Phụ huynh bất bình về chất lượng cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia 2019

19/03/2019 06:17
LÃ TIẾN
(GDVN) - Phụ huynh, học sinh tại Hải Phòng tỏ ra bất bình và nghi ngờ chất lượng các đề tài đoạt giải cao tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia năm học 2018-2019.

Ngày 12/3/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và trao 15 giải nhất, 27 giải nhì, 43 giải ba và 54 giải tư cho các thí sinh có dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc.

Ngay sau khi các dự án đoạt giải được công bố, nhiều phụ huynh và các thí sinh tại Hải Phòng có dự án tham gia cuộc thi tỏ ra bất bình và nghi ngờ về các tiêu chí đánh giá chất lượng các đề tài.

Nhiều đề tài đoạt giải cao có ý tưởng trùng lặp?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn (phụ huynh của em Nguyễn Thanh T., học Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng) bức xúc: “Có 5/15 dự án đạt giải nhất cuộc thi này trùng với các đề tài đã được công bố, trong đó có 2 đề tài đứng đầu lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và 2 đề tài đứng đầu lĩnh vực khoa học xã hội hành vi được lựa chọn”.

Ông Sơn chỉ ra một số đề tài cụ thể như: đề tài “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời” đoạt giải nhất cuộc thi về lĩnh vực cơ khí.

Phụ huynh, học sinh tại Hải Phòng cho rằng nhiều dự án đoạt giải nhất tại cuộc thi VISEF có ý tưởng trùng lặp, chưa có tính sáng tạo (Ảnh: moet.gov.vn)
Phụ huynh, học sinh tại Hải Phòng cho rằng nhiều dự án đoạt giải nhất tại cuộc thi VISEF có ý tưởng trùng lặp, chưa có tính sáng tạo (Ảnh: moet.gov.vn)

Theo ông Sơn, đề tài này có ý tưởng trùng lặp, không có tính sáng tạo và là sự lắp ghép của 2 sản phẩm có sẵn thành một chiếc máy cồng kềnh, kém tiện ích, không có lợi về kinh tế.

Hơn nữa, thực tế đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này có chất lượng cao hơn như đề tài “Máy cắt cỏ điều khiển từ xa bằng năng lượng mặt trời” của sinh viên phân khoa Kỹ thuật máy nông nghiệp của Trường đại học công nghệ RMUTT Thái Lan.

Không chỉ ông Sơn, bà Vũ Thị Xuân Hương (phụ huynh em Nguyễn Nam A., học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú tham gia cuộc thi) cũng bức xúc không kém.

Bà Hương nêu ví dụ, cũng đạt giải nhất cuộc thi, song đề tài “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” của học sinh Quảng Ninh lại có kết cấu cơ khí rất đơn giản, tốn sức người, không có tính ứng dụng thực tiễn.

Bà Hương lý giải: “Việc làm sạch bề mặt đáy ao thực chất không chỉ đơn giản là quét rửa mặt bạt mà gồm nhiều công đoạn, trong đó có nạo vét bùn.

Người sử dụng vẫn phải rút nước ao ra và đẩy máy, không mang tính chất phù hợp với cách mạng công nghiệp tự động 4.0”.

Chống bệnh thành tích đang trong tình thế trứng chọi đá tảng

Ông Sơn, bà Hương tiếp tục đưa ra một số đề tài tham dự cuộc thi năm nay nhưng có ý tưởng trùng lặp, không mới, không có tính sáng tạo.

Đó là các đề tài đoạt giải nhất như: “Học sinh thủ đô quảng bá giá trinh của di tích Văn miếu Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”; Đề tài “Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông”…

Đối với đề tài “Học sinh thủ đô quảng bá giá trinh của di tích Văn miếu Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, phụ huynh cho rằng đã có những dự án của các năm trước làm về việc quảng bá du lịch thủ đô Hà Nội với quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn gấp nhiều lần.

Xét về các khía cạnh khác, cơ sở lý luận của dự án này chưa vững vàng, nội dụng các cuộc khảo sát đầu vào chưa rõ ràng (không biết quy mô khảo sát là thế nào, số lượng người tham gia, cách thức khảo sát).

“Khảo sát đầu ra cũng rất lờ mờ, chỉ khảo sát việc gây hứng thú là chưa đủ, các khía cạnh như hiệu quả của giải pháp, việc tiếp cận với giải pháp có dễ dàng và khả thi hay không; đã thử nghiệm chưa và thử nghiệm trên quy mô như thế nào?

Quan trọng nhất, các giải pháp đưa ra quá chung chung; trò chơi điện thoại không có thuật toán, cách thức sử dụng, nội dung giáo dục đưa ra trong trò chơi không ai biết; sử dụng hình ảnh minh họa không thuyết phục.

Công nghệ thực tế ảo cũng tương tự, không đưa ra được là sẽ làm gì và áp dụng công nghệ này thế nào trong việc giáo dục”, bà Hương nói.

Đối với đề tài “Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông”, theo các phụ huynh, đề tài này có phạm vi nghiên cứu chỉ dừng lại ở địa bàn tỉnh Lào Cai, chưa rút ra được kết luận tổng quát cho học sinh trên diện rộng.

Khi xem xét kỹ lại chưa thấy được công thức cũng như cách tính toán chính xác cho chỉ số hạnh phúc của học sinh Trung học phổ thông, chỉ số này được đánh giá dựa trên tiêu chí gì để có thể so sánh giữa các đối tượng như vậy.

Hơn nữa, trong đề tài đã nêu ra nhiều biện pháp như các lớp học, các buổi nói chuyện, tuy nhiên để giải quyết triệt để thì đây là những biện pháp truyền thống, có phần lạc hậu, cổ hủ, tính hiệu quả ngắn hạn, không cao.

Nghi ngờ về chất lượng giải

Theo quy định của Ban tổ chức cuộc thi VISEF, các dự án dự thi được trưng bày, tác giả hoặc nhóm tác giả phải trình bày dự án và trả lời phỏng vấn của ban giám khảo.

Tiêu chí đánh giá các dự án căn cứ vào các câu hỏi nghiên cứu, thiết kế và phương pháp nghiên cứu, thực hiện, sự sáng tạo và trình bày, trả lời phỏng vấn...

Các dự án phải đạt các tiêu chí như: khả năng sáng tạo, ý tưởng khoa học, tính thấu đáo, kỹ năng thuyết trình và sự rõ ràng, minh bạch.

Phụ huynh tỏ ra bất bình, nghi ngờ về chất lượng các dự án đoạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia 2019 (Ảnh: moet.gov.vn)
Phụ huynh tỏ ra bất bình, nghi ngờ về chất lượng các dự án đoạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia 2019 (Ảnh: moet.gov.vn)

Tuy nhiên, theo ông Sơn, bà Hương và nhiều phụ huynh tại Hải Phòng nhận thấy, những đề tài được lựa chọn vào vòng 2 – vòng loại đội tuyển quốc tế để tham gia thuyết trình bằng tiếng Anh trước hội đồng Ban giám khảo chưa bảo đảm về chất lượng về hàm lượng khoa học và khả năng ứng dụng của sản phẩm.

Nhiều đề tài đạt giải nhất trùng lặp về mặt giải pháp và không có tính mới, tính sáng tạo.

Mặt khác, ở các đề tài đạt giải nhất nêu trên, phần trình bày poster có lập luận đơn giản, sơ sài, không thuyết phục, cũng như kết quả lỏng lẻo, không cụ thể.

Phụ huynh và học sinh ở Hải Phòng cũng đưa ra bằng chứng trong phần trình bày dự án tại vòng chấm chọn thi quốc tế, các học sinh không thể hiện được bản lĩnh, không bảo vệ được đề tài trước hội đồng Ban giám khảo.

Đặc biệt, có một số đề tài từ chối không tham gia vòng thi này và có đề tài tham dự nhưng không có khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh.

Với những dẫn chứng cụ thể, phụ huynh cho rằng việc thẩm định các đề tài trước khi đánh giá chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến việc có đề tài được chọn là những đề tài có ý tưởng trùng lặp với sản phẩm đã được công bố.

Các đề tài được lựa chọn chưa đáp ứng tính sáng tạo, tính mới, khả năng thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguy cơ lộ mật thi học sinh giỏi quốc gia từ chính thành viên soạn đề

Phụ huynh nghi ngờ về các tiêu chí đánh giá chất lượng đề tài và cho rằng, những đề tài đoạt giải chưa đáp ứng được các tiêu chí đưa ra, trong khi các đề tài tốt, có tính sáng tạo không được lựa chọn.

“Ban tổ chức cuộc thi cần rà soát lại các đề tài đoạt giải cao, bởi nếu đánh giá chưa đúng về các đề tài sẽ làm mất niềm tin của các thí sinh vào cuộc thi này”, ông Sơn nói.

Được biết, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học quốc gia (VISEF) khu vực phía Bắc năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 12/3 tại Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam.

Đây là lần thứ 7 cuộc thi được tổ chức, năm nay với chủ đề “Khoa học tạo ra sự đổi mới” thu hút đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh cả nước tham gia với 481 dự án ở 21 lĩnh vực với 896 học sinh tham dự.

Tại khu vực phía Bắc (dành cho học sinh từ Thừa Thiên Huế trở ra) có 252 dự án của 487 học sinh thuộc 20 lĩnh vực, trong đó khối trung học phổ thông có 198 dự án với 377 học sinh; trung học cơ sở có 54 dự án của 110 học sinh.

Kết thúc cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao 15 giải nhất, 27 giải nhì, 43 giải ba và 54 giải tư cho các thí sinh.

LÃ TIẾN