Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng:Thú rừng bị tàn sát và câu chuyện “lợi ích nhóm"

05/08/2012 06:08
Nguyễn Tiến (ghi theo lời kể của nb Đỗ Doãn Hoàng)
(GDVN) - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, có thể, như nhiều ý kiến từng nói: Đằng sau việc tàn sát thú rừng một cách đau xót mà các cơ quan chức năng không xử lý đang tồn tại cái tạm gọi là “lợi ích nhóm”. Nói khác đi, việc tràn lan giết, thịt, buôn bán thú rừng đang xuất hiện sự thờ ơ, “mặc kệ” của ai đó, chứ không hẳn là “đã ra tay thật sự, song lực bất tòng tâm”.
"Người chết mở mắt cho người đang sống"

Những ngày qua, hàng loạt bức hình tàn sát động vật do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chụp lại khắp nơi trên cả nước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Đồng thời nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm đằng sau việc mỗi con thú bị sát hại với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng ý kiến của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về vấn đề này.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, khi chúng tôi tham gia, điều hành “Hội các nhà báo bảo vệ môi trường Việt Nam” do nhà báo có Tâm, có tài Phạm Huy Hoàn (nay là Tổng biên tập báo Điện tử Dân trí) làm phụ trách, nhà báo nổi tiếng Huỳnh Dũng Nhân (Nay là Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo) làm phó và tôi tham gia hết sức mẫn cán.
Khi tôi thành lập một nhóm “biệt động” tiến hành điều tra dọc miền Trung Việt Nam thì có một chi tiết thế này: tôi đóng vai thực khách, mở một tủ lạnh trong nhà hàng thì sững sờ khi gặp thảm cảnh: trong ấy “đen” nhánh toàn tay gấu, lông lá, móng vuốt. Chưa bao giờ tôi gặp nhiều cái tay gấu đến thế. Ở hầu hết các tỉnh hơi miền núi một tí, người ta đều dễ dàng có những khu “ẩm thực” bán thịt thú rừng mà người ta gọi “món” gì cũng có. 
Vụ việc giết vọoc gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua dù mọi người có đau đớn như thế nào thì cũng không thể cứu được nữa, vấn đề là làm sao phải thay đổi được nhận thức của con người trong việc bảo vệ  các loài động vật.

Trong ngành pháp y, người ta có một câu rất hay, “người chết mở mắt cho người đang sống”. Ta có thể “lẩy” nó như sau: “cái chết của con vọoc hôm nay, dù đau lòng, cũng cần phải thấy nó có một tác dụng khá an ủi. Nó là động lực để chúng ta “biến đau thương thành hành động”, ta cùng bàn đến một kế hoạch tốt hơn, đảm bảo sự sống an toàn của những con vọoc khác”. 
Tuy nhiên điều khiến tôi trăn trở là vì sao: tại nhiều cửa vườn Quốc gia, nơi bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các loài động thực vật lại rất nhiều khi, thản nhiên, là nơi có bày bán các quán thịt thú rừng? Vì chúng ta đang chấp nhận để cho các quán bán thịt thú rừng đó tồn tại ngay ở Thủ đô Hà Nội?

Tại sao ở Hà Nội người ta chỉ với vài trăm nghìn đồng trong túi người ta có thể vào quán gọi ngay được một đĩa thịt thú rừng? Thậm chí  người ta cắt tiết thú rừng cho thực khách thoải mái chiêm ngưỡng, quay phim chụp ảnh, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa cả trăm người ồn ào chúc tụng. 
Da, lông các loài thú quý hiếm thì được “trang hoàng” ở rất nhiều nơi, ông đi qua bà đi lại thoải mái chiêm ngưỡng. Các việc này phổ biến đến mức, đôi khi tôi đã giật mình: hình như không ai còn coi các hành vi kể trên là vi phạm pháp luật, vi phạm cả đạo đức và lương tâm của con người trong một xã hội tiến bộ - có lương tri nữa!
Khi mọi việc dễ dàng như thê thì chúng ta có nên đặt vấn đề là ở Việt Nam ta, người ta có thực sự muốn bảo vệ động vật hoang dã không? Hay là chúng ta chỉ làm điều đó một cách hình thức. Nếu như các cơ quan chức năng như: Công an, kiểm lâm, chính quyền cơ sở, quản lý thị trường thực sự “rat ay” mà chưa hiệu quả, lực bất tòng tâm trong việc bảo vệ thú rừng thì đó là một việc khác.
Những con thú rừng bị tàn sát và đem ngâm rượu (Ảnh chụp của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
Những con thú rừng bị tàn sát và đem ngâm rượu (Ảnh chụp của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)

Còn ở đây tôi nghĩ là các cơ quan chức năng này dường như, ở rất nhiều nơi, họ đã… mặc kệ. Bởi vì chỉ với 500 nghìn đồng với một người chân yếu tay mềm như tôi có thể đi đâu cũng mua được một đĩa thịt thú rừng thì tại sao các cơ quan chức năng lại không thể bắt được? 

Động vật hoang dã ở Việt Nam chỉ có thể thôi bị tàn sát khi nó đã… bị tuyệt chủng?


Tôi vừa đưa mẹ tôi lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và nhận thấy trên đó tràn ngập thịt thú rừng. Lực lượng kiểm lâm lượn lờ ở đó tại sao lại không bắt được trong khi tôi chỉ là một thực khách mà lại bắt gặp, quay phim, chụp ảnh được những hình ảnh đó? Tôi mở tủ lạnh ra bên trong toàn cheo, chồn, sóc, rùa, rắn, hươu, nai… Toàn động vật cấm.

Con voi bị con người giết hại
Con voi bị con người giết hại

Ở các nhiều vườn quốc gia cũng có những hình ảnh đó tại sao các cơ quan chức năng không bắt được? Trong khi đó lực lượng chức năng có nghiệp vụ, có công cụ hỗ trợ tối tân… Chừng nào một du khách bình thường có thể chứng kiến được những hình ảnh đó thì chứng tỏ các cơ quan chức năng chưa thật sự vào cuộc. 
Nếu các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc để bảo vệ thú rừng cũng giống như chúng ta quyết tâm “tiễu trừ” những kẻ buôn bán và vận chuyển  ma túy thì tốt biết bao nhiêu. Cả hai thứ đều bị cấm, việc cấm này được thể hiện bằng luật, bằng quy định nghiêm ngặt hẳn hoi.

Tại sao thú rừng vẫn luôn là món ăn thực khách nào cũng gọi ra và đánh chén được? Ngay tại Hà Nội, tôi từng chụp những bức ảnh, chủ quán treo hẳn biển bán “thịt thú rừng”! 
Tại sao người ta lại coi thường pháp luật đến thế? Cá nhân tôi nghĩ, vấn đề ở đây không phải là sự vô cảm, hay sự thiếu trách nhiệm nữa đâu. Mà đằng sau đó, đôi khi lại là lợi ích của một nhóm người. Đừng có nghĩ là người ta vô cảm nên không bắt giữ những vụ việc mà tôi vừa nói.

Đằng sau việc không bắt giữ đấy là người ta có lợi ích ở trong đó. Điều đó khác hẳn với việc cố tình bắt mà không bắt được hoặc vô cảm không thèm bắt. Tôi biết, rất rất nhiều người đã hiểu “chân tơ kẽ tóc” của vấn đề như thế, có điều có dám, có muốn nói hay không. 
Nếu không tin, bạn cứ theo tôi đi điều tra, có quay phim, ghi âm chụp ảnh hẳn hoi: ta hỏi 100 ông bán (bà) thịt thú rừng, xem họ đã phải “chung chi” cái gì, “tế nhị” thế nào để có thể… làm ăn sai trái năm này qua năm khác như thế. Câu trả lời là: không đơn giản đâu.

Không phải vô lý người ta “lờ” đi cho mà bán “hàng cấm” thế đâu. Tôi không hồ đồ nói là hiện tượng này quá phổ biến, hay có quá nhiều sự tha hóa, bao che ở lĩnh vực này. Nhưng, tôi dám chắc, những trường hợp tôi từng tìm hiểu, hầu hết nó là như vậy.
Bài toán tiếp theo là gì: khi chúng ta phân công cho các lực lượng liên quan xử lý, giám sát, ngăn chặn nạn buôn bán, giết hại động vật hoang dã rồi; thế mà người ta không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bao che dung túng (mà báo chí và dư luận tố cáo được) - thì chúng ta cùng cần phải cho dư luận và một cơ quan xứng tầm hơn giám sát sự thực thi nhiệm vụ của những người được phân công kia.

Nếu không có sự giám sát, xử lý đích đáng, quy trách nhiệm cụ thể kiểu như vậy, thì chắc chắn động vật hoang dã ở Việt Nam chỉ có thể thôi bị tàn sát khi nó đã… bị tuyệt chủng!
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng chia sẻ những câu chuyện cảm động, những chi tiết chưa từng thấy về người đầu tiên xả thân bảo vệ các loại linh trưởng (trong đó có vọoc) ở Việt Nam. Điều bất ngờ là đó lại không phải là người Việt Nam mà lại là một người nước ngoài đã bỏ nhiều công sức ra bảo vệ các loài động vật này.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Tiến (ghi theo lời kể của nb Đỗ Doãn Hoàng)