"Hiện tượng Đinh La Thăng" qua con mắt của độc giả

31/10/2011 09:01
Nguyễn Đăng Tấn (Vietnamnet)
Ở cương vị Bộ trưởng, mỗi hành động, mỗi việc làm đều ảnh hưởng đến một bộ phận lớn. Chúng ta không thể làm theo kiểu "thử và sai" được...

Qua rồi thời "kính chuyển"

Vừa qua một số vị bộ trưởng mới đã được dư luận quan tâm với những phát ngôn và hành động của họ. Mối quan tâm ấy chưa phải vì những hành động đó tác động ngay đến đời sống đang gặp không ít khó khăn trong thời bão giá, mâm cơm ít cá, nhiều rau, cũng chưa phải vì những phát ngôn và hành động đó đều đúng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng

Sự quan tâm ấy đến từ cái mới và cái trẻ của những cán bộ ấy, mà tân Bộ trưởng Đinh La Thăng là một đơn cử.

Vừa nhậm chức, ông Thăng đã phát ngôn ấn tượng: Là tư lệnh phải cho tôi toàn quyền quyết định. Điều này chắc người dân rất đồng tình. Bởi suy cho cùng là tư lệnh ngành, anh phải có toàn quyền, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Ở ta đã từ lâu có thói quen những việc của đơn vị mình, ngành mình nhưng cái gì cũng đùm đẩy lên cấp trên mà không dám chịu trách nhiệm. Nếu có sai thì cho đấy là trên chỉ đạo, đã xin ý kiến cấp trên...

Rồi tiếp theo ông đã có những động thái quyết liệt như "trảm tướng" trong vụ chậm tiến độ xây đựng cảng hàng không Đà Nẵng; quyết liệt trong chỉ đạo nhằm giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn (hạn chế xe máy, tăng cường xe công, đổi giờ làm viêc...); đình chỉ 5 nhà thầu chậm tiến độ...

Để làm gương ông còn đi làm bằng xe buýt mỗi tuần một buổi, yêu cầu cán bộ Bộ mình cũng thực hiện như vậy. Ông cũng cấm luôn cán bộ dưới quyền chơi golf...

Nhìn vào lời nói và việc làm, cái gì ông cũng quyết liệt.

Dư luận có người khen, kẻ chê. Mà mỗi lời khen, mỗi lời chê (hay đúng hơn là những ý kiến lo lắng) đều có cái lý riêng của họ.

Không thể thử và sai

Riêng người viết bài này rất ủng hộ cách chỉ đạo, cách làm quyết liệt của ông Đinh La Thăng. Ở đấy có sự dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết khó cũng làm. Nó khác xa với mẫu người "quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật" hay như ông bà ta thường nói "ngậm miệng ăn tiền". Ở đời thường có sự éo le, càng làm càng lộ ra sai sót. Mà thường đôi khi lại chỉ chăm chăm nhìn cái sai của người khác rồi từ đó quy kết, phê phán. Chính điều này đã làm nhụt ý chí của biết bao người.

Tuy nhiên với cương vị của một quan "đứng trên vạn người" thì mỗi việc làm, mỗi lời nói đều phải "bảy lần đo, một lần cắt" như một câu ngạn ngữ của Nga. Ở đây không phải đến mức sợ không dám nói mà là nói như thế nào.

Ở cương vị Bộ trưởng, mỗi hành động, mỗi việc làm đều ảnh hưởng đến một bộ phận lớn. Chúng ta không thể làm theo kiểu "Thử và sai" được. Trong khoa học cái sai cũng quan trọng như cái đúng (thông qua cái sai tìm ra cái đúng), nhưng trong thực tiễn sai là tiền là máu và mồ hôi.

Một vị tư lệnh ngành không thể là cán bộ phong trào, mỗi việc làm không phải đều chạy theo phong trào mà là một sự "vượt bỏ", là những việc làm thực chất. Và như vậy phải là nắm bắt qui luật, nắm bắt thực tiễn đề ra giải pháp. Chiều sâu của công việc chính là tư duy, là tri thức.

Có một nghịch lý mà lâu nay chúng ta thường mắc là bố trí cán bộ không đúng chuyên môn nghiệp vụ. Tất nhiên là lãnh đạo cần chuyên môn không chỉ để làm mà để hiểu để quản lý. Không biết việc thì không có sáng kiến, không có giải pháp. Một cán bộ chỉ giỏi ở những lĩnh vực anh hiểu biết anh chuyên sâu. Nếu bố trí sai là hỏng cả việc công, làm thui chột cá nhân.

Cái giỏi của người cán bộ cũng không phải các giải pháp các quyết sách tự mình nghĩ ra. Những giải pháp không chỉ đến từ cái đầu. Nó phải xuất phát từ thực tiễn, từ nhân dân "người nông dân là người bổ nhát cuốc khai phá, còn người trí thức nhặt những hạt vàng trên cánh đồng ấy".

Quay lại những giải pháp mà Bộ trưởng Thăng đề xuất, đúng là rất nhiệt tâm, nhưng có những giải pháp chỉ là tình thế. Việc cấm xe máy, xe ô tô cá nhân, việc thay đổi giờ học cũng đều đúng nhưng nếu có vậy thì không thể thành công. Ở đây giải bài toán ùn tắc giao thông là giải bài toán tổng thể. Cần thấy nguyên nhân nào là chính, là chủ yếu gây ra. Khi hạ tầng giao thông quá cũ kỹ, lạc hậu không thể đáp ứng dược với lượng người tham gia giao thông thì cần tập trung giải quyết mâu thuẫn cơ bản chủ yếu ấy, còn các giải pháp khác cũng quan trọng nhưng chỉ thành công khi cùng thực hiện.

Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội có lý khi cho rằng: Các giải pháp phải đồng bộ, ưu tiên số một là cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông. Xe nhiều, người nhiều mà đường ít thì tất cả những biện pháp khác chỉ mang tính tình thế và chỉ giảm thiểu ở mức độ nhất định.

Những việc làm quyết liệt, những chỉ đạo sát sao chắc chắn sẽ được người dân đồng tình ủng hộ. Dẫu có lúc này lúc khác còn có những hạn chế song đó là tất yếu trong quá trình phát triển. Điều khó là vị lãnh đạo giữ được nhiệt huyết và cái tâm, để đi đến cùng.

Nguyễn Đăng Tấn (Vietnamnet)