Lợi dụng xây dựng Nông thôn mới, chính quyền tổ chức "bán tháo" ruộng?

27/08/2014 15:36
Hải Ninh
(GDVN) - Tuy người dân đã dồn điền đổi thửa từ hơn 10 năm về trước nhưng nay chính quyền lại thu hồi rồi “xé lẻ” để “bán” cho nhiều hộ khác.

Từ gương điển hình trở thành… tội đồ!

Từ những năm 2001, ông Tống Văn Minh ở xóm 1, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) cùng với các hộ dân đã thực hiện chính sách “dồn điền, đổi thửa” theo đề án của UBND xã nhằm thực hiện các mô hình trang trại VAC. Sau khi dồn điển đổi thửa, gia đình ông Minh có tổng diện tích 2,3 mẫu (8.280m2). Có đủ diện tích lớn, gia đình ông Minh đầu tư hàng tỷ đồng thực hiện mô hình trang trại trồng cây, thả cá, chăn nuôi…

Mô hình trang trại của gia đình ông Minh được nhiều cấp ngành từ Trung ương đến địa phương tặng bằng khen, giấy khen.
Mô hình trang trại của gia đình ông Minh được nhiều cấp ngành từ Trung ương đến địa phương tặng bằng khen, giấy khen.

Năm 2003, ông Minh được UBND xã Mộc Bắc ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp để sản xuất theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Trong quá trình sử dụng, gia đình ông đã cải tạo thành công mô hình VAC đạt năng suất cao. Ông được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen về sản xuất giỏi. Trong một thời gian dài, mô hình của gia đình ông Minh trở thành “điểm sáng” trong tỉnh, nhiều đoàn nông dân các tỉnh lân cận tìm đến học hỏi.

Lấy lý do hết thời hạn giao đất nên chính quyền địa phương đã ban hành văn bản nhằm thu hồi đất trang trại của gia đình ông Minh để thực hiện chính sách “dồn điển, đổi thửa” trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, mục đích thu hồi và cách thực hiện của chính quyền có dấu hiệu mờ ám, gây nên sự bức xúc cho người dân địa phương.

Chính quyền không tạo điều kiện cho ông Minh gia hạn hợp đồng mà kiên quyết thu hồi để "xé lẻ" thành 6 thửa và giao cho 6 hộ để thu về... 180 triệu đồng.
Chính quyền không tạo điều kiện cho ông Minh gia hạn hợp đồng mà kiên quyết thu hồi để "xé lẻ" thành 6 thửa và giao cho 6 hộ để thu về... 180 triệu đồng.

Chủ trương dồn điền, đổi thửa của Nhà nước nhằm tăng diện tích, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa... nhưng cách thực hiện tại xã Mộc Bắc lại làm điều ngược lại. Nghĩa là, diện tích đất trang trại của gia đình ông Minh sau khi thu hồi sẽ được chính quyền “xé nhỏ” thành 6 thửa và chia cho 6 hộ.

Tiền “bán ruộng” đã gửi… ngân hàng?

Không dừng lại ở việc thu hồi đất trang trại rồi “xé nhỏ” thành nhiều mảnh, chính quyền ở xã Mộc Bắc còn tổ chức thu tiền của những hộ được ruộng. Mỗi hộ phải nộp cho chính quyền 30 triệu đồng. Với số tiền 180 triệu đồng của 6 hộ, trang trại của gia đình ông Minh được “bán tháo” một cách công khai.

Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND xã Mộc Bắc. Ông Nguyễn Văn Tiêu, Phó chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: “Thực ra, việc ông Minh xây chuồng trại, đào ao là vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch huyện nói “hợp thức hóa” cho ông Minh nên xã mới cho làm. Sau khi thu hồi lại, xã sẽ giao người dân để sản xuất nông nghiệp, còn cụ thể làm gì thì chúng tôi chưa thể trả lời được”.

Việc tổ chức thu hồi lại đất trang trại của gia đình ông Minh là do UBND xã thực hiện, còn việc thu 180 triệu đồng của 6 hộ dân, theo ông Nguyễn Văn Tiêu, Phó chủ tịch UBND xã Mộc Bắc là do "dưới xóm họ bàn và giữ số tiền".
Việc tổ chức thu hồi lại đất trang trại của gia đình ông Minh là do UBND xã thực hiện, còn việc thu 180 triệu đồng của 6 hộ dân, theo ông Nguyễn Văn Tiêu, Phó chủ tịch UBND xã Mộc Bắc là do "dưới xóm họ bàn và giữ số tiền".

Khi được hỏi về số tiền 6 hộ phải nộp cho chính quyền (tổng là 180 triệu đồng) để có được khu đất trang trại gia đình ông Minh, ông Nguyễn Văn Tiêu thừa nhận: “Số tiền 30 triệu đồng/hộ là do xóm người ta bàn. Số tiền này tức là những ruộng gần, ruộng tốt, ruộng dễ làm sẽ phải bù đổi cho những ruộng ở xa, ruộng xấu và người ta sẽ dùng tiền này để bù đổi cho các hộ khác. Số tiền này xóm quản lý và UBND xã không can thiệp vào việc này. Theo chúng tôi được biết, hiện nay xóm vẫn đang gửi tiền ở ngân hàng”.

Việc UBND xã Mộc Bắc tổ chức "xé lẻ" trang trại thành những thửa ruộng manh mún đang đi ngược lại chính sách dồn điển đổi thửa của Nhà nước. Việc UBND xã Mộc Bắc thu tiền của các hộ dân không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết, trật tự trị an ở nông thôn theo kiểu "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Ngoài số tiền 180 triệu đồng thu được từ việc chia nhỏ rồi "bán" trang trại gia đình ông Minh, chính quyền tại xã Mộc Bắc còn "bán" bao nhiêu thửa khác nữa, số tiền là bao nhiêu và hiện nay đang ở đâu? 

Đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái trên.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đơn thư, hồ sơ phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Bạn đọc xin gửi về hòm thư: duyphong@giaoduc.net.vn.

Hoặc địa chỉ: Ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hải Ninh