Thưa Bộ trưởng Thăng liệu tôi có phải bán cả ôtô đi để chống ùn tắc?

26/03/2012 14:26
Thành Chung
(GDVN) -  Mới đây Bộ GTVT đưa ra giải pháp thu phí giao thông chống ùn tắc, và chắc không ít người đang tính phải bán cả ôtô đi để chống ùn tắc giao thông?
Thưa Bộ trưởng, người dân "khiếp vía" trước mức phí quá cao? Quả thực trong suốt thời gian qua khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh ngành Giao thông vận tải cho đến nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng được dư luận xã hội biết đến là một Bộ trưởng quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và đã có những bước đột phá quan trọng trong việc xử lý các công việc của ngành. Người dân cả nước đã luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo ngành huyết mạch của đất nước nơi Bộ trưởng. Nhưng với "chiêu" được coi là "bước đột phá" gần đây khi hết đề xuất thu phí này lại đến phí khác đã khiến người dân cả nước không khỏi "choáng váng", thậm chí là "khiếp vía". 

Người dân "khiếp vía" trước đề xuất của Bộ GTVT thu phí cao với ô tô, xe máy.
Người dân "khiếp vía" trước đề xuất của Bộ GTVT thu phí cao với ô tô, xe máy.

Bởi lẽ, với mức thu nhập còn thấp như hiện nay của các tầng lớp người dân thì mức phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/6 tới đây đối với cả ô tô và xe máy (là hai phương tiện đi lại chủ yếu của đại đa số cư dân trên cả nước), với những con số được công bố khiến ngay cả những người dù thần kinh có cứng rắn đến mấy cũng phải… rùng mình. Thử đưa ra một phép tính đơn giản, với một hộ gia đình công chức bình thường hiện nay, thì thu nhập chỉ chừng 6 - 8 triệu đồng/ tháng. Nếu gia đình đó đã có nhà ở các thành phố lớn thì còn đỡ, còn vẫn phải đi thuê thì với mức tăng giá cả, chi phí sinh hoạt, lo cho con cái như hiện nay thì việc phải chi thêm một khoản phí giao thông sẽ tạo thêm ra một áp lực kinh tế rất lớn.  "Như gia đình tôi 2 con thì bị tim bẩm sinh mà phẫu thuật thì gia đình lại phải bỏ chi phí hoàn toàn. 2 vợ chồng đều công chức nhà nước, lương tổng thu nhập được chừng hơn 7 triệu/tháng, ăn còn không đủ giờ lại thêm việc phải nộp phí giao thông cho hai chiếc xe thì chắc chả còn tiền mà làm gì cả", chị Anh Thư (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ. Với công chức có thu nhập đã vậy, với những sinh viên vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sử dụng xe máy là phương tiện để đi làm thêm, đỡ đần bố mẹ thì mức phí trên càng làm cho cuộc sống đã eo hẹp lại càng eo hẹp hơn. "Giá nhà, giá điện, giá nước chủ nhà đòi tăng liên tục. Vừa rồi giá xăng lại tăng dẫn đến bao nhiêu thứ tăng theo. Trong khi chiếc xe máy là phương tiện chính để bọn em cơ động hơn đi làm thêm, thế mà giờ Bộ trưởng lại đề xuất thu phí cao như vậy thì chúng em lấy đâu ra tiền nữa mà nộp, mà học hành. Các bác vẫn nói trên báo, đài, truyền hình rằng chúng cháu là mầm xanh của đất nước. Nhưng thực sự cháu cảm thấy mầm xanh này đang héo dần và chắc sẽ dần không còn có thể tiếp tục sống nữa, nếu các bác vẫn không tính đến chúng cháu", Nguyễn Văn Quý (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) than thở. Không những người dân, mà chắc chắn những vị giờ đây đang được ngồi xe công đi hàng ngày (loại xe được miễn thu phí) thì sẽ có ngày về hưu, trở về đời thường, với mức lương hưu mà lại phải dùng xe riêng để đi lại, cộng thêm bao nỗi lo toan thường nhật thì việc thu phí như vậy liệu có được chấp nhận?.Thưa Bộ trưởng, ùn tắc, tai nạn đâu chỉ tại riêng phương tiện Cũng có một vấn đề cần phải được làm rõ, mục đích của việc thu phí ở đây được nhấn mạnh nhằm hạn chế tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông. Nhưng thực chất thì xin hỏi Bộ trưởng tai nạn giao thông liệu rằng có phải do vấn đề xe ô tô, xe máy lưu thông quá nhiều hay không?. Nếu xét một cách rõ ràng, thấu đáo thì tôi có thể dám khẳng định rằng, tai nạn giao thông nhiều hay ít không phải do lượng phương tiện nhiều hay ít. Thực tế, tại các nước phát triển trên thế giới, lượng phương tiện lưu thông trên đường là rất lớn nhưng tai nạn giao thông của nhiều nước lại thấp hơn ở chúng ta. Tại sao lại như vậy?
Thưa Bộ trưởng, Ùn tắc, tai nạn đâu chỉ tại riêng phương tiện.
Thưa Bộ trưởng, Ùn tắc, tai nạn đâu chỉ tại riêng phương tiện.

Dù rằng, Bộ trưởng có thể lập luận, khi gây ra tai nạn cái xe đó đang lưu thông trên đường nhưng như ở trên đã nói, cũng là cái xe đấy nhưng chạy ở nước ngoài chưa chắc đã gây tai nạn. Vấn đề này không phải do cái xe mà vấn đề ở đây do nhiều nguyên nhân khác. Chắc Bộ trưởng cũng chưa quên, việc đã cho thanh tra hàng loạt tuyến đường trên cả nước thì hầu hết đều phát hiện sai phạm, chất lượng đường dù là cao tốc nhưng vừa thi công, đưa vào sử dụng đã lỗ chỗ ổ gà, ổ trâu rồi đường ngang, ngõ tắt mở liên tục trên các quốc lộ.   Chất lượng đường sá là vậy nhưng chất lượng của người điều khiển phương tiện giao thông ở nước ta cũng không khá hơn là mấy. Việc đào tạo, sát hạch lái xe thì đã không ít lần bị báo chí lên tiếng phản ánh về tình trạng "cứ thi là có bằng hay học đã ít hành lại càng ít hơn...". Và thực tế ở nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi điều tra lại phát hiện lái xe không hề có bằng lái hoặc có nhưng không đúng tải trọng qui định... Điều đó minh chứng tại sao cho tai nạn liên tục xảy ra. Thêm vào đó, ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông cũng không khá hơn. Người đi bộ thì vô tư, thản nhiên qua lại qua đường, đi xuống lòng đường, người điều khiển phương tiện thì mỗi người một cách lưu thông riêng, lộn xộn, "bát nháo"...  Với những gì được nêu ra thế này thì Bộ trưởng thử đánh giá xem, liệu rằng tai nạn có phải do phương tiên lưu thông nhiều hay không?. Mục đích thứ hai được nhắc đến là chống ùn tắc giao thông, tuy nhiên, việc ùn tắc giao thông cũng do rất nhiều nguyên nhân, mà chính Bộ trưởng cũng đã thừa nhận đó là do hạ tầng giao thông ở các đô thị của chúng ta quá yếu kém, không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, câu chuyện ùn tắc giao thông diễn ra chủ yếu ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, vậy mà thu phí thì lại áp trên cả nước thì liệu rằng có thực sự hiệu quả?, có thực sự công bằng?. Tư duy, tầm nhìn của người lãnh đạo là phải đưa ra được những giải pháp hữu ích nhất, có lợi cho người dân nhất nhưng với tư duy ở phương cách thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đường bộ mà Bộ trưởng đề xuất áp dụng từ 1/6 này thì chẳng những người dân không phục mà còn "khiếp vía". Và chắc chắn, giờ đây sẽ có không ít gia đình đang phải tính đến phương cách bán ôtô, xe máy, những phương tiện lưu thông chính để ủng hộ chống ùn tắc giao thông mà Bộ trưởng đưa ra.

Theo tờ trình gửi Thủ tướng của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đối tượng thu phí là xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và môtô. Các loại xe công như xe của cơ quan hành chính, đơn vị công lập, xe quân đội, xe công an, xe của cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài không phải nộp loại phí này.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT loại trừ thu đối với xe của doanh nghiệp như taxi, xe chở khách du lịch... Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, một số phương tiện về bản chất là xe cá nhân nhưng theo hình thức lại thuộc sở hữu doanh nghiệp, tổ chức. Do vậy, Bộ GTVT vẫn đưa các loại xe này vào diện chịu phí hạn chế phương tiện.

Theo Bộ GTVT đến 31/10/2011 có 612.691 xe chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân, tương ứng với chủ phương tiện chiếm 0,77% dân số cả nước. Các xe này phần lớn sử dụng cho mục đích cá nhân, tuy một số xe hoạt động vận tải taxi nhưng khối lượng vận chuyển không lớn. Do vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho rằng, phí hạn chế phương tiện cũng sẽ tạo nên tác động tiêu cực là một số cá nhân phải chịu thêm các khoản phí.

Bộ GTVT cho rằng việc giao cho các Trung tâm đăng kiểm, Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở GTVT thu phí của xe ôtô và các địa phương thu phí với xe máy là khả thi vì trên thực tế các cơ quan này nắm chắc được số lượng xe. Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính lùi thời hạn thu phí với xe mô tô ít nhất sau 6 tháng so với ôtô.

Theo đó, mức phí hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến cơ bản giữ nguyên như tờ trình về phí lưu hành trước đây, chỉ khác mức thu năm sau được tính tăng 5% so với năm trước liền kề (trước đây đề xuất là 10%). Cụ thể, xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 được áp mức 20 triệu đồng/năm. Ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp mức 30 triệu đồng/năm và 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.

Mức thu đối với xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 là 500 nghìn đồng và 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

Nhận định về tính khả thi trong việc hạn chế phương tiện, Bộ GTVT cho rằng, với mức phí đề xuất sẽ có một bộ phận người dân đủ khả năng mua được ôtô cá nhân nhưng không chịu nổi mức phí phải đóng hàng năm. Khi đó, họ sẽ phải lựa chọn loại phương tiện khác để thay thế. Do vậy, hoàn toàn có tính khả thi trong việc hạn chế gia tăng xe cá nhân.

Thành Chung