Mì Gấu đỏ không đủ chức năng kêu gọi đóng góp, núp bóng từ thiện?

20/05/2012 07:28
Quang Thi-Như Bình/tuoitre
Hình ảnh một cậu bé bị ung thư, gia đình nghèo khó không thể cứu chữa trong một đoạn clip quảng cáo của một thương hiệu mì gói đang phát sóng trên nhiều kênh truyền hình, đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhiều người xúc động với hoàn cảnh của em bé trong quảng cáo đã chuyển sang... nổi giận khi biết được đây là hình ảnh minh họa cho một chiến dịch bán hàng của công ty sản xuất mì gói.Núp bóng từ thiện?
Trên mỗi panô quảng cáo mì Gấu Đỏ - gắn kết yêu thương của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia Food), hình ảnh cậu bé bị ung thư máu, truyền nước biển với một lý lịch rõ ràng: Tuấn, 4 tuổi, bị ung thư máu. Cả video clip quảng cáo như một câu chuyện thật khiến người xem phải thắt lòng, kèm theo lời kêu gọi: “Thêm một gói mì, thêm một sự hi vọng...”.
Thông tin và hình ảnh gây xúc động về một cậu bé bị ung thư trong quảng cáo thật ra chỉ là... minh họa (ảnh chụp trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: THANH ĐẠM
Thông tin và hình ảnh gây xúc động về một cậu bé bị ung thư trong quảng cáo thật ra chỉ là... minh họa (ảnh chụp trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: THANH ĐẠM
Thế nhưng, nhiều bạn đọc cho biết đã gọi điện cho đường dây nóng 043 747 0037 muốn giúp đỡ cậu bé, thì bất ngờ được giải thích đó chỉ là một hình ảnh được phía công ty... dựng lên để kêu gọi lòng từ tâm của mọi người.
Không đúng chức năng

Theo điều 2 của nghị định số 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, “Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng”. Điều 17 của nghị định này cũng nêu rõ tổ chức được phép kêu gọi vận động, đóng góp là “Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương”. Như vậy doanh nghiệp có quảng cáo này không đủ chức năng kêu gọi vận động đóng góp.
Vậy nội dung quảng cáo này là từ thiện hay nhằm mục đích kinh doanh, quảng bá sản phẩm? Có những ý kiến cho rằng quảng cáo như vậy là nhân văn, khơi gợi lòng yêu thương của con người, nhưng cũng có ý kiến cho rằng lòng từ tâm kia chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng của mục đích kinh doanh, như phản hồi của bạn đọc Wiki: “Nhà sản xuất Gấu Đỏ đã rất thông minh (?) khi vừa mang danh làm từ thiện vừa đem về lãi khủng”.Luật chưa quy định Thực tế quảng cáo đi kèm với các hoạt động từ thiện không chỉ có Gấu Đỏ đến nay mới sử dụng, rất nhiều nhãn hàng đã dùng hình thức này để lôi kéo sự tham gia của xã hội như mua tã giấy để trẻ em châu Phi có thêm nhiều mũi tiêm chủng trong chương trình của Unicef, hay một số hãng sữa với chương trình hỗ trợ trẻ em đến trường... Tuy nhiên trường hợp của mì Gấu Đỏ lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì mẩu quảng cáo gắn với một trường hợp cụ thể và điều này làm không ít người xem khó chấp nhận được. Bà Lữ Lâm Uyên - giảng viên Luật cạnh tranh, khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết khá sốc khi xem clip quảng cáo này. Theo bà Uyên, đến nay Luật cạnh tranh vẫn chưa có những quy định cụ thể về các mẫu quảng cáo lợi dụng lòng trắc ẩn, lòng tham hay niềm tin của người tiêu dùng. Việc bảo vệ quyền tự do quyết định tiêu dùng trước những hành vi cạnh tranh giành lợi thế trong kinh doanh phổ biến của doanh nghiệp hiện nay như kêu gọi lòng từ tâm, khuyến mãi với giá trị rất lớn... chưa được Luật cạnh tranh nước ta điều chỉnh triệt để. Còn một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo cho rằng việc sử dụng các hình ảnh thương tâm, gây xúc cảm mạnh trong các chiến dịch quảng cáo là rất bình thường ở các nước trên thế giới. Hình ảnh bệnh nhi ung thư cũng có thể khiến người xem xót xa, đáng thương và gợi lên cho họ những cảm xúc chia sẻ. Nếu hiểu theo hướng tích cực, đừng đánh giá doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh bệnh nhi hay lòng trắc ẩn của người tiêu dùng để kinh doanh thì đây là chiến dịch thành công.

Không thể gọi là lừa dối (?)

Ông Trần Bảo Minh - phó tổng giám đốc điều hành Công ty thực phẩm Á Châu (Asia Food), thương hiệu mì Gấu Đỏ, người được xem là chủ nhân của chiến dịch này - cho rằng những dư luận xung quanh chiến dịch quảng cáo này là một phản biện xã hội rất bình thường. Về dư luận hình ảnh bé Tuấn, nhân vật chính trong clip quảng cáo và trên các poster, ông Minh cho biết khi quay nội dung clip này, êkip đã bàn rất kỹ và quyết định không sử dụng những bệnh nhân thật vì bản thân các em rất yếu và sức khỏe không đảm bảo. Những người thực hiện có thể dùng hình ảnh các em để đạt mục tiêu chân thật nhưng như vậy là quá bất nhẫn. Theo ông Minh, việc dùng hình ảnh minh họa nhưng phản ánh một hoàn cảnh có thực trong cuộc sống nên không thể gọi là lừa dối.


Bạn có đồng tình với ý kiến trên không? Mọi ý kiến đóng góp xin mời gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc quí độc giả cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.
Quang Thi-Như Bình/tuoitre