Sinh viên trường đại học Ngoại thương 'chảnh' hay 'tự tin'?

26/06/2012 06:48
Thanh Hương/ VnExpress
Trong con người luôn có mặt tốt mặt xấu, huống chi là cả một cộng đồng. Sinh viên Ngoại thương cũng có người này người kia, chứ không chỉ có những người "chảnh".
Là một cựu sinh viên Ngoại thương (NT), có cơ hội tiếp xúc, làm việc, phỏng vấn tuyển dụng với nhiều sinh viên NT cũng như sinh viên các trường khác, tôi xin được phép đưa ra những quan điểm cá nhân về vấn đề đang gây tranh cãi xung quanh cái gọi là "sự chảnh" của sinh viên NT.
1. Không có lửa làm sao có khói?
Sinh viên NT có chảnh hay không? Tôi đã gặp các bạn sinh viên NT chảnh, có bạn giỏi và có năng lực thật sự, có bạn thì năng lực tầm tầm.
Và làm việc với các bạn ấy thì thật sự là không thoải mái lắm, mặc dù có phần khâm phục tài năng của các bạn, nhưng thực sự thái độ là điều vô cùng quan trọng.

Công ty từ chối ứng viên tốt nghiệp trường Ngoại thương vì cho rằng sinh viên trường này "chảnh". Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Công ty từ chối ứng viên tốt nghiệp trường Ngoại thương vì cho rằng sinh viên trường này "chảnh". Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Vốn dĩ giỏi mà kiêu căng thì đều bị ghét (dốt mà nghĩ mình là giỏi và kiêu căng thì càng bị ghét hơn). Những con người như thế thì dù là sinh viên NT hay sinh viên trường nào thì cũng không thể ưa được.
Những bạn này cũng nên xem xét lại thái độ của mình, đừng nên ngẩng cao đầu quá. Cái gì quá thì cũng không tốt. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một bộ phận, không thể chụp mũ tất cả sinh viên NT như thế được. Các bạn sinh viên NT cũng nên xem đây là một ý kiến đóng góp để tiếp thu và sửa chữa, tiếp tục trau dồi bản thân.
2. Ngoại thương cũng là một xã hội thu nhỏ
Trong xã hội thu nhỏ ấy, có rất nhiều cá thể khác nhau, đa dạng phong phú, có bạn thế này, bạn thế kia, có bạn chảnh và giỏi, có bạn không giỏi mà cũng chảnh, có bạn giỏi mà ham học hỏi, có bạn không giỏi và tự ti. Và xin đừng đánh đồng “chảnh” và “tự tin”, lằn ranh của hai từ này rất mong manh.
Mà rút cuộc thì “chảnh” có phải là do môi trường NT tạo nên hay không? Phần lớn những bạn NT chảnh thì tôi thấy các bạn ấy chảnh ngay từ hồi mới vào NT rồi.
Bản chất con người được hình thành từ hồi bé chứ không phải lên Đại học mới hình thành. Còn những bạn lúc vào học NT không chảnh, sau 4 năm lại thành chảnh thì hạn hữu lắm.
Sinh viên NT, bên cạnh những bạn chảnh thì tôi cũng thấy rất nhiều tấm gương: chăm chỉ học hành, luôn luôn phấn đấu vươn lên; năng nổ tham gia các hoạt động xã hội để đóng góp cho cộng đồng và trau dồi kỹ năng; tích cực tham gia các cuộc thi dành cho sinh viên trong nước và quốc tế, mang hình ảnh sinh viên Việt Nam ra trường quốc tế.
Nhiều bạn sinh viên ra trường cũng rất khó khăn, chật vật mới xin được việc chứ chưa nói gì đến yêu sách nọ kia. Sinh viên NT cũng như sinh viên các trường khác, khi rời ghế nhà trường và bắt đầu đi làm, cũng khiêm tốn, ham học hỏi, biết mình biết ta, không ngừng vươn lên.
Nhiều bạn còn khởi nghiệp, kinh doanh, không ngại thử thách, không ngại khó ngại khổ. Những bạn trẻ đó đang âm thầm phấn đấu, xây dựng tương lai của đất nước. Vậy nếu với những nỗ lực bỏ ra như thế mà bị mang tiếng là chảnh, thì thử hỏi sao không oan ức?
Việc nhảy chỗ làm liên tục cũng không phải là đặc tính chung của sinh viên NT. Có nhiều bạn vẫn gắn bó thủy chung với một công ty, vấn đề này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Nhảy việc đôi khi cũng có căn nguyên sâu xa của nó.
Có bạn nhảy việc vì công việc cũ hoặc môi trường làm việc không phù hợp, không hẳn là vì mức lương hay vị trí tốt hơn. Có bạn nhảy việc vì muốn tích lũy kinh nghiệm ở những công việc khác nhau. Tuy nhiên nếu nhảy việc liên tục và nhảy việc chỉ vì cái lợi trước mắt thì rất đáng bị lên án.
Sinh viên NT không phải ai cũng tốt đẹp, kể cả trong một con người cũng có mặt tốt mặt xấu, huống chi là cả một cộng đồng. Mặt tốt thì nên được tuyên dương, khuyến khích và phát huy, mặt xấu thì nên sửa chữa.
3. Ở Ngoại thương chúng tôi học được những gì?
Đầu vào của NT có cao không? Điểm đầu vào của NT luôn nằm trong hàng top. Tuy nhiên với mức độ đề thi Đại học thì chỉ cần tố chất tầm tầm và nắm vững kiến thức là có thể thi đạt điểm cao, không nhất thiết phải quá xuất chúng.
Thế nên chỉ có thể khẳng định là đầu vào NT không thấp. Trong một lớp NT cũng có bạn thế này bạn thế kia, có bạn thông minh, có bạn bình thường, có bạn năng động, có bạn lại trầm tính, có bạn tự tin, có bạn lại rụt rè.
Nhưng xét một cách tổng quan thì môi trường ở NT khá tốt, khuyến khích sự năng động của sinh viên. Chất lượng giáo dục và đào tạo thì chưa dám khẳng định vì sau 4 năm học NT, kiến thức chuyên môn của tôi không có nhiều.
Mà nhiều sinh viên NT làm trái ngành (tôi thấy bạn bè làm tất cả các lĩnh vực kinh tế khác nhau: marketing, tài chính, kế toán, kiểm toán, xuất nhập khẩu, PR, truyền thông, hành chính, nhân sự...) nên có khi kiến thức học ra cũng không ứng dụng được nhiều.
Theo cảm quan cá nhân thì đôi khi NT còn không được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn như một số trường kinh tế khác. Tuy nhiên các bạn sinh viên NT mặt bằng chung năng động và tự tin. Thầy cô giáo có quan điểm hiện đại và mở, vì vậy không quá gò bó sinh viên mà luôn để các em có cơ hội để tự do phát triển theo hướng đi của bản thân.
Hoạt động thuyết trình nhóm khá bổ ích để chúng tôi có cơ hội được làm việc nhóm và thêm tự tin khi nói trước đám đông. Một điều rất tốt ở NT là các câu lạc bộ và các hoạt động xã hội được đẩy mạnh, các bạn sinh viên có nhiều cơ hội để va chạm, phát triển kỹ năng, nhờ đó mà kỹ năng mềm khá tốt.
Nhiều bạn luôn luôn phấn đấu học hỏi, không ngại thử thách, biết nắm bắt cơ hội, trở thành những sinh viên tiêu biểu trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay.
Bản thân tôi không đưa ra quan điểm cá nhân nào mà chỉ phản ánh tình hình. Vốn dĩ một vấn đề đều có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, mỗi người đều có quan điểm riêng, cách nhìn riêng và đều có quyền nói lên quan điểm cá nhân của mình.
Tuy nhiên lằn ranh để đánh giá một quan điểm là đúng hay sai khá mong manh. Khi đánh giá một chủ thể thì cần đánh giá, xem xét khách quan, đa chiều, công tâm.
Vì vậy tôi mong là mọi người không nên tát nước theo mưa, nên nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, cả tích cực và tiêu cực.
Thanh Hương/ VnExpress