Tỉnh Hưng Yên còn để ông Dương Phan Cường lộng quyền đến bao giờ?

09/08/2017 07:29
XUÂN QUANG - TRINH PHÚC
(GDVN) - Những lùm xùm tại Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) chưa được giải quyết dứt điểm có trách nhiệm của các cơ quan quản lý...

Lộ rõ ý đồ thâu tóm Đại học Chu Văn An của ông Dương Phan Cường

Sẽ không quá lời khi nói rằng, Đại học Chu Văn An là đơn vị đào tạo kỳ lạ nhất Việt Nam.

Theo đó, 5 năm liền (từ 2012-2017) trường này không có Hiệu trưởng, và hiện tại không có Hội đồng quản trị…

Thay vào đó, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Chu Văn An Dương Phan Cường từng bị nhóm cổ đông sở hữu 72,95% vốn góp "phế truất" cách đây không lâu đứng ra lãnh đạo nhà trường với tư cách Bí thư Đảng ủy nhà trường.

Thậm chí tới nay, Hội đồng quản trị đã hết nhiệm kỳ nhiều tháng, cơ sở giáo dục này vẫn không Đại hội cổ đông và bầu Hội đồng quản trị mới.

Trong khi đó các thành viên Hội đồng quản trị sáng lập Đại học Chu Văn An bị xóa tư cách, đẩy ra đường một cách không thương tiếc...

Trong khi đó, ông Dương Phan Cường trên cương vị là Bí thư Đảng ủy trường này tiếp tục dùng mánh khóe tinh vi nhằm thâu tóm trường Đại học này. 

Đại học Chu Văn An. Ảnh: www.cvauni.edu.vn.
Đại học Chu Văn An. Ảnh: www.cvauni.edu.vn.

Những khẳng định trên là có cơ sở, khi ông Cường cố tình phủ nhận tư cách của các cổ đông chiếm 72,95% vốn điều lệ, đồng thời tìm mọi cách tăng số cổ đông bất hợp pháp thông qua việc cho tặng một lượng vốn, chia nhỏ nhiều người.

Tính tới tháng 6/2017, danh sách thành viên góp vốn ông Cường có danh sách cung cấp cho phóng viên (trong khi 80% thành viên Hội đồng quản trị và cổ đông chiếm 72,95% vốn góp không được biết danh sách này) đã lên tới 54 thành viên và tổng vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ đồng.

Trên thực tế vốn điều lệ nhà trường hiện nay đã hơn 30 tỷ đồng.

Trong số thành viên góp vốn, đa số "cổ đông" có tỷ lệ góp vốn chỉ chiếm... 0,066%. Thực tế những cổ đông này chưa hề thông qua Hội đồng quản trị và thông báo tới Đại hội đồng cổ đông.

Ông Dương Phan Cường cho biết, trong số cổ đông nói trên, có nhiều thành phần đủ điều kiện, tiêu chuẩn đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị (Hiệu trưởng, Đại diện ủy ban, Đại diện tổ chức đảng, Đại diện cho các đoàn thể...).

Tiếp đó, tại biên bản họp toàn trường Đại học Chu Văn An, ngày 25/5/2017, toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường Đại học Chu Văn An thống nhất kiến nghị (bất hợp pháp) Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Thành ủy thành phố Hưng Yên về việc thực hiện quy trình công nhận Hội đồng quản trị khóa III, nhiệm kỳ 2017 - 2022 trong điều kiện nhà trường còn nhiều phức tạp.

Ông Dương Phan Cường bị nhóm cổ đông sáng lập tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình điều hành hoạt động Đại học Chu Văn An. Ảnh tư liệu đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.
Ông Dương Phan Cường bị nhóm cổ đông sáng lập tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình điều hành hoạt động Đại học Chu Văn An. Ảnh tư liệu đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Như vậy, với việc tặng vốn cho nhiều người, ông Dương Phan Cường cùng nhiều cổ đông đã lộ rõ việc thâu tóm hoàn toàn trường Đại học Chu Văn An, đồng thời đẩy các cổ đông sáng lập, chiếm khoảng 80% vốn điều lệ ra ngoài một cách bất hợp pháp.

Tỉnh Hưng Yên đang "tạo điều kiện" cho ông Cường?

Sự việc trên đã gây nhiều bức xúc cho đại hội đồng cổ đông, đặc biệt là những cổ đông sáng lập và toàn thể Hội đồng quản trị.

Đại hội đồng cổ đông chiếm 72,95% vốn góp nhà trường cho biết, việc làm này của ông Cường là vi phạm quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường và điều lệ trường đại học (Quyết định 70/2014/QĐ-TTg về Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành).

"Điều này là trái nguyên tắc, bởi vì: Theo Điều 17, Luật Giáo dục Đại học: “Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu nhà trường”.

Như vậy, chỉ tập thể Hội đồng quản trị mới có quyền kiểm soát, công nhận việc thực hiện quyền tài sản của nhà trường.

Vì thế khi có cổ đông “hiến tặng vốn góp” buộc phải phải thông qua Hội đồng quản trị và công bố bằng văn bản cho đại hội đồng cỏ đông được biết.

Hội đồng quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị không thể xác nhận chuyển nhượng, hiến tặng vốn góp mà không có nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Nếu ông Cường tự ý chuyển dịch vốn góp (cho dù là của ông ta) cho người khác là vi phạm pháp luật”, một cổ đông sáng lập Đại học Chu Văn An bức xúc.

Tỉnh Hưng Yên còn để ông Dương Phan Cường lộng quyền đến bao giờ? ảnh 3

Bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường chưa được công nhận ở Việt Nam

Cổ đông này cũng cho biết thêm, ông Dương Phan Cường đang vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường và Điều lệ trường Đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, 5 năm nay không quyết toán tài chính, các công trình xây dựng với số tiền vài chục tỷ đồng, không chi trả những quyền lợi chính đáng của cổ đông.

Gần 4 năm không tổ chức họp Hội đồng quản trị theo quy định pháp luật (ba tháng họp 1 lần) bất chấp 80% số thành viên Hội đồng quản trị có đơn yêu cầu triệu tập họp Hội đồng quản trị bất thường.

Việc làm của ông Cường có dấu hiệu khuất tất. Các nhóm cổ đông (43,963%, 72,950% vốn điều lệ) nhiều lần gửi đơn yên cầu ông Cường cung cấp báo cáo tài chính và tài liệu liên quan theo quy định pháp luật (Điều 23 Điều lệ Đại học) nhưng ông Dương Phan Cường không thực hiện.

Các cổ đông cho rằng trong hơn 5 năm qua những thiệt hại do ông Cường cao hơn phần vốn góp của ông ta.

Vậy trong khi chưa thông qua báo cáo tài chính, chưa minh bạch “về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi vốn góp” (Điều 23 Điều lệ Đại học) thì ông Cường không thể “hiến tặng” vốn góp cho dù rất nhỏ.

Bản chất việc ông Cường “hiến tặng” một chút vốn cho nhiều người là một giao dịch dân sự nhằm lôi kéo bè cánh để thâu tóm trường, đẩy các cổ đông sáng lập ra đường.

Ông Cường ngang ngược và trắng trợn tuyên bố: “4/5 thành hội đồng quản trị tính từ cuối 4/2017 đã không còn tư cách hoạt động ở Trường Đại học Chu Văn An nữa”, trong khi ông Cường trốn tránh chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông hết nhiệm kỳ để bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ tới (công văn 889/UBND-NV ngày 29/4/2017 chỉ rõ).

Thay vào đó, ông Cường sử dụng người mà ông ta “hiến tặng” vốn (ông Nghiệp - Phó Hiệu trưởng không đủ tiêu chuẩn), ra quyết định thành lập một “hội đồng” để thay công việc của Hội đồng quản trị, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt của Trường Đại học Chu Văn An tại quyết định số 115/2017/QĐ-CVA ngày 12/6/2017 một cách bất hợp pháp", một cổ đông sáng lập Đại học Chu Văn An phân tích.

Tỉnh Hưng Yên còn để ông Dương Phan Cường lộng quyền đến bao giờ? ảnh 4

Không thể hình dung nổi đây là cơ cấu tổ chức của một trường Đại học

Những "lùm xùm" tại Đại học Chu Văn An xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm đang đẩy cơ sở đao tạo này vào tình trạng bất ổn.

Trước sự việc nêu trên, ngày 8/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho biết, sẽ đưa ra quyết định xử lý dứt điểm những "lùm xùm" tại trường Đại học này trên cơ sở kết luận của tổ công tác, và trên cơ sở tham vấn thêm một số nội dung kết luận trước đó của Thanh tra Chính phủ.

"Vụ việc này cũng đã thanh tra mấy lần rồi, nhưng có những điểm hổng (về mặt pháp luật) nhất định, cho nên cứ đụng bên này lại vướng bên kia. Mấy năm nay trường có tuyển sinh được mấy đâu. 

Khi có thông tin mới từ đoàn thanh tra, chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí", ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, theo một số ý kiến người trong cuộc những “lùm xùm” đang tồn tại ở Đại học Chu Văn An, kéo dài trong nhiều năm chậm được khắc phục có phần trách nhiệm của cả ba cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Thành Ủy thành phố Hưng Yên.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, này cần Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét vai trò, trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan kể cả khi những người này đã nghỉ hưu.

Mặt khác, trong trường hợp vì những lý do nào đó Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên không thể giải quyết dứt khoát những vấn đề báo chí đề cập, các bên liên quan nên nhờ tòa án giải quyết, ở đây bao gồm hai nhóm vấn đề, quyền và lợi ích hợp pháp giữa các cổ đông với nhau là tòa dân sự, cách thức xử lý vụ việc giữa công dân với chính quyền là tòa hành chính.

XUÂN QUANG - TRINH PHÚC