Thanh Hóa: Hiệu trưởng, hiệu phó "quỵt" tiền thừa giờ của giáo viên

06/04/2015 09:10
ĐỨC THIỆN - THỤY MIÊN
(GDVN) - Nhiều giáo viên trường THPT Như Xuân 2 bức xúc trước việc lãnh đạo nhà trường tính toán chế độ phụ cấp cho giáo viên chưa hợp lý…

Mập mờ trong cách tính phụ cấp cho giáo viên

Trong đơn gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên đang công tác tại trường THPT Như Xuân 2 phản ánh, lãnh đạo nhà trường không tuân thủ các quy định về việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên. Trong khi đó, Ban Giám hiệu nhà trường có dấu hiệu lập khống danh sách, rút ruột tiền ngân sách. 

Cụ thể, cách tính tiền thừa giờ cho giờ giáo viên (2013-2014) chưa đúng theo thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Số tiền thừa giờ của giáo viên được áp dụng theo cách tính “riêng”, do nhà trường tự đặt ra. Theo đó, việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên chỉ được áp dụng ở mức 70% so với quy định tại thông tư này.

“Nếu áp dụng đúng theo thông tư 07 trong việc tính tiền thừa giờ cho giáo viên, số tiền thừa giờ tôi phải được nhận (năm học 2013 – 2014) là 19 triệu đồng. Trên thực tế, nhà trường chỉ trả cho giáo viên số tiền thừa giờ ở mức hơn 5 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại bỏ vào túi ai?”, một giáo viên (xin giấu tên) bức xúc cho biết.

Danh sách thanh toán tiền làm thêm giờ của Ban giám hiệu, tổ hành chính tại trường THPT Như Xuân 2 (ảnh: ĐỨC THIỆN)
Danh sách thanh toán tiền làm thêm giờ của Ban giám hiệu, tổ hành chính tại trường THPT Như Xuân 2 (ảnh: ĐỨC THIỆN)

Trong khi đó, Ban giám hiệu nhà trường và tổ hành chính được áp dụng cách tính tiền thừa giờ theo tuần, nhận tiền thừa giờ theo tháng (với mức 1 giờ = 150% x (hệ số lương + hệ số phụ cấp chức vụ + phụ cấp thâm niên vượt khung): 22 = số tiền cho 1 ngày). 

Điều đáng nói, lãnh đạo nhà trường đều sinh hoạt trong tổ chuyên môn, nhưng lại được tính giờ “làm thêm” thứ 7 hoặc chủ nhật với mức tính đều đặn (3 ngày/tháng). 

Trái ngược với cách tính toán trên, nhiều giáo viên trong trường chỉ nhận được số tiền thừa giờ bằng 1/3 so với mức quy định (quy đổi nêu trên).

Việc thanh toán chế độ cho giáo viên có dấu hiệu mập

Cách tính tiền lương dạy thêm giờ được áp dụng theo khoản 1, Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC như sau:
- Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 1 giờ dạy thêm.
- Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%.
- Tiền lương 1 giờ dạy:
Tiền lương 1 giờ dạy = Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy trên 1 năm x Số tiền dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần

mờ, khiến nhiều cán bộ công tác tại trường THPT Như Xuân 2 không khỏi bức xúc. Tình trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“Khi chúng tôi thắc mắc về cách tính tiền thừa giờ chưa phù hợp thì lãnh đạo nhà trường biện lý do không có tiền để trả tiền thừa giờ cho giáo viên theo đúng quy định. Họ còn nói, các trường khác còn trả thấp hơn trường này", giáo viên này bức xúc.

Nhiều giáo viên khi nhận tiền thừa giờ tỏ vẻ chạnh lòng, chua xót vì công sức họ bỏ ra không được đền đáp xứng đáng: "Biết là như vậy, nhưng chúng tôi đang còn công tác trong trường, nên không dám nói với ai vì sợ bị lãnh đạo nhà trường trù dập”, một giáo viên khác phân trần", một giáo viên khác chia sẻ.

Cũng theo phản ánh của một số giáo viên, việc lãnh đạo nhà trường tự ý đưa ra “quy chế” cắt số tiết dạy của giáo viên không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi (đi làm nhiệm vụ theo sự phân công công tác…) là chưa phù hợp.

“Trả như thế là tốt rồi”

Với những băn khoăn chưa được giải đáp, hôm 30/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo trường THPT Như Xuân 2 cho rằng, cách tính toán chế độ (tiền thừa giờ) cho giáo viên là phù hợp với quy định.

“Việc trả tiền thừa giờ cho giáo viên được căn cứ vào nguồn ngân sách cân đối thu chi hàng năm của nhà trường. Theo đó, chúng tôi đã thống nhất đưa ra quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp. 

Việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên chỉ được tính 70% so với quy định tại thông tư 07. Trả như thế là tốt lắm rồi. Đây là giải pháp chúng tôi cũng không mong muốn”, ông Nguyễn Xuân Bình – Hiệu trưởng trường THPT Như Xuân 2 cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Bình- Hiệu trưởng trường THPT Như Xuân 2 trao đổi với phóng viên
Ông Nguyễn Xuân Bình- Hiệu trưởng trường THPT Như Xuân 2 trao đổi với phóng viên

Tuy nhiên, theo quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường 2014, Ban giám hiệu nhà trường được áp dụng mức tính tiền thừa giờ theo thông tư 07 (tính đủ 100% theo quy định. Lý giải về việc này, lãnh đạo trường THPT Như Xuân 2 cho rằng: “việc tính toán này là do kế toán…”.

Cũng theo phản ánh, lãnh đạo trường THPT Như Xuân 2 tự ý đưa ra “quy chế” cắt số tiết dạy, không áp dụng tính tiền thừa giờ cho giáo viên không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi (…) do cấp có thẩm quyền phân công.

Về việc này, lãnh đạo trường THPT Như Xuân 2 cho rằng: “Thông tư 07 chỉ quy định chung chung chứ không nói rõ cấp có thẩm quyền phân công là cấp nào. Do vậy giáo viên không được tính vào giờ dạy quy đổi, không được tính tiền thừa giờ', ông Bình nói.

Tuy nhiên, cùng ngày, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, việc áp dụng thông tư 07 trong việc giải quyết chế độ cho giáo viên nêu trên có phần chưa hợp lý.

“Chế độ cho giáo viên phải được tính toán hợp lý, đầy đủ. Nếu làm không đúng quy định rất dễ gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ giáo viên, đồng thời khó khuyến khích được các thầy cô phát huy hết khả năng, tâm huyết với nghề…”, vị lãnh đạo này nói.

ĐỨC THIỆN - THỤY MIÊN