Lãnh đạo phường, xã đều không đồng tình với đề án thu phí giao thông

11/04/2012 12:54
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Một số lãnh đạo phường, xã tại Hà Nội cho biết họ không đồng tình với đề án thu phí giao thông đường bộ của Bộ GTVT đưa ra.
Liên quan đến đề án thu phí giao thông đường bộ của Bộ GTVT, trong đó có việc sẽ đưa về các phường, xã để thu các loại phí này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo phường, xã tại Hà Nội về vấn đề này.
Đề án thu phí giao thông để hạn chế xe cá nhân của BT Đinh La Thăng có được lòng dân? (ảnh Dân Trí)
Đề án thu phí giao thông để hạn chế xe cá nhân của BT Đinh La Thăng có được lòng dân? (ảnh Dân Trí)
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Khánh Đồng, Chủ tịch UBND phường Dương Nội, quận Hà Đông cho rằng, việc thu phí giao thông đường bộ của Bộ GTVT là chưa phù hợp: “Nếu như thực hiện việc thu phí trong tương lai thì phù hợp còn thời điểm này thì chưa.
Nếu mục đích muốn thu phí để nhằm bảo trì đường bộ thì phải đầu tư các cơ sở hạ tầng để đảm bảo chất lượng hạ tầng cho việc các phương tiện tham gia giao thông được đảm bảo chất lượng. Còn việc thu phí nhưng lại không đảm bảo các cơ sở hạ tầng để phương tiện tham gia giao thông thì quả thực rất khó thuyết phục người dân”_ ông Đồng cho biết.
Một khó khăn nữa mà ông Đồng đề cập đến là từ ngày 1/6, Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực. Theo nội dung của Nghị định 18, cơ quan được giao nhiệm vụ thống kê và thu các loại phí đối với xe máy sẽ là UBND cấp phường, xã, thị trấn hoặc lực lượng công an địa phương:

“Việc đưa về các xã phường để thu những khoản phí này là rất khó khả thi, không thể làm được. Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì xung quanh việc thu phí bảo trì đường bộ. Hiện tại, toàn phường mới có 19 cán bộ nhân viên, giải quyết những công việc hàng ngày còn "mướt mồ hôi" nói gì đến chuyện đi thu phí bảo trì đường bộ?.

Đặc biệt là ở phường Dương Nội là người dân đã cơ bản chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp rồi, những phương tiện giao thông như xe máy, xe ôtô tải...người dân mua là một phần để chuyển đổi nghề nghiệp. Bây giờ mà thu phí như thế thì ảnh hưởng trực tếp đến cuộc sống, đến việc phát triển kinh tế của người ta.

Thu phí hạn chế xe cá nhân liệu có giảm được ùn tắc?
Thu phí hạn chế xe cá nhân liệu có giảm được ùn tắc?
Thứ hai nữa là sẽ xử lý như thế nào đối với những người không nộp các loại phí này? Người ta nộp thì không sao nhưng không nộp thì sẽ xử lý thế nào? Hiện nay chưa có một chế tài, một quy định pháp luật nào về thẩm quyền để ra quyết định xử phạt và cưỡng chế đối với những người không nộp?”, ông Đồng đặt câu hỏi. 
Theo dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về phương án thu phí bảo trì đường bộ, từ ngày 1/6, phí ôtô sẽ do cơ quan đăng kiểm đảm trách, còn với xe máy sẽ do chính quyền cấp tỉnh, thành phố quyết định tùy thuộc theo đặc điểm địa phương.

Dự thảo thông tư nêu rõ, chi phí tổ chức thu phí đối với môtô không quá 5% tổng số thu. Số kinh phí được để lại này chi cho công tác tổ chức thu, như: in ấn chỉ, chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng, vật tư văn phòng…
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Vân, Phó chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết, bà không đồng ý đối với đề xuất thu phí để hạn chế xe cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải.
Về lý do không đồng ý với đề án trên của Bộ GTVT bà Vân cho rằng: “Thứ nhất là mức phí hạn chế các phương tiện tham gia giao thông còn cao so với thu nhập của người dân. 
Thứ hai là người ta mua được cái xe không có nghĩa là người ta có thu nhập cao. Có thể đó là do người ta chắt bóp, dành dụm cả một quá trình khi đi làm đến khi về hưu người ta mới mua được cái xe. Việc đóng phí đó không hợp lý vì khi đóng phí người ta chưa chắc đã phải hạn chế việc đi lại của người ta, thậm chí còn phải lưu thông đi lại nhiều hơn để kiếm tiền bù lại tiền phí. Người dân bỏ tiền ra đóng phí có nghĩa là người ta phải thu về được một cái dịch vụ nào đấy. 
Thế nhưng ở đây, phí phải bỏ ra nhưng lại phải hạn chế việc đi lại của mình. Việc thu phí không làm giảm tình trạng ùn tắc bởi vì phí người ta vẫn bỏ ra nhưng người ta vẫn phải đi...”.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Vnexpress, hầu hết lãnh đạo phường xã ở Hà Nội cho rằng giao cho cấp phường xã thu là không khả thi. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, giải thích nhân lực cấp phường có hạn, trong khi công việc hiện nay rất nhiều, chắc chắn không đủ người để đi thu phí. Nếu giao cho tổ trưởng dân phố thì không đúng chức năng và quyền hạn hiện có. Hiện lực lượng này chỉ đảm nhận chi trả lương hưu, thu thuế đất, còn thu phí bảo trì là lĩnh vực hoàn toàn khác.

Ông Hải cho rằng, nếu giao thêm quyền thu phí cho tổ trưởng dân phố thì vẫn phải có cảnh sát khu vực đi kèm thì người dân mới chấp hành nộp phí. Song vẫn có trường hợp hộ dân không nộp đủ phí của số xe sở hữu, ví dụ một gia đình có 4 xe máy song người ta chỉ kê khai 2 và không hợp tác thì lực lượng của phường rất khó thuyết phục và khó kiểm tra số xe thực tế của gia đình này.
 

Đồng quan điểm, ông Vũ Cao Minh, Phó bí thư quận Thanh Xuân, nhận định công tác thu phí bảo trì đường bộ qua các phường sẽ gặp khó khăn, bởi chức năng của phường hiện chưa có việc thu phí bảo trì đường. Nếu bổ sung chức năng thì phường cũng không thể đủ người đi thu mà phải huy động các tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực.

“Phải trích lại phần thu được cho phường một mức thích đáng, theo tôi ít nhất là 5% để trả công cho người đi thu và tuyên truyền cho người dân. Nếu quá thấp thì người ta không có động lực và nhiệt tình làm việc”, ông Minh nói.

Nguyễn Tiến