Nhức nhối nạn “cát tặc” sông Mã, có bằng chứng tiếp tay của chính quyền

19/08/2015 13:38
Duy Phong
(GDVN) - Nhiều người ngạc nhiên vì tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra công khai, trong thời gian dài nhưng càng ngạc nhiên hơn khi UBND huyện vẫn... thu thuế.

“Đau thương” dòng sông Mã

Tình trạng khai thác quy mô, rầm rộ đã làm hàng ngàn mét khối đất dọc hai bờ sông Mã (huyện Sông Mã, Sơn La) sạt lở nghiêm trọng.

Đất đai, cây cối, hoa màu bị băm nát, cuốn trôi. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm trước, người dân khai thác cát thủ công để lấy vật liệu xây dựng nhà cửa.

Từng đoàn thuyền hút cát trái phép trên dòng sông Mã, đoạn qua huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Duy Phong
Từng đoàn thuyền hút cát trái phép trên dòng sông Mã, đoạn qua huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Duy Phong

Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, khi việc quản lý còn lỏng lẻo, chính những người dân này đã đầu tư hàng loạt máy móc hiện đại để khai thác cát, vơ vét tài nguyên về làm giàu.

Trước tình trạng khai thác cát không phép diễn ra một cách rầm rộ, ngày 31/12/2014, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã ông Vi Đức Thọ ký ban hành Văn bản số 1337/UBND gửi Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn huyện Sông Mã.

Công văn ghĩ rõ: Trong khi chờ cấp có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền khai thác và cấp Giấy phép khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Mã, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện một số việc sau: “Tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tổ chức(hợp tác xã), cá nhân dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn xã, thị trấn quản lý; Tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Khoáng sản, không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện báo báo UBND huyện trước ngày 15/1/2015”.

Hai bên bờ sông có hiện tượng xói mòn, lở đất, còn dưới dòng sông thì hàng chục tàu hút cát vẫn gầm rú ngày đêm. Ảnh Duy Phong.
Hai bên bờ sông có hiện tượng xói mòn, lở đất, còn dưới dòng sông thì hàng chục tàu hút cát vẫn gầm rú ngày đêm. Ảnh Duy Phong.

Mặc dù quy định cấm đã được thể hiện rõ như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì, việc khai thác cát tiếp tục đựợc tiếp diễn một cách rầm rộ, công khai?

Đến ngày 15/7/2015, UBND huyện Sông Mã lại tiếp tục có Công văn số 810/UBND do Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Yến ký ghi rõ: UBND các xã, thị trấn thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc quyền quản lý nắm được chủ trương của tỉnh, nếu có nhu cầu khai thác cát dưới dòng sông, bãi bồi sông Mã nộp hồ sơ năng lực để cấp có thẩm quyền xem xét, lựa chọn cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Các hợp tác xã: Lam Sơn, Hong Ngay, Hải Hùng, Huy Toản, Bình Minh nếu có nhu cầu khai thác cát dưới dòng sông, bãi bồi sông Mã nộp hồ sơ năn glực để cấp có thẩm quyền xem xét , lựa chọn cấp giấy phép hoạt động.

Ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Thực hiện: Duy Phong

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: “Trước đây Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Sơn La đi kiểm tra, cũng có xử phạt nhưng việc chấp hành chưa triệt để. Đến khi huyện đi kiểm tra cũng chỉ dừng lại với giải pháp cấm không cho hoạt động. Chúng tôi có đôn đốc, nhắc nhở, giao cho xã quản lý, nhưng khi kiểm tra, phát hiện việc khai thác cát thì cho khóa máy nhưng sau đó họ lại phá khóa để tiếp tục làm. Thực tế chúng tôi vẫn xử lý, nhưng việc bà con cố tình làm rất khó. Lực lượng của mình không nhiều để mà trực đó được.. ”.

 Theo những gì mà vị lãnh đạo huyện cho biết, có thể thấy rằng, chính quyền địa phương dường như bất lực với nạn khai thác cát trái phép trên dòng sông Mã này.

Tiếp tay, hợp thức hóa cho "cát tặc" lộng hành

Theo người dân khai thác cát cho biết, một tàu hút cát có công suất trung bình từ 30m3 đến 40m3/ngày/tàu.

Hiện trên dòng sông Mã có gần 100 tàu hoạt động liên tục, nên số lượng cát được hút lên là rất lớn.

Điều khó hiểu, cơ quan chức năng ở đây thay vì ra quân xử lý nghiêm việc khai thác cát không phép thì họ ngang nhiên thu thuế.

Điều này khiến dư luận nghi ngờ đến việc cơ quan chức năng đang vô tình tiếp tay cho việc khai thác cát khi chưa được cấp phép.

"Bờ xôi ruộng mật" bị phủ lấp bởi những bãi tập kết cát của "cát tặc". Ảnh: Duy Phong
"Bờ xôi ruộng mật" bị phủ lấp bởi những bãi tập kết cát của "cát tặc". Ảnh: Duy Phong

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã thừa nhận: Việc này biết có mâu thuẫn, nhưng thấy tài nguyên khai thác mình quản lý mà không thu thuế cũng là 1 cái rất khó. Người ta khai thác mà mình không thu thuế cũng là 1 vấn đề.  Việc này huyện cũng đưa ra bàn, thế nên về việc quản lý nhà nước vẫn phải thu. Còn thu thuế đang được thực hiện theo kiểu để người dân khai thác tự kê khai.

Nạn "cát tặc" đang trở thành vấn đề nhức nhối ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Duy Phong.
Nạn "cát tặc" đang trở thành vấn đề nhức nhối ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Duy Phong.

Ông Lê Hồng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Sông Mã cho rằng, việc quản lý khai thác cát tại huyện Sông Mã chủ yếu là do các hộ khai thác tự phát, chưa được chính quyền và cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, là cơ quan thuế, vẫn áp dụng thu thuế.

Trong năm 2014, chúng tôi đã thu được hơn 600 triệu đồng, tuy nhiên từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục thuế huyện Sông Mã chưa hề thu được đồng nào. Vì một số hộ đã tham gia vào mô hình Hợp tác xã, họ tự thành lập tổ giám sát, tự kê khai sản lượng, tự nộp thuế, phí. Tuy nhiên, từ đầu năm tới giờ các Hợp tác xã họ bảo không khai thác nên chúng tôi không thu được đồng nào”- Ông Xuân cho hay.

hàng chục tàu hút cát trái phép nối đuôi nhau ở huyện Sông Mã. Ảnh Duy Phong
hàng chục tàu hút cát trái phép nối đuôi nhau ở huyện Sông Mã. Ảnh Duy Phong

Cũng theo ông Xuân, ở đây chủ yếu là cát trôi, toàn ở giữa dòng nên việc đánh giá trữ lượng thì không thể. Vì thế, cho đến nay cũng chưa có thăm dò để đánh giá lượng cát.

Từng đoàn thuyền hút cát trái phép trên sông Mã, huyện Sông Mã (Sơn La) giữa ban ngày nhưng chính quyền không hề có biện pháp ngăn chặn. Thực hiện; Duy Phong

Với thực tế trên, có thể thấy, việc người dân ngang nhiên khai thác cát chính quyền địa phương đều biết, vậy cớ gì họ không ra quân xử lý quyết liệt? Phải chăng chính những người làm quản lý ở đây đang tiếp tay cho việc khai thác cát không phép này?.

Theo điều 23, Nghị định số 15/2012/NĐ/CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định: Một trong những điều kiện để được cấp phép khai thác cát, khu vực xin cấp phép đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản (cát) của cấp có thẩm quyền. Nhưng trên thực tế, cát dưới lòng sông, bãi bồi sông Mã chưa được khảo sát, điều tra, đánh giá trữ lượng.

Duy Phong