Tiền khám công đắt gấp 4 lần bệnh viện tư

20/11/2012 06:35
Trần Đức Giang/vnexpress
Con trai 5 tuổi của tôi đi khám bệnh hẹp bao quy đầu ở một bệnh viện trung ương hết 600.000 đồng nhưng không khỏi, qua một bệnh viện tư chỉ hết 150 nghìn đồng.

Hiện nay rất nhiều bệnh viện lạm thu, người dân đang phải gánh nhiều khoản phí chữa bệnh vô lý nhưng không được hưởng các dịch vụ tương xứng với tiền bỏ ra.

Một ví dụ để có thể nhận thấy mức thu kinh khủng từ việc khám chữa bệnh.

Tại khoa “Tự nguyện hạng A ” của một bệnh viện cấp trung ương:

- Chi phí khám bệnh: 600.000 đồng/lần (tương đương với tiền khám tại một số bệnh viện quốc tế). Thời gian khám trung bình 5-10 phút. Có thể tính ngay là nếu 1 ngày một bác sĩ khám được khoảng 50 bệnh nhân, bệnh viện thu về 30 triệu đồng (chưa kể các khoản tiền do các xét nghiệm vô lý, không cần thiết gây ra).

Viện phí cao nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Ảnh: DC Tuân
Viện phí cao nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Ảnh: DC Tuân

Với lượng bệnh nhân như hiện nay, nếu “làm” liên tục ngày 8 tiếng (1 tiếng 6 bệnh nhân), 1 tháng 20 ngày thì ai cũng tính ra ngay 1 bác sĩ khoa tự nguyện A trung bình sẽ “đóng góp” cho bệnh viện khoảng 600 triệu mỗi tháng chỉ riêng tiền khám (tôi chẳng hiểu tiền này đi đâu và ai được hưởng).

Tuy nhiên dịch vụ mà người bệnh nhận được là gì? Trường hợp cụ thể của tôi:

Con tôi 5 tuổi, tháng trước bị sưng tấy đỏ ở dương vật. Cháu bị hẹp bao quy đầu nên gia đình đoán là viêm do nhiễm khuẩn.

Tôi cho cháu vào viện khám, do quá mệt mỏi và chán với cảnh xếp hàng tranh nhau nộp tiền và thái độ gắt gỏng của bác sĩ nếu khám “tự nguyện bình thường,” nên tôi cho cháu khám tại khoa “Tự nguyện hạng A”. Tôi đăng ký khám và được nộp tiền rất nhanh.

Bác sĩ khám, sau 2 phút nghe người nhà trình bày, cho cháu đi làm một loạt xét nghiệm kèm “siêu âm ổ bụng” đã kết luận là cháu “bị côn trùng đốt” cho thuốc bôi và cho về.

Sáng hôm sau, dương vật của cháu sưng to hơn rất nhiều. Tôi hoảng quá, mang cháu vào khám lại thì được bệnh viện nói chờ bác sĩ. Tôi xin số di động của bác sĩ khám thì “đội ngũ phục vụ” bảo không được phép cho, nên tôi đành ngồi đợi.

Sau 2 tiếng chờ bác sĩ “chạy ra ngoài”, tôi không chịu được đành phải bỏ về và cho cháu ra ngoài viện tư khám lại hết 150.000. Không cần xét nghiệm họ cũng chuẩn đoán cháu vị viêm do hẹp bao quy đầu và cho uống kháng sinh 3 hôm thì khỏi!

Tôi bức xúc có gọi điện phản ánh cho “người quản lý” bệnh viện thì cũng chẳng nhận được lời xin lỗi nào tử tế.

Sau một tuần cháu khỏi hẳn, nghe bạn bè và người thân giới thiệu, tôi cho cháu nhà tôi vào khám để cắt bao quy đầu tại một bệnh viện quốc tế.

Cũng với số tiền khám 600.000/lần thì phong cách khám và phục vụ khác một trời một vực về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, đội ngũ bác sĩ và y tá phục vụ...

Hiện nay tôi thấy nhiều bệnh viện nhà nước do quản lý yếu kém, lúc nào cũng đòi tăng thu và nghĩ ra đủ các loại dịch vụ nhằm thu thêm tiền (thực tế là có bệnh viện tự tạo ra quá tải để thu và ép buộc bệnh nhân lựa chọn các dịch vụ không xứng với đồng tiền bỏ ra, các bác sĩ và y tá cũng lợi dụng sự quá tải để đòi tiền bệnh nhân).

Tôi nghĩ đã đến lúc người dân nên tỉnh táo khi sử dụng các dịch vụ tại các bệnh viện, đừng để tiền mất tật mang.

Trần Đức Giang/vnexpress