Độc giả tranh luận: Đề án cấm ô tô 5 ngày/tuần: Chia sẻ hay đánh đổi?

29/04/2012 13:00
Tâm Thời/ VEF
Lĩnh vực giao thông lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận. Tuy nhiên nguyên nhân "tạo sóng" lần này không phải là những vấn đề liên quan đến thu phí, đổi giờ... khiến dư luận hãi hùng mà xuất phát từ một sáng kiến nhằm "giải cứu" ách tắc giao thông tại các trung tâm đô thị: "Giải pháp 5X5": cấm ôtô con lưu hành trong trung tâm 5 giờ trong ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong tuần (thứ Hai đến thứ Sáu) tại Hà Nội và TP.HCM do một cựu phi công đề xuất.
Đối với không ít người, lượng xe máy bùng nổ thời gian qua chính là thủ phạm chính gây ùn tắc giao thông nên giảm thiểu càng nhiều, càng nhanh càng tốt, thậm chí có ý kiến cho rằng phải cấm hẳn loại phương tiện này trong lưu thông ở các trung tâm thì mới "cứu" được giao thông tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy, bởi theo tác giả "5x5" thì cấm xe máy trong thời điểm hiện nay là đánh thẳng vào đời sống của trên 95% người lao động hiện đang sống và làm việc trong khu vực trung tâm thành phố, hàng ngày vẫn lưu thông bằng xe máy. Hơn thế, xe máy không phải là thủ phạm chính của nạn ùn tắc.

Cấm ô tô 5 ngày: Chia sẻ hay đánh đổi?
Cấm ô tô 5 ngày: Chia sẻ hay đánh đổi?

Ví như TP.HCM:  hiện có nửa triệu ô tô, còn xe máy trên 5 triệu chiếc. Tuy chỉ bằng 10% xe máy nhưng ô tô chiếm diện tích khi lưu thông là 55%, diện tích chỗ đỗ tới 65%. Vì vậy, không còn cách nào khác, để tránh ùn tắc, trước mắt hãy cấm ô tô cá nhân lưu thông trong những thời gian nói trên! Đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ "5x5" nhưng phản đối, chê bai cũng không ít. Thậm chí, có người còn cho rằng có lẽ do tác giả vốn phi công nên giải pháp này chỉ là chuyện "trên trời", tại sao chiếc ô tô tiện nghi oai vệ lại phải nhường, thậm chí hy sinh vì cái phương thiện thô sơ kém tiện nghi hơn rất nhiều là chiếc xe máy? Nếu như vậy là đã đi ngược lại với xu thế của một xã hội văn minh.
Tuy nhiên, để lý giải chuyện 'đi ngược", tác giả "5x5" dẫn ra trong quá khứ nhiều vấn đề chúng ta cũng đã từng... đi ngược. Ví như, đường sá chưa mở được bao nhiêu và tốc độ tăng diện tích lưu thông chỉ là cấp số cộng trong khi đó xe máy, ô tô tăng lên đột biến theo cấp số nhân. Vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội, phải chấp nhận một bước đi ngược (cấm ô tô trước khi cấm xe máy) để tìm ra sự thuận chiều.
Thế thì phải chăng, trong trường hợp này, hy sinh của ô tô nếu có thì cũng là sự hy sinh vì "đại cục", tức là vì tình hình chung của giao thông đô thị tại các trung tâm, chứ không phải hy sinh vì xe máy, xe đạp, thậm chí cả người đi bộ đâu nhé! Vì thế những chiếc ô tô và người điều khiển nó cũng chẳng việc gì phải nhảy dựng lên để đòi lại những quyền lợi có vẻ như sẽ bị "xâm hại" trong trường hợp giải pháp 5x5 được áp dụng!
Tất nhiên, nói sớm thế cho nó có chuyện chứ để cho giải pháp 5x5 thành hiện thực và liệu chiếc ô tô có nhường xe máy thật hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, nằm ngoài khả năng của người đã có đề xuất táo bạo và độc đáo nói trên.
Nhiều người đặt câu hỏi thú vị: không biết tác giả của 5x5 đi lại bằng phương tiện gì? Người thì bảo là ô tô, thậm chí máy bay (vì bác này là phi công cơ mà!) nhưng khá nhiều người cho rằng bác này chỉ dùng xe máy nên mới có cái nhìn đồng cảm với phương tiện 2 bánh này như thế. Tuy nhiên, đi bằng phương tiện gì không quan trọng bởi dẫu có đi bộ nhưng biết tư duy và trăn trở với vấn đề nóng bỏng bậc nhất hiện trong xã hội của tác giả "5x5" là đáng trân trọng.
Nhìn rộng ra, trong thời buổi hiện nay để cùng tồn tại và phát triển, con người ta thường xuyên phải đối mặt với những xung đột giữa lợi ích riêng tư -trách nhiệm cộng đồng. Và đôi khi cách hành xử, hay người ta thường gọi là văn hóa ứng xử sẽ mang lại những lợi ích, hoặc tác hại khôn lường.

Đó là câu chuyện những năm qua, nếu các nhà băng thương mại biết hy sinh 1 chút khoản lợi nhuận kếch xù lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng/năm bằng việc hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ thêm cho cộng đồng DN thì có lẽ đã không dẫn đến sự "hy sinh" trong đau đớn của gần 8 vạn DN.
Hay như chuyện những bà nội trợ nhỏ bé, nếu biết hy sinh một thói quen nho nhỏ: mỗi ngày không dùng 1 túi nylon thì con cháu, hậu duệ của họ không phải mất đến 500 năm để dọn dẹp những tác hại về môi trường.
Rõ ràng, việc cân bằng giữa lợi ích riêng tư với những trách nhiệm với cộng đồng  để hướng tới một xã hội công bằng văn mình hơn bao giờ cũng phải đánh đổi bằng một cái giá nào đó và luôn đòi hỏi người trong cuộc sự hy sinh vô điều kiện...
Tâm Thời/ VEF