Lập khống danh sách chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền hỗ trợ dạy nghề

22/05/2014 09:17
Duy Phong
(GDVN) - Tuy không tổ chức dạy nghề nhưng hàng chục doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề ở tỉnh Thanh Hóa đã lập khống danh sách, bảng lương… để đút túi hàng tỷ đồng.
Ngày 05/6/2006, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2409/2006/QĐ-UBND về cơ chế khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Quyết định số 2541/2008/QĐ-UBND ngày 19/8/2008 về sửa đổi Quyết định số  2409/2006.

Theo đó, từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh đã duyệt chi hỗ trợ số tiền hơn 22 tỷ đồng cho 220 đơn vị trong tỉnh.

Nga Sơn là một trong số huyện, thành phố có sai phạm trong quá trình hỗ trợ tiền dạy nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề.
Nga Sơn là một trong số huyện, thành phố có sai phạm trong quá trình hỗ trợ tiền dạy nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề.

Sau khi kiểm tra 38 đơn vị, Công an tỉnh phát hiện cả 38 đơn vị đều có sai phạm dẫn đến thất thoát cho Nhà nước số tiền 3 tỷ 589 triệu đồng.

Cụ thể, 26 đơn vị nhận tổng số tiền là 1 tỷ 721 triệu đồng nhưng không mở lớp đào tạo nghề cho người lao động, nội dung báo cáo trong hồ sơ xin kinh phí đào tạo không có thật; kê khai số người nhiều hơn thực tế, một số đơn vị lập danh sách khống số người lao động…

12 đơn vị nhận tổng số tiền hỗ trợ là 1 tỷ 868 triệu đồng có mở lớp đào tạo nghề từ 5-30 ngày, không đủ thời gian học tối thiểu 2 tháng theo quy định; khai số người tham gia học nhiều hơn thực tế; không duy trì được nghề cho người học.

Tất cả đơn vị nêu trên đều hợp thức hóa hồ sơ để chứng minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề từ 6 tháng trở lên bằng cách lập danh sách bảng lương liên tục 6 tháng và tự ký vào phần ký nhận của người lao động.

Điều đáng nói, công tác xét duyệt, thẩm định của các ngành chức năng (Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện) còn nhiều sơ hở, thiếu sót, không chặt  chẽ, có biểu hiện sai phạm như: không có quyết định thành lập đoàn thẩm định, không phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên đoàn, quy trình thẩm định tại nhiều cơ sở không đủ căn cứ kết luận nhưng vẫn quyết định cho đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/5/2014, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Sở Công thương đang cho cử đoàn thanh tra, rà soát lại công tác dạy nghề của các đơn vị nêu trên nhưng từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

“Chúng tôi chưa có ý kiến gì cả, các anh cứ đăng theo kết luận của Công an đi”, ông Hùng cho biết.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ danh sách và “thủ đoạn” rút ruột ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tại tỉnh Thanh Hóa đến bạn đọc.

Duy Phong