Nguy hiểm khi cho CSGT bắn người chống cán bộ thi hành công vụ

18/03/2013 13:19
Trần Đức Tuấn
(GDVN) - Thực thi công vụ của CSGT thường là ở chỗ đông người. Việc cho phép CSGT sử dụng súng nhằm vào người chống thi hành công vụ nhưng đôi khi do sơ suất, không làm chủ được tình huống có thể dẫn đến việc “bắn nhầm” vào người tham gia giao thông khác.

Việc đảm bảo an toàn về sức khẻ và tính mạng của người thi hành công vụ, hay CSGT nói riêng luôn được quan tâm, đặc biệt trong những năm gần đây, số vụ chống người thi hành công vụ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc trang bị súng, cho phép CSGT nổ súng không phải là một giải pháp tối ưu, bởi các lý do sau:

CSGT khác với cảnh sát hình sự

Một là, việc trang bị súng, cho phép CSGT nổ súng sẽ làm “biến dạng” bản chất của hoạt động công vụ mà CSGT đang làm. CSGT có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, do vậy quyền hạn của CSGT không thể “lấn sân” cảnh sát điều tra hình sự.

Hoạt động công vụ CSGT thực hiện liên quan đến người tham gia giao thông, chứ không phải liên quan đến tội phạm. Nếu với lý do trang bị súng cho CSGT để CSGT có thể phòng vệ chính đáng trong trường hợp bị tấn công thì thiếu thuyết phục bởi việc trang bị súng, cho phép CSGT nổ súng luôn đặt người tham gia giao thông, những người “bị thi hành công vụ” trong một trạng thái nguy hiểm đến tính mạng.

Việc trang bị súng cho CS hình sự trong việc bắt tội phạm nguy hiểm, đặc biệt là tội phạm có vũ khí là hoàn toàn khác. Bởi chủ thể “bị thi hành” công vụ là tội phạm nguy hiểm, và việc trang bị súng cho CS hình sự là phù hợp với “tính tương xứng” trong phòng vệ chính đáng, cũng như đối với việc trấn áp “tội phạm” (chủ thể đặc biệt, nguy hiểm tới xã hội), thì CS hình sự sẽ được trao những đặc quyền (privileges) từ công quyền.

Nếu CSGT được sử dụng súng thì tính mạng của những người tham gia giao thông, những người “bị” CSGT thi hành công vụ sẽ luôn phụ thuộc vào sự tỉnh táo để phán đoán tình huống của CSGT. Và trong một số trường hợp như CSGT uống bia, rượu… vẫn thi hành công vụ thì sao?

Trường hợp CSGT say rượu thì biết thế nào…?

Hai là, có sự khác biệt nào trong hoạt động công vụ của CSGT so với các lĩnh vực khác, như việc xét xử của các thẩm phán tại phiên tòa, việc truy tố của kiểm sát viên, thi hành án của cán bộ thi hành án, hay việc thi hành công vụ của các cán bộ UBND… Nếu việc trang bị súng để đảm bảo an toàn cho CSGT khi thi hành công vụ thì liệu rằng nên trang bị súng cho thẩm phán, kiếm sát viên, cán bộ công quyền nói chung?

Ba là, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ, người khác “quý hơn” tính mạng của người chống người thi hành công vụ? Dự thảo cho phép người thi hành công vụ được nổ súng ngay cả trong trường hợp sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ, người khác. Mà “nổ súng” có nghĩa là tính mạng bị đe dọa.

Ngoài ra, đôi khi tồn tại cách hiểu khác nhau về công vụ. Giả sử, CSGT cho rằng hành vi dừng xe của người tham gia giao thông là đúng, là thực thi công vụ nhưng người tham gia giao thông cho rằng đó không phải là công vụ? Từ một tranh chấp hành chính dẫn đến tranh chấp hình sự? Hơn nữa, một khi CSGT được trang bị súng, họ có thể trở thành những người trả thù thuê cho các băng nhóm tội phạm hay không?

Thực thi công vụ của CSGT thường là ở chỗ đông người. Việc cho phép CSGT sử dụng súng nhằm vào người chống thi hành công vụ nhưng đôi khi do sơ suất, không làm chủ được tình huống có thể dẫn đến việc “bắn nhầm” vào người tham gia giao thông khác.

Ở Mỹ, người lái xe phải ngồi yên khi bị cảnh sát dừng xe. Nếu họ có các hành động như đưa tay vào túi… thì có thể bị bắn bởi vì người dân Mỹ được sử dụng súng, trong túi của người lái xe có thể là súng và việc cảnh sát nổ súng là phòng vệ chính đáng. Do người dân Mỹ được sử dụng súng, nên việc trang bị súng, cho phép cảnh sát nổ súng đảm bảo “tính tương xứng” trong phòng vệ chính đáng.

Tôi không ủng hộ việc cho phép người dân sử dụng súng như ở Mỹ, bởi một sự sơ suất nhỏ nhỏ nào cũng có thể tước đi tính mạng của người khác. Và nhất là, việc cho phép sử dụng súng sẽ tước đoạt đi sự đảm bảo an toàn tính mạng của người khác, đặc biệt là những người chưa có khả năng tự vệ (trẻ em).

Vẫn nên trang bị công cụ hỗ trợ cho CSGT

Tóm lại, việc trang bị súng, cho phép CSGT sử dụng súng để bắn người chống người thi hành công vụ là không thuyết phục. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe của CSGT khi thi hành công vụ thì có thể nghiên cứu, cho phép CSGT sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để phòng vệ chính đáng, ví dụ như súng bắn hơi cay (stun guns) hay súng bắn đạn nhựa (plastic bullets)… Điều này giúp đảm bảo an toàn tính mạng của người khác cũng như giúp CSGT thực thi công vụ tốt hơn.

Đối với các trường hợp như để giải tán đám đông, biểu tình bất hợp pháp, việc sử dụng súng của cảnh sát cũng không hợp lý. Bởi việc sử dụng súng chỉ nên được phép trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Chẳng hạn như ở Anh, cảnh sát chỉ được phép sử dụng súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa và có thể là vòi rồng (water connons) vào những người biểu tình bất hợp pháp, mà không được sử dụng súng mặc dùng tất cả cảnh sát đều được huấn luyện cách sử dụng súng. Nếu việc trang bị cho cảnh sát súng, cho phép họ nổ súng, điều này sẽ đe dọa tới ngay cả quyền biểu tình của người dân.

Bài viết thế hiện quan điểm của tác giả.


* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi

Trần Đức Tuấn