Giữa thành phố mà bệnh viện "đói" bệnh nhân

02/06/2014 12:05
Duy Phong
(GDVN) - Trong khi các bệnh viện tuyến trên đều quá tải, thì ở Bệnh viện Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh luôn vắng vẻ. Vì sao có chuyện ngược đời này?

Hô biến ngoại trú thành… nội trú?

Trong đơn gửi Báo Giáo dục Việt Nam, nhiều cán bộ hiện đang công tác tại Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.Hồ Chí Minh cho biết: Từ khi ông Đỗ Công Hân được bổ nhiệm (tháng 8/2005) làm giám đốc, Bệnh viện ngày càng đi xuống, hiện tại chỉ có hơn 2.000 thẻ đăng ký khám bệnh ban đầu tại bệnh viện.

Đơn thư của cán bộ BV GTVT TP.Hồ Chí Minh gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam tố cáo nhiều hành vi sai phạm của Giám đốc Bệnh viện.
Đơn thư của cán bộ BV GTVT TP.Hồ Chí Minh gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam tố cáo nhiều hành vi sai phạm của Giám đốc Bệnh viện.

Đơn cũng cho biết, tỷ lệ người đến khám nội trú rất thấp, mỗi ngày chỉ có vài người. Hiện chỉ tiêu bệnh viện là 80 giường bệnh nhưng thực tế bệnh viện chỉ kê được 16 giường và vài giường tại phòng cấp cứu, hậu phẫu. Bình quân mỗi ngày chỉ có từ 20 – 30 bệnh nhân đến khám, bệnh nhân nằm điều trị không có. “Nhưng để hợp thức hóa đủ chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh, ông Hân đều sử dụng bệnh án ngoại trú báo cáo thành bệnh án nội trú để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh và rút tiền ngân sách Nhà nước” nội dung đơn tố cáo nhấn mạnh.

Do đó, các khoa lâm sàng chỉ cần có bệnh nhân đến khám bệnh là làm bệnh án ngoại trú. Khoa nào không làm hoặc làm ít sẽ bị hạ bậc bình xét, còn khoa nào làm được nhiều bệnh án ngoại trú thì được khen thưởng đột xuất. Bằng hình thức này, ông Hân đã buộc các khoa phải làm bệnh án ngoại trú, hàng tháng nộp về phòng kế hoạch tổng hợp báo cáo thành bệnh án nội trú để lấy chỉ tiêu kế hoạch. Có những khoa không có bệnh nhân đến điều trị nhưng vẫn đạt 80 – 90% kế hoạch tháng.

Hồ sơ mà phóng viên có được cũng chứng minh phần nào nội dung tố cáo trên. Tại sổ bàn giao trực của Bệnh viện GTVT ghi nhận: ngày 15/4/2013, khám được 10 bệnh nhân ngoại trú; ngày 16/4/2013 khám được 10 bệnh nhân ngoại trú; ngày 17/4/2013 khám được 10 bệnh nhân ngoại trú; có những ngày như 26-27/4/2013 khám được… 2 bệnh nhân ngoại trú. Tại sổ bàn giao khác ghi nhận: ngày 9/10/2013, khám được 17 bệnh nhân ngoại trú, 7 nội trú; ngày 11/10/2013 khám được 26 bệnh nhân ngoại trú, 7 nội trú.

Như vậy, trong khi các bệnh viện đang gặp phải tình trạng quá tải thì Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh lại không có bệnh nhân đến khám. Lý do vì sao bệnh nhân lại không tìm đến bệnh viện này?

Bệnh viện mỗi ngày khám… vài chục người

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về nội dung đơn thư tố cáo, ông Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện thừa nhận: “Mỗi ngày, Bệnh viện khám cho khoảng 30 người, ngoài ra còn có khám lái xe. Hiện tại, Bệnh viện có khoảng hơn 4.000 người đăng ký khám bảo hiểm y tế. Bệnh viện của tôi là bệnh viện hạng 3, giữa trung tâm thành phố này thì tỷ lệ bệnh nhân nằm tại chỗ là không nhiều, chỉ có những bệnh nhân phẫu thuật là phải nằm đây, còn đa số là điều trị ngoại trú”.

Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện làm việc với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam.
Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện làm việc với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam.

Khi được hỏi về việc chuyển hồ sơ ngoại trú sang nội trú, ông Hân không trả lời thẳng về vấn đề mà cho rằng: “Điều trị ngoại trú là người ta được cấp thuốc và có hồ sơ theo dõi tại bệnh viện. Còn việc rút ngân sách, cái này chúng tôi đã quán triệt từ lâu rồi. Tức nguồn ngân sách chưa đủ trả lương chi thường xuyên. Chúng tôi được cấp có 3 tỷ mấy thì lương chúng tôi đã chi gần 4 tỷ đồng. Tất cả các bệnh nhân vào đây là bảo hiểm y tế nên không có việc rút tiền được. Tôi thấy một số bệnh viện có chuyện này nhưng bệnh viện tôi là không có”.

Khi được hỏi về việc “ép” chỉ tiêu giường bệnh, trong khi thực tế không có bệnh nhân, ông Hân cho biết: “Nếu không đạt giường bệnh thì chúng tôi phải “điều chỉnh”, “tìm các giải pháp”. Hồ sơ ngoại trú vẫn được tính vào chỉ tiêu giường bệnh”.

Trong khi nhiều bệnh viện Nhà nước khác hoạt động tự chủ, phát triển nhiều mặt, lượng bệnh nhân tìm đến ngày càng đông thì Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh lại hoạt động “èo uột”, xuống dốc một cách thê thảm. Hàng năm, Nhà nước vẫn phải rót một khoản kinh phí hàng tỷ đồng để nuôi sống bệnh viện này nhưng hiệu quả hoạt động thì chưa thấy đâu. Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ suy nghĩ gì về sự lãng phí nguồn nhân lực, vật lực tại Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm qua?

Còn nhiều “bê bối” tại Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh mà Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp, cùng bạn đọc đi tìm nguyên nhân trong các bài báo tiếp theo. 

Duy Phong