Ôsin bị tra tấn: "Cần truy tố thêm tội làm nhục người khác"

09/01/2012 06:00
Thành Chung
(GDVN) - "Với hành vi bắt bà giúp việc Phạm Thị Phương ăn phân trẻ, cơ quan chức năng cần phải truy tố thêm tội làm nhục người khác đối với chủ nhà Tuyết Minh".
Đó là khẳng định của Tiến sĩ - Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân khi trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam xung quanh những hành vi tàn nhẫn của bà chủ Tuyết Minh (trú tại Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) gây ra cho nạn nhân Phương (53 tuổi, quê Ứng Hòa, Hà Nội).

NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG VỀ VẾT THƯƠNG TRÊN NGƯỜI ÔSIN BỊ TRA TẤN DÃ MAN

Xuất phát từ những "lỗ hổng" của pháp luật Theo TS -  Luật sư Trần Đình Triển, những hành vi hành hạ tàn nhẫn của bà chủ Tuyết Minh với bà giúp việc Phương là rất thương tâm nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất đã từng xảy ra. "Trước đây chúng ta đã thấy ở quận Thanh Xuân vụ việc một cháu bé bị chủ hàng phở hành hạ như thế nào, rồi trường hợp vừa qua ở tại Vũng Tàu xăm hình rết lên mặt người giúp việc. Đây là vấn đề mang tính thời sự, cần phải có sự điều chỉnh ngay", ông Triển cho hay.

Theo TS - LS Trần Đình Triển, nguyên nhân của các vụ bạo hành người giúp việc có một phần do các lỗ hổng của pháp luật. (Ảnh: Internet).
Theo TS - LS Trần Đình Triển, nguyên nhân của các vụ bạo hành người giúp việc có một phần do các lỗ hổng của pháp luật. (Ảnh: Internet).
Cũng theo ông Triển, để xảy ra những vụ việc này là do nhiều nguyên nhân, trong đó: "Lâu nay chúng ta chưa có những qui định của pháp luật cụ thể để qui định rõ về yêu cầu và bắt buộc đối với chủ nhà khi sử dụng người giúp việc, là một người lao động là phải có ký kết hợp đồng. Chỉ có ký kết hợp đồng mới thể hiện được quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, cũng qui định kể cả mức lương và hành xử của đôi bên rõ ràng. Do đó giữa chủ nhà với người giúp việc lâu nay không hề có một ai ký kết hợp đồng", ông Triển nhấn mạnh. Thêm đó, ông Triển cho rằng: "Khi thuê người giúp việc, người chủ nhà phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người giúp việc và bản thân họ đã tạm trú thì họ có sinh hoạt với cộng đồng như một công dân tại đó. Đó là một cái lỗ hổng mà chúng ta chưa quản lý được. Mà thậm chí nhiều người lao động, bản thân giúp việc, ở trong một nhà chủ bị hành xử nhưng xã hội không biết gì cả và bản thân họ cũng không biết đâu để kêu, không có chỗ dựa. Người lao động trong một cơ quan còn có công đoàn, thanh niên, phụ nữ... nhưng đối với người giúp việc trong gia đình thì họ không hề được tham gia bất cứ tổ chức nào cả, vì vậy không ai đứng ra để bảo vệ quyền lợi của họ. Khi có sự việc xảy ra, thậm chí họ phải ngấm ngầm chịu đựng vì đồng lương của họ, thậm chí họ bị đe dọa nếu bỏ việc. Do đó, tình trạng hành xử với người giúp việc lâu nay mà xảy ra nhiều trường hợp đáng thương như vậy, đây là vấn đề bức xúc của xã hội mà pháp luật cần phải điều chỉnh ngay".
Cần phải xử lý thật nghiêm hành vi của chủ nhà
Liên quan đến những hành vi tàn nhẫn của bà chủ Tuyết Minh,dựa trên các căn cứ trong qui định của pháp luật, TS - Luật sư Trần Đình Triển khẳng định: "Với những hành vi của bà chủ nhà Tuyết Minh tại Kim Mã (Hà Nội)gây ra cho bà giúp việc thì ở đây đã có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích và hành hạ người khác. Thứ hai với hành vi bắt người giúp việc ăn phân ở bỉm của cháu thì ở đây phạm thêm một tội nữa là làm nhục người khác. Cần phải khởi tố hai tội đó. Việc khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Minh của cơ quan công an quận Ba Đình là hoàn toàn chính xác".

NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG VỀ VẾT THƯƠNG TRÊN NGƯỜI ÔSIN BỊ TRA TẤN DÃ MAN

Bà chủ Tuyết Minh tại cơ quan cảnh sát điều tra.
Bà chủ Tuyết Minh tại cơ quan cảnh sát điều tra.
Thêm vào đó, theo quan điểm của mình, Luật sư Triển cũng cho rằng: "Không những chỉ người chủ trực tiếp hành hạ mà những người trong gia đình, đủ 18 tuổi, biết sự việc đó mà không can ngăn hoặc cố tình bao che thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi thế nào cũng cần khởi tố những người đó về tội che dấu tội phạm. Hoặc nếu có hành vi giúp sức hay cùng đồng tình với quan điểm hành hạ của người gây ra đó cũng cần phải khởi tố theo điều luật cố ý gây thương tích và làm nhục người khác với vai trò đồng phạm".
Cả về lý và tình đều có tội

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo GDVN, Luật sư Nguyễn Thị Hải Hương, Giám đốc Công ty Luật Khánh Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, xét cả về lý và đạo đức, truyền thống dân tộc thì những hành vi tàn nhẫn mà bà chủ Tuyết Minh gây ra cho bà giúp việc Phương đều có tội.

Luật sư Hương cũng nhấn mạnh, khi cơ quan CA truy tố theo tội cố ý gây thương tích thi cần phải trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân Phương để có hình thức xử phạt thích đáng đối với chủ nhà Tuyết Minh.

"Nếu kết luận của giám định, với mức thương tích từ 11% trở lên thì có thể truy tố theo tội danh cố ý gây thương tích được quy định cụ thể tại điều 104 Bộ luật hình sự",

Thương tích nặng

Bác sĩ bệnh viện Đa Khoa Vân Đình – nơi đang điều trị cho bà Phạm Thị Phương - xác nhận: Bệnh nhân Phạm Thị Thương bị nhiều thương tích bầm tím ở vùng mắt, cổ, ngực, vai, lưỡi phồng rộp. Bàn tay trái bệnh nhân bỏng 1% độ 3, đùi trái bỏng 6% độ 3, mông - bụng bỏng từ 2-5% độ 3, bộ phận sinh dục và tầng sinh môn bỏng 1% độ 3.

Thông tin hấp dẫn:

Cô gái bị xăm rết

Quan chức chơi cờ tiền tỷ

Những con đường đầy bao cao su

Bạo hành dã man ở Vĩnh Phúc

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản TƯ

Lạc vào thế giới đêm Hà Thành

Điều kỳ diệu về cụ rùa Hồ Gươm

Những câu chuyện ở Trường bắn

Chọc gậy bánh xe

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Thành Chung