Nhật ký điều trị 2 ngày trước khi ông Mai Trung Kiên tử vong tại FV

07/12/2012 11:47
Theo Kiến thức
Những diễn biến bất thường về sức khỏe sau khi phẫu thuật của bệnh nhân Mai Trung Kiên, bố của diễn viên Mai Thu Huyền, đã được các thầy thuốc Bệnh viện FV xử trí như thế nào?
Theo công văn số 1206/KCB – NV của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế do Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa ký ngày 16/11, bệnh nhân Mai Trung Kiên được theo dõi, khám tương đối đầy đủ trong quá trình điều trị từ khi vào viện đến khi tử vong, được thể hiện qua sự ghi chép các diễn biến lâm sàng và cận lâm sàng trong hồ sơ bệnh án lưu tại Bệnh viện FV. Khi phát hiện bất thường bệnh viện đã kịp thời mời hội chẩn để xử lý.

Bệnh viện FV TP.HCM.
Bệnh viện FV TP.HCM.

Vậy những diễn biến bất thường đã được các thầy thuốc Bệnh viện FV xử trí như thế nào?
Hậu phẫu ngày thứ hai
2h chiều ngày 10/8, bệnh nhân Mai Trung Kiên than đau ngực kéo dài, cảm thấy mệt. 2h15 phút chiều, BS Lê Đức Tuấn khám cho bệnh nhân thấy bụng bình thường nên mời BS Khoa Hồi sức đến khám. 
2h35 phút chiều, BS Khoa Hồi sức xem bệnh án, khám bệnh nhân và cho đo điện tâm đồ thấy kết quả bất bình thường. Lúc này mẫu máu được lấy để đo men tim (HS Troponin T). 
Vào lúc 4h chiều, bệnh nhân Mai Trung Kiên được tiêm thuốc giảm đau. 6h chiều, BS hồi sức Thịnh xem bệnh án lúc đó đã có kết quả men tim tăng (chỉ số troponin lúc này là 60pg/ml). Đồng thời bệnh nhân vẫn than còn đau ngực, cùng với kết quả điện tâm đồ bất thường nên bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân Mai Trung Kiên có hội chứng mạch vành cấp. 
Sau khi hội chẩn với 2 bác sĩ tim mạch, bệnh nhân Mai Trung Kiên được chỉ định điều trị kết hợp 3 loại thuốc chống đông máu (Lovenox 60mg 2 lần/ngày, Plavix 75mg mỗi ngày, Aspirin 100mg mỗi ngày). Bệnh nhân Mai Trung Kiên và gia đình cũng đã được giải thích rõ ràng về nguyên nhân phải chỉ định điều trị thuốc chống đông máu, các nguy cơ của việc dùng loại thuốc này bao gồm cả nguy cơ xuất huyết nội. 
Vào lúc 10h tối, các bác sĩ thăm khám thì bệnh nhân Mai Trung Kiên đã bớt đau ngực, bụng mềm và không đau bụng. 
Hậu phẫu ngày thứ ba 
Sáng ngày 11/8, hậu phẫu ngày thứ ba lúc 8h30, BS Thịnh và BS Tuấn xem bệnh án và khám cho bệnh nhân Mai Trung Kiên. Bệnh nhân tỉnh, đêm ngủ ngon, không còn kêu đau ngực nữa, không đau bụng, đã đại tiện được, ăn uống bình thường, bụng mềm. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị phối hợp Lovenox, Plavix, Aspirin. 
Cả ngày trôi qua bình thường, đến 6h30 tối bệnh nhân Mai Trung Kiên đột ngột mệt, than đau ngực dữ dội, bứt rứt, vã mồ hồi. BS Đào Thị Mỹ Vân, Khoa Hồi sức Bệnh viện FV đến xem bệnh án và khám cho bệnh nhân: bệnh nhân tỉnh nhưng bứt rứt, than đau ngực, bụng mềm, chướng nhẹ. Chỉ số men tim (HS Troponin T) lúc này là 100pg/ml, dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
6h50 tối, bệnh nhân Mai Trung Kiên được chuyển đến khoa Chăm sóc Hồi sức đặc biệt. 
7h tối, BS Hùng (Khoa Tim mạch Bệnh viện FV) khám và xác định bệnh nhân Mai Trung Kiên đang có thiếu máu cơ tim hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim, đề nghị chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tim Tâm Đức để thực hiện can thiệp mạch vành nếu cần thiết. 
BS Mỹ Vân liên hệ với BS Thiện (Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện Tim Tâm Đức) và BS Trần Vũ Minh Thư (Trưởng ca trực hồi sức Bệnh viện Tim Tâm Đức). Cả hai BS của Tâm Đức đều chẩn đoán nhiều khả năng nhồi máu cơ tim và đồng ý nhận bệnh nhân Mai Trung Kiên về Bệnh viện Tim Tâm Đức. 
Bệnh nhân Mai Trung Kiên rời Bệnh viện FV lúc 7h40 tối và nhập viện vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Tim Tâm Đức vào lúc 7h45 tối. Bệnh nhân kêu đau ngực nhiều, huyết áp thấp 88/45, bụng bệnh nhân nhạy cảm khi ấn. Bệnh nhân Kiên được cho lấy máu làm xét nghiệm (Heamoglobin, HS Troponin T, NT – proBNP),… 
Vào lúc 8h40 tối (1 tiếng sau khi bệnh nhân Mai Trung Kiên nhập viện vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Tim Tâm Đức), bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi Sức của Tâm Đức. BS Trần Vũ Minh Thư – BS Tim Mạch, Trưởng ca trực hồi sức Bệnh viện Tâm Đức khám cho bệnh nhân Mai Trung Kiên lúc đó vẫn còn than đau ngực nhiều, huyết áp dao động 90-85-75/40mmHg. BS tiến hành siêu âm tim không thấy rối loạn vận động vùng (dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân đang có nhồi máu cơ tim), siêu âm bụng phát hiện có dịch trong ổ bụng. 
9h tối, BS Minh Thư điện thoại xin ý kiến PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tim Tâm Đức. BS Minh Thư yêu cầu liên hệ mở cửa phòng mổ, đặt 4 đơn vị hồng cầu lắng, 6 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 6 đơn vị tiểu cầu và mời BS gây mê. 
Theo hồ sơ bệnh án Bệnh viện Tim Tâm Đức, thời gian này, bệnh nhân Mai Trung Kiên tỉnh táo, huyết áp cải thiện hơn. Mặc dù, cầm trong tay các kết quả xét nghiệm men tim (Troponin T) của bệnh nhân Mai Trung Kiên từ Bệnh viện FV chuyển sang, và chưa có kết quả xét nghiệm men tim của mình (bệnh nhân Kiên được lấy mẫu máu từ lúc 7h45 tối) nhưng BS Minh Thư giải thích rằng siêu âm tim bình thường nên không có vấn đề về tim mạch, mà có xuất huyết trong bụng cần phải phẫu thuật ngay.
9h30 tối ngày 11/8, Bệnh viện Tim Tâm Đức liên lạc với BS Lê Đức Tuấn sang khám bệnh. Vì Bệnh viện Tim Tâm Đức không có thiết bị mổ nội soi nên quyết định chuyển bệnh nhân Mai Trung Kiên về lại Bệnh viện FV để phẫu thuật. Đồng thời tại đây, người nhà bệnh nhân Mai Trung Kiên được giải thích lý do tại sao bệnh nhân được quyết định chuyển về Bệnh viện FV để phẫu thuật, được giải thích tình trạng về tim của bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân Mai Trung Kiên (bà Mai Thu Trang – chị ruột Mai Thu Huyền) đồng ý ký tên lúc 10h45 tối. Xe cấp cứu Bệnh FV sang đón bệnh nhân Mai Trung Kiên về lại Bệnh viện FV.
Phút cuối cùng của bệnh nhân 
10h50 tối 11/8, bệnh nhân Mai Trung Kiên nhập viện vào khoa Chăm sóc Hồi sức đặc biệt Bệnh viện  FV. Lúc này, bệnh nhân Kiên tỉnh, không than phiền về đau ngực hay đau bụng gì cả, huyết áp ổn định 115/60. BS Mỹ Vân cho biết, khoa Chăm sóc Hồi sức đặc biệt, Bệnh viện  FV khi tiếp nhận bệnh nhân Mai Trung Kiên – bố diễn viên Mai Thu Huyền từ Bệnh viện Tim Tâm Đức qua thì Bệnh viện Tim Tâm Đức không chuyển kèm hồ sơ y khoa theo bệnh nhân, không có kết quả xét nghiệm máu và các thăm dò khác cho Bệnh viện FV. Tại Tâm Đức, bệnh nhân Mai Trung Kiên được đặt 3 đường truyền tĩnh mạch và đang được truyền huyết tương, tuyệt nhiên bệnh nhân chưa hề được truyền máu. 
Tại khoa Chăm sóc Hồi sức đặc biệt Bệnh viện FV, các BS truyền máu ngay lập tức cho bệnh nhân. 10h55 tối, BS Mỹ Vân đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm đùi trái, bệnh nhân tỉnh táo yêu cầu được đi tiểu. 
11h05 tối, bệnh nhân đột ngột rung thất khi BS đang cố định catheter tĩnh mạch trung tâm. Các BS tiến hành hồi sức tích cực bao gồm đặt nội khí quản, bóp bong, xoa tim ngoài lồng ngực, Adrenaline, sốc điện phá rung 5 lần. BS hồi sức tích cực trong 1 giờ đồng hồ nhưng thất bại.
Bệnh nhân Mai Trung Kiên tử vong lúc 0h05 ngày 12/8.
Theo Hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện Tim Tâm Đức nộp cho Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm máu của bố diễn viên Mai Thu Huyền – bệnh nhân Mai Trung Kiên làm tại BV này có lúc 23h56 ngày 12/8 (tức là lúc BN đã tử vong) - tờ 1
Theo Hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện Tim Tâm Đức nộp cho Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm máu của bố diễn viên Mai Thu Huyền – bệnh nhân Mai Trung Kiên làm tại BV này có lúc 23h56 ngày 12/8 (tức là lúc BN đã tử vong) - tờ 1

KQXN BV Tim Tâm Đức bản sao lúc 23h56 (tức là lúc BN đã tử vong) - tờ 2
KQXN BV Tim Tâm Đức bản sao lúc 23h56 (tức là lúc BN đã tử vong) - tờ 2
KQXN chụp từ clip VTV1 lại ghi là 21h10
KQXN chụp từ clip VTV1 lại ghi là 21h10
BV Tim Tâm Đức giải thích lý do về giờ của kết quả nhưng thấy vô lý.
BV Tim Tâm Đức giải thích lý do về giờ của kết quả nhưng thấy vô lý.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Theo Kiến thức