Những quảng cáo dễ làm hư trẻ em

05/03/2013 08:35
Theo Infonet
Trong khi quảng cáo thạch sữa chua Natty "dạy" trẻ nói chuyện trống không, "mổ cò" vào mặt người lớn, thì quảng cáo sữa lại hướng trẻ tới một số hình ảnh phản giáo dục trong ăn uống.
Quảng cáo bánh kem Oreo
Có sự tham gia của diễn viên điển trai Chi Bảo, quảng cáo bánh kem Oreo được không chỉ trẻ em mà nhiều phụ huynh yêu thích. Tuy nhiên, chi tiết cậu con trai hướng dẫn bố làm bánh, sau đó lại giật bánh trên tay của bố, vô hình trung được cho là phản cảm. Một khán giả nhận xét, dù mục tiêu của nhà sản xuất là hình ảnh bánh ngon đến mức không thể chối từ, cũng như lối diễn xuất tự nhiên của 2 nhân vật tham gia, nhưng hình ảnh giật bánh từ tay bố của tay đứa con cũng tác động đến nhận thức và hành vi của những khán giả nhí.
 Quảng cáo bánh kem Oreo có hình ảnh con trai "cướp" bánh của bố gây phản cảm.
Một phiên bản quảng cáo khác cũng của Oreo do 2 diễn viên trên diễn xuất có hình ảnh phản cảm là đứa con nhúng cả bàn tay đang cầm bánh vào cốc sữa. Hình ảnh này, cả tại Việt Nam và nước ngoài, liên tục xuất hiện trong đoạn quảng cáo.
 Phiên bản quảng cáo này thì có nhiều phân đoạn trẻ con sục tay vào cốc sữa.
Quảng cáo sữa Cô gái Hà Lan + Không quá phản cảm, nhưng đoạn quảng cáo về sữa bột dành cho trẻ em cũng vô hình trung “dạy” trẻ con vẽ lên tường, cửa kính. Chị Thủy, ở xã Cổ Nhuế (Hà Nội) có con trai đang học mẫu giáo bé cho biết, xem quảng cáo xong, bé nhất quyết đòi mua sữa về uống, sau đó thì dùng màu vẽ chi chít lên tường, cửa… bắt chước hành động trong clip quảng cáo. “Kích thích trí sáng tạo của trẻ em là tốt, nhưng trẻ con bây giờ thấy quảng cáo làm gì là học theo, nên nhà sản xuất cũng nên cẩn trọng hơn”, chị nói.
Quảng cáo sữa Cô gái Hà Lan + gây phản cảm vì "dạy" trẻ vẽ bừa lên cửa kính.

Quảng cáo sữa bột Nuti IQ
Thông điệp chính của đoạn quảng cáo là sữa bột Nuti IQ giúp trẻ thông minh, song cách thể hiện lại dễ khiến con trẻ bắt chước và học làm theo những thói xấu. Cậu bé trong clip quảng cáo này liên tục vận động, nghịch ngợm khi ngồi trên xe ô tô với bố mẹ, thậm chí cậu còn nghĩ ra “mưu” nối các ống hút để hút “trộm” sữa đặt cạnh ghế ngồi của bố mẹ. Một số khán giả cho biết, đoạn quảng cáo tương đối vui nhộn, song hành động “hút trộm” sữa cũng như sự lém lỉnh của cậu bé không những là một hành động phản khoa học khi đang vận động, mà còn hướng trẻ tới thói quen xấu là ăn uống khi đi trên xe, và “bằng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích”.
Trong khi quảng cáo sữa Nuti IQ lại có hình ảnh cậu bé nghịch ngợm khi đang đi trên xe, "hút trộm" sữa bằng mưu mẹo. “Đã đành, trẻ thông minh thường hiếu động và nghịch, có những trò không giống ai, nhưng quảng cáo như vậy là hơi quá. Trẻ con như tờ giấy trắng, xem xong lại bắt chước những hành động này cũng mệt cho bố mẹ phải giải thích…”, chị Minh Hồng, một khán giả khi xem xong đoạn quảng cáo này chia sẻ.Quảng cáo thạch sữa chua Natty
Quảng cáo thạch sữa chua Natty gây phản cảm vì kiểu nói chuyện trống không thiếu lễ độ và hành động "mổ cò" của cậu bé.
Đây được cho là một trong những đoạn quảng cáo “vô duyên” và “vô lý”, thường xuyên được phát sóng trong các băng đĩa hài vào dịp Tết và trẻ con thuộc lòng. Hình ảnh phản cảm trong quảng cáo là các thành viên trong gia đình cô gái, dự đoán là bố, mẹ và em trai… ra thách đố để kén rể. Cậu bé trong quảng cáo này (khoảng 9-10 tuổi) liên tục “mổ cò” tay vào mặt chị gái và anh rể tương lai, nói trống không đế theo lời thách của bố mẹ. Hành động nói trên được cho là phản giáo dục, sẽ khiến cho trẻ em bắt chước và tạo cho khán giả nhí đức tính xấu.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Infonet