Nguyên liệu của Unilever được “tuồn” ra ngoài, dùng vào việc gì?

21/03/2014 06:50
Duy Phong
(GDVN) - Việc bán trộm nguyên liệu của Unilever tại Bicico luôn là câu chuyện “tối mật”. Chỉ những người trong giới “thượng tầng” công ty mới nắm rõ.

Tiết lộ của “người trong cuộc” bà Lương Thị Thanh Loan, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt là minh chứng cho sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống tại Công ty Bicico trong nhiều năm liền.

Xây dựng thương hiệu bằng nguyên liệu… ăn cắp

Trong văn bản giải trình ngày 23/11/2012 gửi Chủ tịch HĐQT Công ty Bicico Trịnh Anh Tuấn,  bà Lương Thị Thanh Loan cho biết: Từ năm 2008 đến quý 3/2012, Xí nghiệp Hương Việt (thuộc Công ty Bicico) đã trả về cho Công ty Unilever tổng số nguyên liệu là 175,370 tấn nguyên liệu các loại.

Biên bản giải trình của bà Lương Thị Thanh Loan nói rõ những chi phí cho khoản tiền "bán trộm" nguyên liệu Unilever.

Nhờ đó, Unilever đã thưởng cho tập thể Xí nghiệp Hương Việt số tiền là 655 triệu đồng. Ngoài ra, vào các năm 2011 và 2012, Unilever còn tiếp tục thưởng cho Hương Việt số tiền là 543 triệu đồng. Tất cả số tiền thưởng trên, theo bà Loan, Xí nghiệp đều xuất hóa đơn tài chính và hạch toán vào khoản thu nhập khác của Công ty.

Tuy đã trả lại một phần nguyên liệu dư cho Unilever, nhưng bà Loan khẳng định, Xí nghiệp vẫn để lại “dự phòng” khoảng 61,800 tấn và được Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải đồng ý. Trong tổng số nguyên liệu “dự phòng”, có 42 tấn nguyên liệu sản xuất chất xả vải, số còn lại là nguyên liệu sản xuất Vim và nước rửa chén.

Bằng những nguyên liệu "ăn cắp", lãnh đạo Bicico muốn phát triển sản xuất riêng.

Bà Loan cho biết, số nguyên liệu trên bà đã đề nghị ông Hải cho phòng, ban xuống kiểm kê, đánh giá, phân loại. Theo nguyện vọng của Hương Việt là dùng số nguyên liệu “dự phòng” để… sản xuất sản phẩm riêng cho Công ty…

Tuy nhiên, ông Hải không cho phòng, ban xuống kiểm tra mà yêu cầu Xí nghiệp “tự xử lý”.

Chạy dự án bằng tiền... bán nguyên liệu?

Bà Loan khẳng định, bên cạnh 02 khoản nguyên liệu trả về và dự phòng trên, trong khoảng thời gian từ năm 2008 – 2009, được chỉ đạo của ông Hải, Xí nghiệp có bán thanh lý một số nguyên liệu dư và thu về khoảng 1,150 tỷ đồng.

Ông Hải được cho là đã chỉ đạo vụ bán trộm nguyên liệu và thu lợi bất chính từ các khoản tiền trên.

Bà Loan cho biết, số tiền trên được dùng vào các khoản: chuyển 800 triệu đồng về cho ban lãnh đạo Công ty để chi phí cho Công ty Đại Gia Phú phục vụ cho việc đàm phán bán phần liên doanh ICI. Số tiền này được bà Loan nộp trực tiếp cho ông Hải có sự chứng kiến của bà Lan (Phó Tổng giám đốc Bicico).

Số tiền 350 triệu đồng còn lại, bà Loan chi vào các khoản khác như: quỹ xí nghiệp, thưởng, quà tặng, dịp lễ Tết… và đặc biệt, chuyển cho bà Nhung (Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự) 50 triệu đồng.

Bà Loan cho rằng, những việc làm trên lãnh đạo Công ty đều biết, tuy nhiên, để hạ uy tín của bà thì gần đây một số người trong Công ty tung tin đồn là “bà bán trộm nguyên liệu để mang tiền về xây nhà…”.

Vì sao việc bán nguyên liệu bắt đầu từ 2004 – 2005 nhưng đến nay mới được nội bộ Công ty “phát hiện” và người bị xử lý lại chỉ có bà Loan?

Bà Loan cho rằng, do có lần bà Ánh (Chủ tịch Công đoàn Công ty) đề nghị tổ chức cho công nhân Hương Việt đình công để bảo vệ “ghế” cho ông Hải nhưng bà không đồng ý. Vì trước đó, Unilever đã cảnh báo là nếu để xảy ra đình công, lãn công thì sẽ chấm dứt hợp đồng.

Bà Loan lý giải, do ông Hải đề nghị bà thuyết phục Đảng viên trong Xí nghiệp Hương Việt trả lại thẻ Đảng để gây sức ép với cấp trên nhằm bảo vệ “ghế” cho ông nhưng bà Loan không đồng ý vì sai với Điều lệ Đảng.

Ngoài ra, trước đây thỉnh thoảng ông Hải có đề nghị vợ chồng bà “giúp đỡ chi phí” để lo cho các vụ kiện cáo nhưng gần đây, bà không hỗ trợ nữa… nên mới sinh chuyện.

Những bằng chứng trên tiếp tục củng cố sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Bicico trong vụ việc bán trộm nguyên liệu dư của đối tác Unilever.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Duy Phong