'Ngành y tế và các chuyên gia phải hành động ngay mới kịp'!

19/11/2011 13:59
Thu Thảo
(GDVN) - Dù muốn hay không muốn, trên thực tế vẫn có rất nhiều gia đình làm theo phương pháp của TS Khải. Đơn giản vì họ thấy con mình khá hơn...

Nhưng như vậy là chúng ta không nên khoanh tay ngồi nhìn việc hàng ngày vẫn có những ca tử vong của các trẻ nhỏ diễn ra ngay trước mặt. Ngành y tế và các chuyên gia hãy có những hành động cụ thể ngay lập tức. Và cũng về lý thuyết, khó có thể nói Anolyte chữa khỏi bệnh chân tay miệng. Nhưng thực tế cho thấy tình trạng sức khỏe nói chung và tổn thương ngoài da nói riêng của nhiều cháu bé tại Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã được cải thiện sau vài ngày sử dụng Anolyte.

Bộ Y tế cần khẩn trương có những đánh giá khách quan và phối hợp với TS Khải để không còn phải chứng kiến những ca tử vong của trẻ nhỏ.
Bộ Y tế cần khẩn trương có những đánh giá khách quan và phối hợp với TS Khải để không còn phải chứng kiến những ca tử vong của trẻ nhỏ.

Đặc điểm chung của các căn bệnh do virus gây ra về nguyên tắc, đa số các bệnh do virus gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khác với vi khuẩn, virus quá tinh ranh. Chúng ẩn nấp trong tế bào và dựa vào tế bào để tăng trưởng, sinh sản. Khi giết chết tế bào này, virus sẽ tìm tế bào khác để trú ngụ. Những phương thuốc vừa có thể tiêu diệt virus mà không gây hại cho tế bào lành của cơ thể vẫn là ước vọng lớn của nhân loại.

Con người vẫn bất lực trước virus và phải trông chờ vào khả năng "tác chiến" của hệ miễn dịch. Thông thường, kháng thể được hình thành vào ngày thứ 5 của bệnh, và từ đó bệnh sẽ lui dần. Trong khi chờ đợi, chỉ có thể tiến hành điều trị hỗ trợ:
• Điều trị triệu chứng
• Nâng cao thể lực
• Phòng ngừa biến chứng
• Trường hợp nặng có thể dùng các thuốc không đặc hiệu để tăng cường hệ miễn dịch.
• Phòng bệnh lây lan.

Trong đa số trường hợp, bệnh tay chân miệng không nguy hiểm nhiều hơn các bệnh nhiễm virus khác, chẳng hạn như cảm cúm. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của các tổn thương (vết loét ở miệng, nốt phỏng trên da…), cộng với ảnh hưởng trực tiếp của nó tới việc đảm bảo dinh dưỡng của trẻ, cha mẹ cảm thấy "bức xúc" với căn bệnh này hơn so với khi con hắt hơi sổ mũi.

Trong khi ngành y tế vẫn "lặng thinh" thì TS Khải vẫn cần mẫn đi đến từng nhà để cứu chữa cho các bệnh nhi.
Trong khi ngành y tế vẫn "lặng thinh" thì TS Khải vẫn cần mẫn đi đến từng nhà để cứu chữa cho các bệnh nhi.

Lỗ hổng trong khuyến cáo chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng Trong Phác đồ chẩn đoán và điều trị của mình, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân thể nhẹ duy trì dinh dưỡng, dùng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tái khám định kỳ. Trường hợp nặng, chỉ định truyền Immonoglobulin, điều trị biến chứng. Phác đồ này không đề cập cụ thể tới các biện pháp chăm sóc da và niêm mạc miệng, nơi có các tổn thương điển hình.

Cũng theo phác đồ trên, trẻ bị bệnh tay chân miệng có thể có các biểu hiện lâm sàng như: • Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú). • Phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông). Trong đa số trường hợp, bệnh không đủ nặng để gây tử vong nhưng bệnh nhi vì mệt mỏi, đau đớn, ăn uống kém, thể trạng giảm sút nên sẽ chậm bình phục.

Nếu không cải thiện được tình trạng đau đớn ở miệng, ngứa ngáy trên da thì khó có thể duy trì dinh dưỡng, nâng cao thể lực cho trẻ. Đó là chưa kể tới việc các vết chợt loét ở niêm mạc miệng và trên da là nguồn lây lan bệnh quan trọng. Các biện pháp tích cực của TS Khải đã lấp đầy khoảng trống này. Việc ngâm rửa các vết phỏng, cho trẻ tắm và súc miệng bằng dung dịch Anolyte cũng như các biện pháp hỗ trợ khác đã giúp các tổn thương ở miệng và niêm mạc mau lành, trẻ sớm ăn uống trở lại và sức khỏe chóng bình phục, hạn chế nguy cơ bội nhiễm và lây lan bệnh.

Việc tăng cường vệ sinh cá nhân và chăn ga gối đệm ở những nơi đông đúc như bệnh phòng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan bệnh. Như vậy là một mũi tên bắn ra đạt được 4 đích (điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, phòng ngừa biến chứng và phòng bệnh lây lan). Ngay cả trong trường hợp trẻ nhiễm các chủng virus ác tính, gây biến chứng nặng, việc cải thiện tình trạng da niêm mạc cũng rất cần thiết, góp phần nâng cao thể trạng, giúp trẻ chống chọi tốt hơn với bệnh.

Khi trẻ hết khó chịu, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại, cha mẹ có thể nghĩ rằng con mình đã khỏi bệnh, nhưng không phải như vậy. Virus vẫn phải đi hết con đường của mình. Cơ thể vẫn cần đủ thời gian để quét sạch những vị khách không mời mà đến. Tuy nhiên, lúc này bệnh tật không còn gây nhiều phiền nhiễu cho trẻ và cha mẹ nữa.

Tất nhiên, những bàn luận trên chỉ có ý nghĩa nếu Anolyte thực sự an toàn đối với trẻ em. Những hiệu quả nhãn tiền mà Anolyte mang lại đã khiến nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại áp dụng một phương pháp chưa được kiểm định trên trẻ em. Chưa ai biết nguy cơ gì ẩn nấp sau phương pháp này. Sẽ còn nhiều nhiều trẻ tiếp tục bị bệnh và chắc chắn người dân rất mong sớm có được lời giải đáp từ phía các chuyên gia y tế.

Thu Thảo