Người đang sống vẫn được giám định tỷ lệ thương tật như người... đã chết

24/06/2016 15:44
(GDVN) - Theo quy định của pháp luật, khi đối tượng còn sống, phải giám định thương tật tại thời điểm giám định và không giám định dựa trên hồ sơ nhưng thực tế lại khác

Quy định một đằng, giám định một nẻo

Trong các vụ án về tội “Cố ý gây thương tích” thì kết luận giám định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của người bị hại là chứng cứ quan trọng, trực tiếp xác định các bị cáo có phạm tội cố ý gây thương tích hay không phạm tội, nếu có thì phạm tội theo khung hình phạt nào.

Do vậy, trong quá trình tiến hành giám định, ngoài vấn đề cần có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, các giám định viên cần hết sức khách quan, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, bản Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Tổng Cục Cảnh sát) về tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại trong vụ án Cố ý gây thương tích ở Hưng Yên đang khiến những người quan tâm không khỏi nghi ngờ về tính hợp pháp, tính khách quan của nó.

Đêm ngày 04/9/2014, tại thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ việc như sau: Do có mâu thuẫn từ trước, một nhóm thanh niên 4 người gồm Khương Văn Sơn, Lê Trung Kiên, Nguyễn Văn Hùng và Trần Lâm đã sử dụng gậy tròn, nhẵn đánh anh Hoàng Văn Tuân (trong đó Khương Văn Sơn không tham gia đánh mà chỉ là người lái xe chở 3 thanh niên còn lại), làm anh Tuân bị thương ở vùng đầu được người dân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phố Nối để băng bó vết thương. Ngày 05/9/2014, anh Tuân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện TW Quân đội 108 đến ngày 11/9/2014 thì được ra viện.

Ngày 22/7/2015, anh Tuân có đơn gửi cơ quan điều tra Công an huyện Văn Lâm đề nghị xem xét, xử lý các đối tượng đã gây thương tích cho mình.

Ngày 06/8/2015, cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Lâm đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 100/CQĐT, yêu cầu Viện Khoa học hình sự xác định: 1) Tỷ lệ phần trăm thương tích của anh Tuân, và 2) Cơ chế hình thành vết thương.

Ngày 24/8/2016, Viện Khoa học hình sự có ra bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) xác định “Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Hoàng Văn Tuân tại thời điểm giám định là 32%; cơ chế hình thành thương tích: Vết thương vùng đỉnh của anh Tuân do vật sắc tác động gây nên”.

Bản án của TAND huyện Văn Lâm về vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ngày 14/9/2014 thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm.
Bản án của TAND huyện Văn Lâm về vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ngày 14/9/2014 thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm.

Luật sư Nguyễn Văn Phương, Trưởng văn phòng Luật sư Trường Phát (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Tại Điều 2, Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương trên cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có quy định về nguyên tắc giám định như sau: 1. Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT (tổn thương cơ thể) phải được thực hiện trên đối tượng cần giám định, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều này; 2. Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT được thực hiện qua (trên) hồ sơ trong trường hợp người cần được giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Khi giám định qua hồ sơ, tỷ lệ % TTCT được xác định ở giới hạn thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT ban hành kèm theo Thông tư này; 3. Tỷ lệ % TTCT được xác định tại thời điểm giám định.

Trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ngày 04/9/2014 tại thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng nhưng đến tháng 8/2015 mới tiến hành giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Do vậy, trong trường hợp này, áp dụng khoản 3, Thông tư 20/2014/TT-BYT thì các giám định viên chỉ được phép lấy kết quả giám định thông qua phương pháp khám trên cơ thể của nạn nhân. Việc nghiên cứu hồ sơ bệnh án không có ý nghĩa trong việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Tại thời điểm giám định, các giám định viên chỉ phát hiện 02 vết thương với tổng tỷ lệ vết thương là 8,92%. Tuy nhiên, trong kết luận của Viện Khoa học hình sự, ngoài giám định bằng việc khám trên cơ thể (8,92%), các giám định viên lại lấy thêm 25% tỷ lệ tổn thương thông qua việc nghiên cứu hồ sơ bệnh án (chỉ áp dụng trong trường hợp đối tượng chết hoặc mất tích) là không đúng quy định.

Những vi phạm nêu trên đã làm sai lệch đặc biệt nghiêm trọng về tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại, làm cho kết quả giám định không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án.

Kết luận giám định còn vi phạm quy định về việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp nhất quy định tại đoạn 2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 20 (Khi giám định qua hồ sơ, tỷ lệ % TTCT được xác định ở giới hạn thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT ban hành kèm theo Thông tư này)”.

Trong một văn bản mới đây gửi Văn phòng Luật sư Trường Phát, Viện Khoa học Hình sự giải thích rằng: “Theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Thông tư 20/2014/TT-BYT, Đối chiếu Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích (Bảng 1) ban hành kèm thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể cho từng thương tích và di chứng như sau: Máu tụ ngoại màng cứng cấp tính, dập não vùng đỉnh phải đã được điều trị không có di chứng thần kinh: 25% (áp dụng Mục 6, phần III, Chương 2…”.

Gậy gỗ tròn biến thành… vật sắc nhọn

Ngày 01/4/2016, Tòa án nhân dân huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử. Các bị cáo gồm: Lê Trung Kiên, sinh năm 1996 (trú tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); Khương Văn Sơn, sinh năm 1993 (trú tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Bị hại trong vụ án là anh Hoàng Văn Tuân, sinh năm 1993 (trú tại xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Thông tư của Bộ Y tế quy định rõ.
Thông tư của Bộ Y tế quy định rõ.

Về hung khí, tại Bản án của TAND huyện Văn Lâm nhận định: “Lời khai của các bị cáo Kiên, bị hại Tuân tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai giai đoạn điều tra về vật chứng dùng để đánh anh Tuân là gậy gỗ dạng chấn song cửa”.

Tuy nhiên, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát)  lại cho rằng: “Cơ chế hình thành thương tích: Vết thương vùng đỉnh đầu của anh Hoàng Văn Tuân là do vật sắc nhọn tác động”.

Trước sự phản ứng của gia đình các bị cáo và luật sư, Viện Khoa học hình sự sau đó lại có công văn “đính chính” gửi Tòa án nhân dân huyện Văn Lâm với nội dung “… các đặc điểm tổn thương này là đặc trưng do vật tày tác động gây nên… Đã có nhầm lẫn do lỗi đánh máy (đánh máy nhầm thành do vật sắc tác động gây nên)”.

Ngoài việc, hung khí là gậy gỗ tròn khi giám định lại thành “vật sắc nhọn”, mặc dù Viện Khoa học Hình sự đã có văn bản đính chính cho rằng “do lỗi đánh máy” nhưng phần nào đã khẳng định tính thiếu chính xác trong kết luận giám định.

Theo điều 2, Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, chỉ những người đã chết hoặc mất tích mới giám định dựa trên “nghiên cứu hồ sơ bệnh án” nhưng Viện Khoa học hình sự lại được giám định viên áp dụng cả với người đang sống.

Vụ án này cần phải được Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên trả lại hồ sơ, yêu cầu giám định bổ sung trong phiên xử phúc thẩm sắp tới để tránh gây ra một vụ án oan sai, bức xúc trong dư luận.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Trong vụ án này, theo Luật sư Nguyễn Văn Phương, nếu các Giám định viên thực hiện đúng quy định về nguyên tắc giám định tại Điều 2 Thông tư 20/2014/TT-BYT thì tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của người bị hại chỉ là 9% (vì chỉ có 2 vết thương tương ứng 1% và 8%, tổng hợp theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 20/2014/TT-BYT bằng 8,9% và được làm tròn thành 9%). Nếu cơ quan giám định thực hiện đúng như vậy, bị cáo Khương Văn Sơn sẽ được miễn xử lý hình sự do người bị hại đã có đơn gửi các cơ quan tiến hành tố tụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Sơn.

Do cơ quan giám định không biết vì vô tình hay cố ý trong việc LẤY THÊM vết thương và lấy luôn tỷ lệ % tổn thương đối với vết thương LẤY THÊM đó ở mức cao nhất nên các bị cáo đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi với khung hình phạt có mức cao nhất là lên đến 15 năm tù.

Như vậy, việc giám định của cơ quan giám định trong vụ án này là không khách quan, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến kết quả giám định là không chính xác. Do đó, bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) ngày 24/8/2015 của Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát không thể được sử dụng làm chứng cứ buộc tội các bị cáo.