Một Sở ở Thanh Hóa có tới 8 Phó giám đốc, ngân sách đâu nuôi nổi lãnh đạo?

14/07/2016 12:25
Hải Minh
(GDVN) - Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định bổ nhiệm thêm 02 Phó giám đốc, tăng số Phó giám đốc Sở Nông nghiệp lên đến 8 vị.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng vừa ký Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Hải và bà Hoàng Thị Yến lên giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp).

Việc này đã nâng số chức danh Phó giám đốc Sở Nông nghiệp lên đến 8 người.

Tại Quyết định 1988/QĐ- UBND ngày 10/6/2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký, ghi rõ việc bổ nhiệm có thời hạn 5 năm đối với ông Nguyễn Trọng Hải, từ vị trí Chi cục Trưởng chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, lên làm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Hải, từ vị trí Chi cục Trưởng chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, lên làm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp
Ông Nguyễn Trọng Hải, từ vị trí Chi cục Trưởng chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, lên làm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp

6 ngày sau (ngày 16/6/2016), ông Xứng lại tiếp tục ký tiếp Quyết định 2088/QĐ-UBND bổ nhiệm bà Hoàng Thị Yến, từ Chi cục Trưởng chi cục Phát triển nông thôn lên giữ chức Phó Giám đốc Sở thời hạn 5 năm.

Trước khi bổ nhiệm thêm, Sở Nông nghiệp Thanh Hóa đã có tới 6 Phó giám đốc.

Trong đó, chỉ có ông Lê Văn Đốc là Phó giám đốc sẽ nghỉ hưu vào giữa năm 2017.

Quyết định bổ nhiệm bà Hoàng Thị Yến, từ Chi cục Trưởng chi cục Phát triển nông thôn lên giữ chức Phó giám đốc Sở.
Quyết định bổ nhiệm bà Hoàng Thị Yến, từ Chi cục Trưởng chi cục Phát triển nông thôn lên giữ chức Phó giám đốc Sở.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV, ngày 25 tháng 3 năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2015), Điều 3 về cơ cấu tổ chức quy định rõ: “Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người”.

Điều này cho thấy, việc bổ nhiệm thêm 2 Phó Giám đốc Sở là trái với quy định của Thông tư liên tịch số 14.

Dù Thông tư 14 có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2015 nhưng Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng lại bỏ qua quy định tại Thông tư này.

Trước đó, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tổng rà soát tại các Sở ngành và 27 huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện sự “lạm phát” chức danh Phó phòng do bổ nhiệm sai, bổ nhiệm trái quy định tại nhiều đơn vị.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đứng đầu là tại TP. Thanh Hóa dư thừa 53 vị trí Phó phòng;

Huyện Triệu Sơn thừa 32 Phó phòng;

Huyện Thiệu Hóa thừa 20 Phó phòng;

Huyện Tĩnh Gia thừa 17 Phó phòng;

Huyện Yên Định thừa 12 Phó phòng;

Huyện Quảng Xương thừa 7 Phó phòng;

Huyện Thạch Thành thừa 17 Phó phòng.

Danh sách lãnh đạo Sở Nông nghiệp Thanh Hóa gồm Giám đốc và 8 Phó Giám đốc trên website Sở này ngày 14/7/2016. Ảnh chụp màn hình
Danh sách lãnh đạo Sở Nông nghiệp Thanh Hóa gồm Giám đốc và 8 Phó Giám đốc trên website Sở này ngày 14/7/2016. Ảnh chụp màn hình

Tại các Sở ngành như Sở NN&PTNT, Sở Lao động Thương Binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải... đều xảy ra tình trạng trên.

Trước thực trạng “lạm phát” chức danh Phó giám đốc Sở, rõ ràng, UBND tỉnh Thanh Hóa không những đã làm trái thông tư số 14 mà còn đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm biên chế, đội ngũ lãnh đạo cồng kềnh.

Nếu sở ngành nào cũng có số lượng lãnh đạo nhiều như ở Sở Nông nghiệp Thanh Hóa thì ngân sách Nhà nước lấy đâu ra tiền nuôi lãnh đạo?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU ĐẨY MẠNH GIẢM BIÊN CHẾ

Trong phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước thực hiện tinh giản được 10.000 biên chế.

"Tỷ lệ tinh giản biên chế đạt được như vậy là quá thấp so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay”, Bộ trưởng đánh giá.

Các bộ ngành, địa phương làm tốt việc tinh giản biên chế gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên – Môi trường, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Quảng Nam, Sơn La, Cao Bằng...

Vẫn còn không ít cấp, ngành, địa phương đề nghị tinh giản không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng. Trong 15.000 người thì có 1.356 trường hợp không đúng tiêu chuẩn và điều kiện.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Trước hết tinh giản biên chế đã. Chúng ta đã có lộ trình rồi, khối đảng 472, hành chính 1.312, xã 1.567 và đơn vị sự nghiệp 6.500 người. Các địa phương, bộ ngành phải tích cực thực hiện nghị quyết 39 tăng tốc độ giảm biên chế thời gian tới”.

Hải Minh