Nghịch lý ở Hà Nam: Nhà “dân” bị phá, nhà “quan” giữ lại!

10/11/2015 11:01
Hải Minh
(GDVN) - Chủ tịch UBND xã bị tố xây nhà trên đất nông nghiệp. nhưng không bị cưỡng chế, trong khi đó nhà người dân lại bị đập bỏ không thương tiếc

Mấy ngày qua, cả xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam xôn xao bàn tán việc ông Trần Hữu Tân, Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cùng đoàn cán bộ của UBND xã mang máy móc đến phá dỡ toàn bộ ngôi nhà của gia đình ông Đặng Văn Chiu, xóm Hùng Tiến, xã Nhân Thịnh khi ông Chiu đi vắng.

Được biết, căn nhà của ông Chiu được xây dựng trên mảnh đất vốn đang có mục đích sử dụng là trồng lúa. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài xây dựng, UBND xã lại không có biện pháp ngăn chặn, có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Ông Đặng Văn Chiu (áo trắng) và người con trai bức xúc trước việc cưỡng chế sai quy trình của UBND xã. Ảnh Hải Minh
Ông Đặng Văn Chiu (áo trắng) và người con trai bức xúc trước việc cưỡng chế sai quy trình của UBND xã. Ảnh Hải Minh

Tuy nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nhà của ông Chiu không phải là căn nhà duy nhất bị chính quyền “xử" giữa lúc nhà của các hộ dân vi phạm xung quanh vẫn “bình yên vô sự”.

Người dân địa phương cho hay, ngay cả căn nhà 3 tầng của Chủ tịch UBND xã – ông Trần Hữu Tân cũng được xây dựng trên đất thổ canh có thể chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Căn nhà của ông Chiu bị đập bỏ khi cưỡng chế, trong khi đó rất nhiều công trình bên cạnh và công trình 03 tầng của gia đình Chủ tịch UBND xã lại không "hề hấn" gì?
Căn nhà của ông Chiu bị đập bỏ khi cưỡng chế, trong khi đó rất nhiều công trình bên cạnh và công trình 03 tầng của gia đình Chủ tịch UBND xã lại không "hề hấn" gì?

Trong đơn kêu cứu của mình, ông Chiu còn tố chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình cưỡng chế mà đã phá dỡ nhà của ông, nhất là khi gia đình ông đi vắng.

Cụ thể, ông Chiu cho biết, nhà của ông nằm trên mảnh đất do chị gái ông là bà Đặng Thị Toan để lại từ năm 2005. Diện tích đất 360m2 nói trên được chuyển sang hình thức đa canh theo Quyết định số 115/QĐ-UB ngày 15/02/1992 của UBND tỉnh Hà Nam.

Năm 2006, ông Chiu xây dựng một căn nhà tạm cấp 4 trên diện tích đất nói trên để phục vụ sinh hoạt, đến khoảng đầu năm 2007 thì hoàn thành.

Trong suốt quá trình xây dựng khoảng 01 năm, các cấp chính quyền địa phương không có bất cứ ý kiến gì”, ông Chiu viết.

Đến năm 2014, trải qua thời gian, căn nhà tạm bị nứt, dột. Thấy xung quanh thửa đất các gia đình khác xây dựng nhà kiên cố, gia đình ông Chiu cũng xây dựng 1 móng nhà kiên cố trên diện tích đất trên.

Ông Chiu khẳng định trong quá trình xây dựng đến khi hoàn thành gia đình không nhận được bât cứ phản hồi nào của các cấp chính quyền địa phương.

Tháng 10/2015, ông Chiu tiếp tục xây dựng nhà kiên cố trên nền móng trước đó. Cán bộ UBND xã Nhân Thịnh có đến nhắc nhở bằng miệng về việc ông Chiu xây dựng nhà chưa hợp pháp.

Tuy nhiên, do các hộ gia đình xung quanh vẫn xây dựng mà không bị ngăn cấm, cản trở nên ông Chiu vẫn tiếp tục xây dựng công trình nhà ở.

Ngày 28/10/2015, lúc gia đình ông Chiu đi vắng, Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cùng đoàn cán bộ của UBND xã đã mang máy móc đến phá dỡ toàn bộ ngôi nhà của gia đình ông.

Theo ông Chiu, việc cưỡng chế phá dỡ của UBND xã Nhân Thịnh “không có quyết định cưỡng chế, không có thông báo đến gia đình từ trước”.

"Máy xúc làm việc khoảng từ 14h đến 22h cùng ngày 28/10 thì san bằng ngôi nhà của gia đình tôi chắt chiu bấy lâu trước sự xót xa của gia đình và hàng xóm.

Sáng ngày 29/10, tôi có ra UBND xã hỏi về việc này thì ông Lương Văn Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban nói hiện tại chưa có quyết định cưỡng chế”, ông Chiu kể lại.

Chính quyền đá bóng trách nhiệm?

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Nhân Thịnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cho biết: “Về phía chính quyền, phải khẳng định việc làm của chúng tôi là đúng".

Ông Lương Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cho biết: Chủ sử dụng đất là một người, còn người xây dựng lại là người khác, UBND xã chỉ thông báo cho người chủ đất biết việc cưỡng chế.
Ông Lương Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cho biết: Chủ sử dụng đất là một người, còn người xây dựng lại là người khác, UBND xã chỉ thông báo cho người chủ đất biết việc cưỡng chế.

"Huyện trực tiếp chỉ đạo chúng tôi mới dám làm. Muốn tìm hiểu sâu về vấn đề, chúng tôi phân công đồng chí Chủ tịch trả lời. Nhưng đồng chí ấy hôm nay bận họp”, ông Sính cho biết thêm.

Ông Sính giải thích: “Chúng tôi cưỡng chế vì đất bị sử dụng sai mục đích. Khi ông Chiu dựng cột nhà đầu tiên, tôi từng tới lập biên bản và nói đây là đất 115, nếu ông cố tình làm UBND xã sẽ cưỡng chế vì đây là hành vi vi phạm quả tang.

Khi ông ấy làm dàn cốt pha, chúng tôi đã lập biên bản, nhưng ông ấy không ký, thậm chí ông ấy còn lăng mạ chúng tôi, đưa quân ra xử chúng tôi”.

Nói về biên bản cưỡng chế, ông Sính khẳng định: “Chính tay chúng tôi cầm biên bản đưa cho ông ấy. Ông ấy còn nói sẽ xé biên bản này”.

Thế nhưng, khi phóng viên đề nghị cho xem văn bản cưỡng chế, ông Sính từ chối.

Trước câu hỏi vì sao chỉ có nhà ông Chiu bị cưỡng chế trong khi các trường hợp vi phạm khác xung quanh không bị xử lý, ông Sính trả lời: “Về luật pháp, nếu nói công bằng thì có nhiều cái khó công bằng. Giờ nếu chính quyền làm được cái công bằng ấy thì chẳng ai phải nói ra câu nào cả. Có nhiều cái chúng ta phải khắc phục dần dần từng bước”.

Ông Sính thừa nhận việc thực hiện kết luận 48 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam và kế hoạch 810 của Ban Dân nguyện về việc cưỡng chế với những hộ sử dụng đất sai mục đích ở địa phương là rất “nan giải và khó thực hiện”.

Vị Phó chủ tịch xã này cũng từ chối bình luận mọi câu hỏi liên quan tới nhà của Chủ tịch xã.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân – ông Nguyễn Thành Trọng, người đang cư trú ở xã Nhân Thịnh thông tin: “Ngày 15/10, Tỉnh có công văn khẩn cấp đề nghị người dân không được cơi nới, xây dựng trái phép trên đất 115.

Ngày 19/10, huyện lại có một công văn tiếp về vấn đề này. Đến ngày 21/10, gia đình ông Chiu cố tình xây dựng, xã đã lập biên bản và cái này có chỉ đạo từ huyện”.

Ông Trọng cho hay hôm cưỡng chế (ngày 28/10), có cả công an huyện về trực tiếp chỉ đạo.         

Phân tích nguyên nhân khiến chỉ mình nhà ông Chiu bị san bằng, ông Trọng cho rằng là do gia đình ông Chiu cố tình xây dựng trái phép vào thời điểm tỉnh đã có công văn khẩn cấp về việc này.

Tuy vậy, ông Trọng cũng không biết rõ liệu chính quyền đã thực hiện việc cưỡng chế đúng quy trình hay chưa.

Nếu làm sai UBND phải bồi thường

Khi được hỏi về vụ việc này, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất 360m2 giữa bà Toan và ông Chiu chưa hợp pháp.

Vào thời điểm chuyển nhượng (năm 2005), theo quy định tại Điều 126 Luật Đất đai 2003, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.

Việc xây dựng nhà kiên cố của ông Chiu cũng như các hộ gia đình xung quanh là trái pháp luật. Tại Quyết định số 115/QĐ-UB ngày 15/02/1992 của UBND tỉnh Hà Nam quy định rõ ràng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xây nhà trên mảnh đất đó. Luật Đất đai cũng quy định không được phép xây dựng nhà ở trên diện tích đất 360m2 nêu trên.

Đáng nói, việc cưỡng chế phá dỡ nhà trên của UBND xã Nhân Thịnh theo luật sư cũng là trái pháp luật.

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc sai phạm của gia đình ông Chiu phải được lập thành biên bản, có xác nhận của đại diện gia đình ông Chiu, ông/bà trưởng thôn (Điều 58).

Trong thời hạn 07 ngày tiếp theo, UBND xã Nhân Thịnh phải ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính gửi cho gia đình ông Chiu và niêm yết công khai tại trụ sở UBND (Điểu 66).

Sau thời hạn 10 ngày tiếp theo, nếu gia đình ông Chiu không tự nguyện phá dỡ công trình xây dựng thì UBND xã cần ban hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ gửi cho gia đình ông Chiu và các bên có liên quan, đồng thời niêm yết công khai và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 86).

Nếu đúng UBND xã Nhân Thịnh không thực hiện đầy đủ quy trình cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng, cũng như không thông báo, niêm yết công khai việc cưỡng chế phá dỡ thì việc cưỡng chế phá dỡ là hoàn toàn trái pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 118 Luật Xây dựng 2014, tổ chức, cá nhân ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ trái pháp luật và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Hải Minh