"Làm ở quê 10 năm cũng chẳng bằng một năm ngồi lê vỉa hè Hà Nội"

19/09/2012 08:14
Độc giả Lê Quỳnh Anh
(GDVN) - "Những người ở quê lên Hà Nội đều muốn tìm mọi cách để kiếm thật nhiều tiền. Họ bán hàng theo kiểu nói thách, chặt chém rồi bu xung quanh từ khách Việt đến khách Tây. Thế nên mới có cái chuyện thực tế là 10 năm làm ở quê không bằng một năm ngồi lê vỉa hè Hà Nội", độc giả Lê Quỳnh Anh bày tỏ.
Tiếp tục câu chuyện về văn hóa Hà Nội đã được Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải, tòa soạn vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến của bạn đọc.
Một trong số đó là ý kiến của độc giả Lê Quỳnh Anh. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Thời gian vừa qua, tôi đã theo dõi rất kỹ những ý kiến xung quanh câu chuyện văn hóa Hà Nội từ không ít độc giả, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Trong số đó, tôi nhận thấy ngoài các ý kiến khách quan, thì cũng còn có không ít những ý kiến dường như đang hiểu sai về người Hà Nội.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", là một người Hà Nội, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm trong việc có những ý kiến để giúp mọi người hiểu đúng hơn. Hà Nội bây giờ xô bồ, bon chen, nhộm nhoạm đó là một thực tế mà rất nhiều người Hà Nội như tôi đều phải xót xa, kêu than. Chừng đầu đến giữa những năm 90, nếu ai có dịp đến Hà Nội sẽ thấy, lúc đó thủ đô thật đúng với những gì mà mọi người đã dành cho, hiền hòa, êm đềm, thanh tao, sâu lắng, người lúc đó tuy có đông nhưng văn hóa thanh lịch vẫn hiển hiện rõ ràng. Nhưng từ cuối những năm 90 trở về đây, khi kinh tế bắt đầu phát triển, sự mở cửa về tất cả các mặt kinh tế, xã hội... đã khiển cho một luồng di cư, với dòng người từ các tỉnh lẻ xung quanh đổ dồn về Hà Nội thông qua con đường học hành, buôn bán... Điều đó đã làm cho Hà Nội biến đổi khác hẳn. Tôi có quen với một số người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội nhập cư từ đầu những năm 2000. Sau những câu chuyện kể của họ về quãng thời gian lập nghiệp ở mảnh đất thủ đô này, bản thân tôi chợt nhận ra một thực tế được đúc rút lại, đúng là kiếm tiền ở Hà Nội dễ thật. So với công việc đồng áng thu nhập thấp, vừa vất vả, vừa bấp bênh, lại thêm cái chuyện làm thêm, việc ít, người nhiều thì đúng thật chỉ cần làm ăn bình thường ở Hà Nội là có thể đủ ăn, đủ tiêu, còn cố gắng thì thừa ra cất đi là hiển nhiên. Chả những thế, mà có chị đi bán hàng rong ngay gần nhà tôi kể, chỉ trong một năm ngồi lê ở vỉa hè Hà Nội, buôn bán hoa quả nhỏ thôi nhưng cái số tiền mà chị đã bỏ được ra, ăn tiêu, tích góp phải bằng 10 năm làm cật lực với ruộng đồng, cấy cày ở quê. Nói cách khác cho vần điệu hóa là "làm 10 năm ở quê chẳng bằng một năm ngồi lê vỉa hè Hà nội". Dòng người nhập cư họ đổ về Hà Nội làm tất cả mọi nghề để có thể kiếm được tiền, thậm chí nhiều khi, tôi có cảm giác là dường như họ tìm mọi cách mọi thủ đoạn để có thể kiếm tiền. Tôi thường xuyên đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm và nhận thấy một thực tế xót xa, đó là những người hàng rong có những hành động, chèo kéo, bán hàng chặt chém khách du lịch rất nhiều lần.  Không chỉ khách Tây mà ngay cả những khách Việt ở các vùng miền khác không cẩn thận cũng trở thành đối tượng nhắm đến của họ. Và họ có một đội với nhau, trong đó, tất cả đều là người ngoại tỉnh. Có thể mọi người cho đó là vì cuộc sống, vì mưu sinh của người ta nhưng nếu nó phá hỏng đi văn hóa, phá hỏng đi hình ảnh tươi đẹp, hiền hòa của mảnh đất và con người Hà Nội thì sao đây. Tôi nghĩ rằng, thà hi sinh một chút quyền lợi, lợi ích của cá nhân để phục vụ cho cái chung là điều đáng nên làm trong lúc này. Tôi cũng đã đi nhiều nơi và thực sự câu chuyện chặt chém không còn là của riêng địa phương nào cả. Cái cảnh khách du lịch chỉ cần vô tình quên hay không tinh ý là bị "chém" tơi bời đã không còn quá xa lạ.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Ngay mới đây, trong chuyến đi dọc, qua Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng đã được chứng kiến cảnh, hàng rong, hàng quán chặt chém khách. Tuy không phải là tất cả nhưng nó đã giúp tôi thêm phần khẳng định, chặt chém khách du lịch có ở khắp nơi. Và điều này còn xuất hiện ngay cả ở một số vùng của các quốc gia mà nhiều khi ta tưởng họ quá văn minh nên sẽ không có điều này. Tôi không trách cái "khát khao" kiếm tiền vì đó là chính đáng và cũng không đổ lỗi cho tất cả người dân ở tỉnh lẻ về Hà Nội, rồi người dân ở các vùng mà tôi đã đi qua nhưng cái đáng trách ở đây, chính là đạo đức của mỗi người cũng như phương pháp quản lý mà chính quyền các địa phương đang thực hiện. Ngay tại Hồ Gươm thôi, thì để bắt quả tang những người bán hàng rong chặt chém, bu quanh khách du lịch là điều rất dễ dàng, nhưng chính quyền dường vẫn thờ ơ và vô trách nhiệm. Sao không xây dựng một đội cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách? Sao không tổ chức những đội công an đi tuần khu vực này thường xuyên để xử lý.. ,phòng tránh những việc đáng xấu hổ thế này. Hà Nội không phải của riêng chúng tôi, mà Hà Nội là thủ đô, là trái tim của cả nước, mọi người hãy coi đây là ngôi nhà của mình, hãy coi việc góp phần làm cho Hà Nội đẹp lên hơn là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng.* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Lê Quỳnh Anh