Luật pháp không cấm không có nghĩa là muốn làm gì cũng được...”. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc kêu gọi từ thiện thông qua quảng cáo. Có thể lấy ví dụ như Vinamilk đã thực hiện chương trình 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo, trích ra 60 đồng trên một ly sữa với mục tiêu miễn phí sữa cho trẻ em uống hay tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Prudential có hẳn quỹ học bổng cho trẻ em... Như vậy, có thể thấy việc kêu gọi từ thiện thông qua hình thức quảng cáo không còn lạ lẫm gì. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách làm của mỗi doanh nghiệp, tổ chức... để khán giả cũng chính là khách hàng có cảm giác tin tưởng, ủng hộ chương trình từ thiện cũng như quyết định mua sản phẩm hay không?
Mì gấu đỏ sử dụng những hình ảnh cảm động để khơi dậy lòng trắc ẩn của con người, từ đó kêu gọi mọi người mua thật nhiều mì?. (Ảnh chụp từ clip).
Mì gấu đỏ sử dụng những hình ảnh cảm động để khơi dậy lòng trắc ẩn của con người, từ đó kêu gọi mọi người mua thật nhiều mì?. (Ảnh chụp từ clip).
Việc làm từ thiện dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý, đáng trân trọng cả. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức lại có cách làm từ thiện khác nhau. Quan trọng nhất, từ thiện nên xuất phát từ cái Tâm, từ trái tim của mỗi người.Nhiều độc giả lên tiếng cần sự minh bạch trong cách làm từ thiện của mì Gấu đỏ
Cô giáo Ngô Anh Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, người đã đồng hành cùng nhiều chương trình từ thiện do báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức chia sẻ: “Trong việc làm từ thiện, mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều có cách làm riêng, tôi nghĩ kết quả của việc làm từ thiện ấy là như thế nào, đó mới là điều quan trọng....”.
Cô Anh Thơ cho biết thêm: “Bản thân tôi đã đi khá nhiều vùng miền, biết nhiều số phận bất hạnh nên khi xem clip quảng cáo này, tôi chỉ thấy clip đậm mùi quảng cáo cho việc bán mì tôm. Với bản thân, tôi sẽ chọn cách làm từ thiện hữu hiệu, thiết thực nhất chứ không phải thông qua việc mua mì tôm ủng hộ”. Nhận định về cách kêu gọi từ thiện của mì Gấu đỏ, thầy Việt Khoa cho rằng: “Doanh nghiệp có quyền kêu gọi từ thiện theo cách của họ. Cách nào hiệu quả thiết thực thì làm. Mình không ép họ làm từ thiện theo cách của mình được”. Việc khách hàng tin, mua sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không riêng gì quảng cáo. Lần đầu tiên, người ta có thể mua sản phẩm theo những lời quảng cáo hấp dẫn trên truyền hình, theo xu hướng đám đông... nhưng những lần sau, họ sẽ phải cân nhắc, xem xét chất lượng của sản phẩm. Dưới góc nhìn của một khách hàng, cô Anh Thơ cho rằng: “Khi mua một sản phẩm nhất là thực phẩm, tôi quan tâm nhất đến giá trị và chất lượng của sản phẩm. Nếu ngon, bổ dưỡng, không độc hại thì chẳng cần quảng cáo, tôi cũng sẽ mua”. Trên các mạng xã hội như Facebook hay trên trang YouTube có đăng tải đoạn clip “Gấu đỏ - Gắn kết yêu thương”, nhiều độc giả tranh luận rất sôi nổi xung quanh câu chuyện quảng cáo kêu gọi từ thiện của mì Gấu đỏ.  Có ý kiến cho rằng “về mặt marketing và truyền thông, Gấu đỏ quá thành công với thông điệp mạnh mẽ. Song ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy thật bất nhẫn. Vì Gấu đỏ đã lợi dụng hình ảnh những mảnh đời bất hạnh của các em để thúc đẩy bán hàng để tăng lợi nhuận, nói nôm na là kiếm tiền”. Thế nhưng cũng có những độc giả đồng tình với cách làm của Gấu đỏ, độc giả có địa chỉ email lehuong1409@... bày tỏ “liệu có mấy công ty, mấy chương trình kêu gọi được như thế này?”. Nhiều ý kiến của độc giả gửi về báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã bày tỏ những nghi ngờ về mục đích đằng sau của việc hô hào, kêu gọi làm từ thiện của mì Gấu đỏ khi mà lần lượt các 'chiêu trò' trong nội dung quảng cáo của clip Mỳ Gấu đó đang được các độc giả lật tẩy. Đầu tiên phải kể đến những tranh luận về Clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ: "Bán hàng trên lòng trắc ẩn của cộng đồng"?, sau đó là phát hiện sửng sốt: Mỳ Gấu đỏ thuê 'diễn viên' để mua nước mắt của khách hàng và tiếp theo, độc giả thực sự sốc trước những thông tin: Bệnh nhân được mỳ Gấu đỏ tài trợ 100% vẫn phải nộp 5.000.000đ viện phí... Nhiều độc giả cho rằng mỳ Gấu đỏ cần phải lên tiếng và minh bạch trong cách quảng cáo làm từ thiện để có câu trả lời cho bạn đọc. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng cho rằng: “Cách “chơi” này quả thật không đẹp… Tôi nghĩ: Các cơ quan về quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương nên xem xét chuyện này ...”.Bạn có đồng tình với ý kiến trên không? Mọi ý kiến đóng góp xin mời gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc quí độc giả cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.
Hải Phong