Nước mắt, nỗi cơ cực của người phụ nữ 34 năm đi tìm công lý

17/05/2016 14:03
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Kiểm không kìm được nước mắt khi kể với chúng tôi về nỗi cơ cực mà những người có trách nhiệm thời kỳ đó đã đổ xuống đầu bà và gia đình.

Buộc thôi việc sai quy định

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin tới bạn đọc trong bài viết "Hai vợ chồng già ở tỉnh Vĩnh Phúc hơn 30 năm mỏi mòn đi tìm công lý", phản ánh vụ việc bà Bùi Thị Kiểm (hiện sinh sống tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) bị buộc thôi việc oan, nhưng suốt 34 năm nay dù đã gõ cửa nhiều cơ quan từ địa phương tới Trung ương vẫn chưa được giải quyết chế độ, quyền lợi.

Trong căn nhà cũ nát xây dựng từ năm 1991, bà Kiểm không kìm được nước mắt khi kể với chúng tôi về nỗi cơ cực mà những người có trách nhiệm thời kỳ đó đã đổ xuống đầu bà.

Bà Kiểm bị một số người câu kết đổ tội, dẫn tới việc bị Công an Thành phố Việt Trì bắt giam. Mặc dù không có điều tra, nhưng vẫn ra được cáo trạng và truy tố về hai tội danh “Đầu cơ và vi phạm chế độ tem phiếu”. Ngày 26/6/1981, Tòa án nhân dân Thành phố Việt Trì tuyên bà Kiểm hình phạt 36 tháng tù.

Sau đó đến ngày 29/9/1984, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên y án sơ thẩm tại bản án phúc thẩm số 72.

Tới ngày 10/7/1984, Bản án Giám đốc thẩm số 24/HSGĐ của Tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối cao tuyên bà Kiểm không phạm tội đầu cơ, chỉ xử tội vi phạm chế độ tem phiếu và tuyên mức phạt cảnh cáo.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cách hành xử bất thường của những người làm lãnh đạo tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú thời gian này. Đó là dù chưa có bản án phúc thẩm (chỉ mới xử sơ thẩm), nhưng ngày 16/9/1982 Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú đã ra quyết định số 345 QĐ/TCCB buộc thôi việc bà Bùi Thị Kiểm với lý do bị bắt tù tạm giam và vi phạm chế độ lương thực, hàng hóa của nhà nước.

Bà Kiểm nói trong nước mắt: “Thời gian họ bắt giam và đưa tôi ra xét xử không có ai đòi nợ tôi. Không ai ra tòa làm chứng vì họ bảo rằng tôi có nợ gạo của họ đâu. Gạo trong kho kiểm tra ra thì vẫn đủ cả, vậy mà tòa án vẫn cứ xét xử tôi.

Ra khỏi tù, tôi không được bố trí việc làm, làm đơn gửi cấc cấp mà người ta cũng không giải quyết chế độ cho. Chẳng còn cách nào khác, tôi thân gái một mình đưa theo hai đứa con nhỏ vào miền Nam làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Còn một đứa nữa để lại cho chồng ở quê nuôi.

Vợ chồng xa cách mấy năm trời, gia đình tan đàn xe nghé, nhưng đơn từ khiếu nại mãi mà chẳng được giải quyết”.

Bà Bùi Thị Kiểm đã chịu đựng nỗi oan ức suốt 34 năm qua, nhưng chưa được giải quyết chế độ, quyền lợi. ảnh: Ngọc Quang
Bà Bùi Thị Kiểm đã chịu đựng nỗi oan ức suốt 34 năm qua, nhưng chưa được giải quyết chế độ, quyền lợi. ảnh: Ngọc Quang

Trong văn bản của Sở Lao động tỉnh Vĩnh Phú ngày 18/10/1984 do ông Nguyễn Phúc Y – Giám đốc Sở ký gửi ông Giám đốc Ty Y tế Vĩnh Phú đã nói rõ: Sau khi nghiên cứu và đối chiếu các chế độ chính sách, chế độ hiện hành, Sở Lao động có ý kiến như sau:

“Những người bị xử tù án treo là người phạm tội không được đền bù thiệt hại tùy theo tính chất sai lầm, tùy theo yêu cầu công tác, vẫn được sắp xếp việc làm thích hợp không bị buộc thôi việc.

Đối với bà Kiểm (nếu đúng như đơn khiếu nại), chỉ xử lý ở mức cảnh cáo thì đề nghị Sở Y tế bố trí công ăn việc làm thích hợp cho bà Kiểm và giải quyết quyền lợi cho 3 con bà theo chế độ hiện hành”.

Tuy nhiên, sau đó để tạo vỏ bọc cho quyết định ép bà Kiểm thôi việc thì Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú đã tổ chức một cuộc họp nội bộ và ra văn bản ngày 8/6/1986 do bà Bùi Thúy Vân – Phó Giám đốc Sở Y tế ký, trong đó nói:

Nước mắt, nỗi cơ cực của người phụ nữ 34 năm đi tìm công lý ảnh 2

Hai vợ chồng già ở tỉnh Vĩnh Phúc hơn 30 năm mỏi mòn đi tìm công lý

“Chúng tôi đã xem xét lại hồ sơ vụ kỷ luật này, đồng thời đã tiến hành một lần nữa lấy ý kiến của tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện Việt Trì và đã được 27/28 ý kiến là giữ y án kỷ luật buộc thôi việc.

Xét tình tiết vụ kỷ luật, buộc thôi việc đối với những sai lầm của bà Bùi Thị Kiểm ở thời điểm lúc đó 1982 là hoàn toàn thỏa đáng.

Việc giám đốc Sở y tế buộc thôi việc mà căn cứ vào mức độ sai phạm phẩm chất đạo đức người cán bộ… Việc kỷ luật buộc thôi việc được thực hiện trước khi đương sự bị truy tố trước tòa án”.

Văn bản này được gửi cho Sở Lao động tỉnh Vĩnh Phú, Ủy ban Thanh tra nhà nước tỉnh Vĩnh Phú, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (lúc đó).

Tuy nhiên, bà Kiểm cho biết, đây là một thông tin bịa đặt, bởi vì 27/28 người tham dự cuộc họp này không yêu cầu đuổi việc bà Kiểm, mà yêu cầu cơ quan pháp luật làm sai thì phải chịu trách nhiệm bố trí việc làm cho bà Kiểm.

Bao giờ công lý mới được thực thi?

Nhớ lại những ngày tháng khổ đau ấy, bà Kiểm nói: “Họ không điều tra đã bắt tôi. Đến lúc tòa xử tôi không phạm tội thì họ cũng không bố trí việc làm lại cho tôi. Họ lập giấy tờ giả lừa cả cấp trên, vì 27/28 người đồng ý buộc tôi thôi việc trong văn bản ấy là nói sai hoàn toàn.

Chính xác là 27/28 người chỉ thống nhất rằng, cơ quan pháp luật làm sai thì cơ quan pháp luật chịu trách nhiệm với tôi, chứ họ không biết và không có ý kiến gì. Trong số ấy có những người còn đang sống đấy.

Nước mắt, nỗi cơ cực của người phụ nữ 34 năm đi tìm công lý ảnh 3

Bí thư Thăng cần chấn chỉnh lại Công an thành phố ngay cả trong vụ Yee Lip Chee

Họ bảo tôi ăn bớt gạo, trong khi tôi chỉ là một trong 3 người trong tổ đi đong gạo, chứ tôi có được phân chia gạo đâu mà bảo tôi ăn bớt. Làm sao tôi ăn bớt của ai được?.

Buồn cười nữa là họ bảo tôi ăn bớt gạo của một số người trong 6 tháng. Ngày ấy, cán bộ bình thường chỉ có 13kg gạo/tháng, cán bộ như chồng tôi là bác sĩ thì mới được 17kg gạo/tháng.

Tất cả hưởng theo chính sách phân chia tem phiếu, đói khổ như vậy thì làm gì có ai chấp nhận để tôi nợ gạo, hay là ăn bớt của họ.

Rõ nhất là khi tôi bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử, không một ai đòi gạo tôi cả, cũng không có bất kỳ ai ra làm chứng là tội nợ gạo của họ.

Suốt 34 năm qua, vợ chồng bà Bùi Thị Kiểm đã gửi đi hàng nghìn lá đơn khiếu nại đề nghị giải quyết chế độ, quyền lợi vì bị buộc thôi việc oan, nhưng tới nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.

Bà Kiểm nói: “Bây giờ, tôi có nguyện vọng là chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc sớm xem xét và bù đắp lại những gì tôi không được hưởng suốt 34 năm qua. Tôi bị oan uổng như thế, bắt giam tôi 6 tháng trời, con cái tôi bơ vơ, khổ sở, bây giờ rõ ràng cả rồi nên các cơ quan có thẩm quyền hãy trả lại quyền lợi cho tôi”.

Theo tìm hiểu của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, sau rất nhiều lần nhận đơn khiếu nại của vợ chồng bà Bùi Thị Kiểm và ông Nguyễn Hữu Tố, vào ngày 6/5 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản thông báo cho vợ chồng bà Kiểm, ông Tố, trong đó nói rõ:

"Giao Giám đốc Sở Y tế làm việc trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Phú Thọ để tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc đã được xem xét giải quyết hết thẩm quyền hay chưa?

Trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết và trả lời công dân theo quy định của pháp luật, xong trước ngày 30/7/2016”.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Trọng Thủy – Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Sở Y tế sẽ thực hiện các thủ tục, quy trình theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người dân.

Nếu đúng như những gì bà Kiểm, ông Tố khiếu nại thì cần phải xem xét để giải quyết chế độ cho bà Kiểm.

Ngọc Quang