Ngân hàng Bản Việt sa thải nhân viên không đúng luật

23/06/2015 11:13
Thế Quân
(GDVN) - Lấy lí do là tái cơ cấu ngân hàng, dù anh Tiến là lao động được đánh giá ở mức độ “Ok”, nhưng Ngân hàng Bản Việt vẫn quyết định sa thải, cho anh Tiến nghỉ việc

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của anh Mai Phước Tiến (ngụ tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) về việc anh Tiến bị sa thải, mà theo anh Tiến là sai luật lao động quy định.

Cụ thể, anh Tiến đã nêu: Anh là nhân viên của Ngân hàng Bản Việt (hội sở chính) từ ngày 24/12/2012, với thời hạn hợp đồng lao động là 3 năm, chức danh là nhân viên marketing thuộc phòng Marketing tổng hợp.

Trong quá trình làm việc tại Ngân hàng Bản Việt, anh Tiến luôn hoàn thành tốt công việc được giao, không vi phạm bất cứ quy định nào của Ngân hàng, cũng như có dính líu tới pháp luật.

Ngày 24/12/2013, phòng Marketing tổng hợp được đổi tên là phòng Marketing tổng hợp & Quan hệ công chúng, trong đó anh Tiến được điều chuyển sang đây, với chức danh là nhân viên tổ chức sự kiện.

Tuy nhiên, đến ngày 16/5/2014, anh Tiến lại một lần nữa bị điều chuyển sang phòng nhân sự, với chức danh là nhân sự chờ phân công công tác, mà không có bất kì lý do nào được nêu ra.

Sau đó, anh Tiến tự đi tìm hiểu, thì mới được biết lý do là “thay đổi cơ cấu, công nghệ”.

Anh Tiến hoàn toàn không đồng ý việc điều chuyển này, vì được biết phòng Marketing bị đổi thành phòng Marketing tổng hợp&Quan hệ công chúng đã được thực hiện từ một thời gian dài trước đó (24/12/2013), còn anh Tiến thì mãi đến tháng 5/2014 mới bị điều chuyển đi.

Trích đơn khiếu nại Ngân hàng Bản Việt của anh Mai Phước Tiến (Ảnh: T.Q)
Trích đơn khiếu nại Ngân hàng Bản Việt của anh Mai Phước Tiến (Ảnh: T.Q)

Ngoài ra, sau khi anh Tiến bị điều động đi, thì Ngân hàng này vẫn tiếp tục tuyển nhân sự mới cho phòng Marketing tổng hợp&Quan hệ công chúng, thay vị trí của anh Tiến trước đó, dù anh Tiến vẫn hoàn thành công việc được giao.

Trong thời gian công tác tại phòng Nhân sự, anh Tiến không những không được cung cấp công cụ lao động, phân công công việc, mà còn thường xuyên bị Trưởng phòng nhân sự nhiều lần yêu cầu thôi việc.

Đến ngày 18/11/2014, anh Tiến bị Ngân hàng Bản Việt cho chấm dứt hợp đồng lao động với lý do: Thay đổi cơ cấu. Anh Tiến khẳng định đây là quyết định buộc thôi việc hoàn toàn trái với luật quy định.

Quyết định nâng lương của anh Tiến vào tháng 2/2013 (ảnh: T.Q)
Quyết định nâng lương của anh Tiến vào tháng 2/2013 (ảnh: T.Q)

Khi nêu ra các thắc mắc của mình, trong email gửi cho nhân viên ngày 13/5/2014, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn xác nhận: Anh Tiến chưa làm điều gì sai nghiêm trọng trong quá trình công tác ở Ngân hàng này, nhưng việc không làm sai không đồng nghĩa với việc kết quả công việc xuất sắc, mà chỉ thường dừng lại ở điểm "Ok".

Tại cuộc làm việc vào lúc 15h chiều ngày 12/5/2015 tại Ngân hàng Bản Việt, đại diện lãnh đạo Ngân hàng này đã khẳng định lại một lần nữa, anh Tiến bị sa thải là do Ngân hàng có thay đổi cơ cấu, anh Tiến không có đơn đề nghị ưu tiên đào tạo, và Ngân hàng có xây dựng phương án sử dụng lao động hẳn hoi.

Nhân viên Ngân hàng Bản Việt đang tiếp xúc khách hàng (Ảnh có tính minh họa)
Nhân viên Ngân hàng Bản Việt đang tiếp xúc khách hàng (Ảnh có tính minh họa)

Trong đơn khiếu nại của mình chuyển tới phóng viên, anh Tiến đề nghị Ngân hàng Bản Việt phải thu hồi quyết định sai thải lao động không đúng luật, xin lỗi công khai trên toàn hệ thống của Ngân hàng về việc ra quyết định trái với pháp luật này, thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký, giải quyết những phúc lợi, thu nhập trong thời gian mà anh Tiến bị chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định.

Để giải đáp các thắc mắc của anh Mai Phước Tiến, vừa qua, làm việc với phóng viên, bà Hoàng Cẩm Vân – Trưởng phòng truyền thông của Ngân hàng Bản Việt chia sẻ: Cho đến giờ này, bà Vân chưa thể công bố bất kỳ thông tin nào có liên quan đến vụ việc này, vì tất cả đang còn trong quá trình làm việc, thương lượng và giải quyết với người lao động.

Khi nào mọi việc đã ngã ngũ, Ngân hàng Bản Việt sẽ có trả lời chính thức cho báo giới các tình tiết của vụ việc.

Song song đó, bà Vân còn nhấn mạnh: Đối với Ngân hàng Bản Việt, bênh vực những quyền lợi chính đáng, thiết thực của người lao động luôn là ưu tiên số 1.

Chấm dứt hợp đồng lao động của anh Tiến: Không phù hợp, thiếu pháp lý

Trao đổi cùng với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM sau khi nghe câu chuyện của anh Mai Phước Tiến đã khẳng định: Việc Ngân hàng Bản Việt chấm dứt hợp đồng lao động của anh Tiến vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ là không phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Hậu đã phân tích: Theo điều 44 của Bộ luật lao động, trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động phải phải có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động.

Trong trường hợp có chỗ việc làm mới, thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng, còn nếu không thể giải quyết được việc làm mới, mà phải cho người lao động thôi việc, thì phải trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo đúng các quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điều 13 của nghị định 05/2015 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 12/1/2015, các trường hợp được xem là thay đổi cơ cấu, công nghệ tại điều 44 của Bộ luật lao động bao gồm: Thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động, thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm, thay đổi quy trình công nghệ, máy móc kinh doanh…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (ảnh: internet)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (ảnh: internet)

Như vậy, việc Ngân hàng Bản Việt chuyển phòng Marketing tổng hợp thành phòng Marketing tổng hợp & Quan hệ công chúng được xem là trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tình tiết mà vụ việc anh Tiến nêu ra, việc Ngân hàng Bản Việt đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của anh Tiến vì những lý do này là không phù hợp.

Trao đổi cùng với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam sáng ngày 23/6, anh Mai Phước Tiến khẳng định: Cho tới nay, dù sự việc đã trôi qua hơn 1 tháng, nhưng phía Ngân hàng Bản Việt hoàn toàn không có bất cứ thiện chí nào để giải quyết dứt điểm sự việc của anh.

Trái lại, lần cuối cùng anh Tiến đến Ngân hàng Bản Việt để nộp đơn khiếu nại, yêu cầu được giải quyết vụ việc của mình là hôm 21/5, nhân viên lễ tân của Ngân hàng (tên là Hoàng Thảo) này nói với anh Tiến là chỉ sẽ nhận đơn, mà hoàn toàn không có bất cứ sự ký xác nhận nào.

Khi anh Tiến hỏi đây là chỉ đạo từ ai, thì cũng người nhân viên này nói đó là yêu cầu từ ban lãnh đạo, nhưng cũng không trình ra được bất cứ giấy tờ nào để chứng minh cho điều này. Ngoài ra, nhân viên này còn ‘đe’ anh Tiến nếu còn đứng đây nữa sẽ yêu cầu bảo vệ đến đuổi ra ngoài.

Bởi lẽ, việc chuyển đổi phòng này được thực hiện từ tháng 12/2013, mà đến tháng 11/2014 thì anh Tiến mới bị chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian cách nhau giữa 2 sự việc này là quá dài, gần 1 năm, nên không thể nói là vì lý do này.

Ngoài ra, căn cứ vào thông tin do anh Tiến trình bày, là việc Ngân hàng Bản Việt tiếp tục tuyển dụng lao động vào làm tại Marketing tổng hợp&Quan hệ công chúng, nếu đúng sự thật thì việc Ngân hàng Bản Việt chấm dứt hợp đồng lao động của anh Tiến vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ càng thể hiện sự không phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý.

Ngân hàng Bản Việt sa thải nhân viên không đúng luật

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phi Hổ - Phó Ban Chính sách, lao động – Liên Đoàn Lao Động TP.HCM khi làm việc về trường hợp của anh Mai Phước Tiến sáng ngày 18/5.

Theo ông Hổ, việc Ngân hàng Bản Việt sa thải, điều chuyển lao động cho anh Tiến theo điều 44 của Bộ luật Lao động là trái pháp luật. Trong trường hợp này, anh Tiến hoàn toàn có thể khởi kiện Ngân hàn Bản Việt ra Tòa án nhân dân Q.1, nơi Ngân hàng Bản Việt trú đóng để yêu cầu, đòi bồi thường về sự sai trái này.

Cụ thể hơn, ông Hổ đã phân tích: Nếu muốn điều chuyển lao động sang bộ phận khác, người sử dụng lao động phải có thông báo, mời lao động lên làm việc, thông báo rõ ràng sẽ thực hiện việc điều chuyển này trong bao lâu, mức lương như thế nào, có biên bản làm việc đàng hoàng. Lúc đó, người lao động có ý kiến đồng ý hay không đồng ý thì ghi rõ vào biên bản, rồi mới tính tới chuyện điều chuyển, chứ không tự nhiên làm được.

Khi doanh nghiệp tái cơ cấu, hay thu hẹp quy mô sản xuất, người sử dụng lao động phải có phương án đào tạo lại lao động, như là đưa đi học lại về nghiệp vụ để về phù hợp với cơ cấu làm việc mới.  Nếu tái cơ cấu thì người sử dụng lao động cũng phải làm phương án sử dụng lao động, gửi tới cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Đánh giá chất lượng lao động của người lao động mà như Ngân hàng Bản Việt làm là gửi qua mail cũng không có giá trị pháp lý.

Thế Quân