Trường bắn - ngày kết thúc:

Kỳ 4: Trộm xác chết tử tù và câu chuyện sửa luật

15/12/2011 14:00
Theo VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP/Tuoitre
Sau rất nhiều năm tranh luận, tháng 6-2010 quy định cho thân nhân nhận xác tử tội về mai táng đã được ra đời trong Luật thi hành án hình sự.

Trong Luật thi hành án hình sự quy định này chỉ vắn tắt trong điều 60. Nhưng để có được điều khoản ấy, đã phải mất rất nhiều thời gian và cả những sự thật ở pháp trường tác động.

Mộ một tử tù bị bới trộm tại pháp trường Long Bình năm 2004 - Ảnh tư liệu của Bảo Trâm

Mộ một tử tù bị bới trộm tại pháp trường Long Bình năm 2004 - Ảnh tư liệu của Bảo Trâm 

Sự thật ấy, bà Lê Thị Thu Ba - phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - nhắc đến trong những ngày cuối cùng của trường bắn này. Đó là “đã có nhiều xác tử tù bị đào bới trộm, nhất là ở pháp trường Long Bình (TP.HCM) và một số tỉnh miền Đông”.

Những vụ trộm xác nổi tiếng

Chúng tôi về lại pháp trường Long Bình với mong muốn tìm lại những câu chuyện về các vụ trộm xác - những câu chuyện dù chưa từng được ghi nhận trong lịch sử tố tụng nhưng đã tác động lớn tới những người soạn thảo luật mà bà Thu Ba đã nói. Hỏi nhiều người dân quanh pháp trường Long Bình, từ ngã ba Lâm Viên đến khu du lịch Suối Mơ nhưng đa số đều là những cái lắc đầu, nghi ngại. Cuối cùng gặp được Sáu Sang, một người đàn ông chạy xe ôm ở ấp Bến Đò phường Long Bình, một trong những người đã tham gia vụ đào trộm xác Năm Cam và đàn em tháng 6-2004. Sau những phút ngần ngừ, cuối cùng Sáu Sang đồng ý tiếp chuyện, tặc lưỡi như phân bua: “Chuyện cũ, vì chén cơm manh áo thôi, ở pháp trường Long Bình này hồi đó trộm xác là chuyện thường”.

“Chuyện thường” đó theo lời Sáu Sang đã diễn ra trong rất nhiều năm, nhóm của Sáu Sang rồi một nhóm trước nữa do một đàn anh tên Sáu Bông cầm đầu vào những năm 1998-1999 đã từng đào bới hơn 40 mộ. Từ mộ Phạm Huy Phước đến Năm Cam và đàn em, rồi Tăng Minh Phụng... đều từng được đào bới ngay trong ngày hoặc chỉ sau vài ngày sau khi thi hành án. Nhưng câu chuyện mà Sáu Sang kể nhiều nhất vì đã từng gây ra sự đình đám nhất chính là lần đào bới mộ Năm Cam và đàn em.

“Xác Năm Cam tụi này lấy sau, còn xác Lai Em (Châu Phát Lai Em) được đưa lên trước nhất” - Sáu Sang bắt đầu câu chuyện. Đó là ngay trong ngày thi hành án (3-6-2004 - PV), gia đình Lai Em đến thắp nhang khi vừa thi hành án, cả nhóm trộm xác của Sáu Sang gồm tám người, dưới trướng một đại ca tên Thanh Mập đã đồng ý cái giá 60 triệu đồng của gia đình Lai Em đưa ra. Và ngay trong đêm 3-6, khi chưa quá nửa đêm, xác Lai Em vừa thi hành án xong buổi sáng đã được bới lên đưa khỏi pháp trường về nghĩa trang Gò Dưa.

Còn xác Năm Cam thì sao? - Chúng tôi hỏi dồn, Sáu Sang chậm rãi, lại như phân bua: “Xác Năm Cam thì cao hơn chút, hồi đó cả Năm Cam và một đàn em nữa tui không nhớ tên (Nguyễn Hữu Thịnh - PV) là 150 triệu”. Sáu Sang kể Năm Cam và đàn em Nguyễn Hữu Thịnh được bới lên sau cùng, sau khi thi hành án bốn ngày, trước đó một đàn em khác của Năm Cam là Minh Bu cũng được nhóm của Sáu Sang đưa lên với giá 60 triệu đồng. “Lẽ ra vụ này êm xuôi, nhưng vì xác Năm Cam được đưa ra tới ngoài Trảng Bom, rồi vòng về Biên Hòa trước khi thiêu, theo ý nguyện của gia đình nên mới lộ ra. Chớ trước kia làm miết ít có ai dòm ngó” - Sáu Sang kể lại.

Chuyện đã diễn ra gần tám năm, Sáu Sang lúc nhớ lúc quên, còn thực tế câu chuyện Sáu Sang kể từng được Công an TP.HCM vào cuộc điều tra và xác định xác Năm Cam và đàn em đã được thuê đào bới với giá hơn 250 triệu đồng. Dư luận ngày đó không chỉ râm ran với việc xác Năm Cam và đàn em bị đào bới mà còn bức xúc vì mộ Hưng mi nhon (một đàn em khác của Năm Cam) bị kẻ xấu đập phá tan tành, chỉ vì gia đình không thuê bốc xác, tự xây mộ ngay trong pháp trường. Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Công ty TNHH Sài Gòn Luật, khi đó là PV báo Pháp Luật TP.HCM, đã vào cuộc điều tra với loạt bài “Đường dây trộm xác ở pháp trường Long Bình” nói: “Đó là một câu chuyện làm nhiều người bức xúc. Nhưng sự bức xúc nhiều nhất không phải chỉ dồn vào những kẻ trộm xác mà vào cả quy định không cho nhận xác tử tội, đã tạo kẽ hở cho những kẻ trộm xác và làm đau lòng thân nhân tử tội. Một nỗi đau không đáng có”.

Tác động từ pháp trường

Những vụ trộm xác ở pháp trường, đặc biệt là vụ trộm xác của Năm Cam và đàn em, đã có tác động lớn đến những cơ quan tố tụng vào thời điểm đó. Bà Thu Ba cho biết chỉ thị số 138/KC1 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc không cho thân nhân nhận xác tử tù đã có từ năm 1974. Năm 1993 tại hội nghị tổng kết ngành tòa án đã đưa ra phương án bàn thảo để sửa đổi. Ông Bùi Hoàng Danh -chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM cũng từng kiến nghị Tòa án nhân dân TP.HCM cũng có kiến nghị để khắc phục sau khi có dư luận về những vụ trộm xác từ giữa thập niên 1990 nhưng vẫn chưa đủ sức để thay đổi.

Sau những vụ trộm xác Năm Cam và đàn em thì không chỉ một mà rất nhiều cơ quan từ Ủy ban Tư pháp Quốc hội, HĐND TP.HCM, Công an TP.HCM cùng có kiến nghị sửa đổi. Đó là lúc mà những kiến nghị đã có đủ sức nặng để đưa ra được đến nghị trường. Bà Thu Ba kể đã có rất nhiều cuộc tranh luận ở các tổ cũng như ban soạn thảo luật. Cũng có không ít ý kiến lo ngại ngay tại nghị trường cho rằng nếu cho thân nhân nhận xác sẽ dễ gây ra sự xáo trộn tinh thần người thân, khó đảm bảo được an ninh trật tự. Nhưng cuối cùng, sau nhiều phiên thảo luận, ngày 17-6-2010, 85% đại biểu đã bấm nút thông qua quy định cho phép thân nhân nhận xác tử tội nếu thân nhân có yêu cầu.

“Những câu chuyện liên quan đến pháp trường đều là những câu chuyện rất đau lòng. Và điều luật ấy, dù nhỏ bé nhưng đã giúp làm bớt đi một câu chuyện ở pháp trường” - bà Thu Ba trầm ngâm.

Còn phải chờ thực tiễn hoàn thiện

Điều 60 của Luật thi hành án hình sự quy định thân nhân phải có đơn xin nhận xác tử tù và cam kết tùy vào từng điều kiện an ninh, môi trường... mà gia đình phải cam kết được chánh án tòa án nhân dân tỉnh nơi xét xử sẽ quyết định cho nhận hay không. Đây là một quy định mở, theo bà Lê Thị Thu Ba, thực tiễn thi hành án tử tù sắp tới sẽ góp phần hoàn thiện hơn.


Sẽ không còn một con đường dẫn ra pháp trường với phương thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc. Trên con đường ra pháp trường ấy, những tử tù nghĩ gì?

Kỳ tới: Giờ phút trước pháp trường.


Theo VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP/Tuoitre