"Tôi chưa thấy khu du lịch nào có những điều vô lý như ở Sầm Sơn"

26/07/2012 14:33
Độc giả Nguyễn Ngọc Sơn
(GDVN) -"Tôi chưa đến tất cả các tỉnh trong nước nhưng cũng đi tương đối nhiều các địa điểm du lịch nghỉ mát nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều vô lý tương tự như ở Sầm Sơn mặc dù đây là quê hương tôi".
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ, mới đây là hai bài viết "Tôi thề sẽ không bao giờ bước chân đến Sầm Sơn lần nữa", Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Không chỉ có độc giả từ các vùng miền khác mà nhiều độc giả tại Sầm Sơn cũng không thể giấu nổi bức xúc.  Gửi thư đến tòa soạn, độc giả Nguyễn Ngọc Sơn đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình về khu nghỉ mát có tiếng của quê hương. 

Dưới đây, tòa soạn xin trích dẫn nguyên văn bức thư tâm huyết của độc giả Nguyễn Ngọc Sơn:
Kính gửi tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đồng kính gửi Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn!
Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở Sầm Sơn. Hiện tại, tôi đang học tập và công tác tại hà nội đã được 10 năm. Tôi xin có vài lời bày tỏ trên quan điểm cá nhân của bản thân mình về những ồn ào về một bộ phận người dân làm du lịch chặt chém trong thời gian qua mang tên quê hương tôi. Qua đây, tôi cũng mong đa phần tất cả những người phục vụ khách du lịch ở Sầm Sơn và những du khách đến nghỉ mát có quan điểm, cách nhìn trung thực và công bằng nhất.
Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Internet)
Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Internet)
Trước hết tôi xin nhận xét về biển Sầm Sơn nói chung và con người cùng các công tác quản lý dịch vụ du lịch tại đây nói riêng.

Về Phong cảnh, bãi biển tự nhiên nơi đây tương đối đẹp. Khoảng cách đi từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến bãi biển này không xa lắm (mất nữa ngày đường) rất phù hợp cho khách du lịch. Không quá xa như các nơi khác như Cửa Lò, Thiên Cầm,...). Đây là một trong những ưu điểm tương đối thuận lợi cho Sầm Sơn. Bên cạnh đó, Sầm Sơn còn có rất nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như đền Đồng Cước, hòn Trống Mái, động Cô Tiên,…
Ở vị trí lãnh đạo như các ông chủ tịch, phó chủ tịch UBND Sầm Sơn sẽ có cái nhìn vĩ mô hơn những người như tôi. Nhưng tôi cũng mạo phạm có những quan điểm riêng khách quan về con người nơi này. Nếu có ý nào không phải mong mọi người bỏ qua. Dù sao cũng là góp ý kiến để cùng nhau phát triển. 

Các lãnh đạo chắc chắn học sâu hiểu rộng, va chạm xã hội nhiều. Đặc biệt, hàng năm vẫn tổ chức các đợt đi nghỉ mát đây đó. Sau mỗi chuyến đi, các vị đã thực sự suy nghĩ về sự phát triển dân trí của Sầm Sơn hay chưa? Cách đối xử với khách hàng của một bộ phận người làm như thế nào chưa?

Và con cái các vị lãnh đạo đi học khắp nơi trên mọi miền đất nước đã bao giờ nghe mọi người phàn nàn về mặt chưa tốt của con người Sầm Sơn chưa? Cũng mong các vị lãnh đạo có những biện pháp cụ thể hơn trong tất cả mọi công tác về giáo dục ý thức con người nói chung và người làm du lịch nói riêng để các dịch vụ được thỏa mãn khách đến hài lòng khách đi.

Về các dịch vụ, tất cả mọi người tham gia hoạt động dịch vụ phục vụ khách hàng đều phải đóng thuế. Tôi không biết là thu thuế bao nhiêu cho mỗi ky ốt, xe điện... nhưng đã kinh doanh thì phải xác định có lãi. Điều này không ai phải bàn cãi. Nhưng kinh doanh năm này, phải nghĩ đến năm sau.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Đến đây tôi xin hỏi mọi người có đồng quan điểm với tôi không? Tôi có một ví dụ nho nhỏ này mọi người xem thế nào? Một quả dừa như hè năm nay niêm yết giá là 30.000 đồng/1 quả, uống trong ky ốt thì không mất tiền ghế, uống dưới bãi thì mất 10.000 đồng tiền ghế. Bản thân tôi là người Sầm Sơn, tôi hỏi chủ quán, thế mua dừa uống nước chẳng lẽ tôi phải đứng để uống à? 
Bãi biển Sầm Sơn (ảnh internet)
Bãi biển Sầm Sơn (ảnh internet)
Tôi chưa đến tất cả các tỉnh trong nước nhưng cũng đi tương đối nhiều các địa điểm du lịch nghỉ mát. Chưa bao giờ thấy điều vô lý tương tự như ở Sầm Sơn. Tại sao không đặt giá 40.000/1 quả dừa, không tính tiền ghế nữa, chẳng ai phàn nàn gì, giá đã rõ ràng như thế. 

Còn vô số các dịch vụ khác như ăn uống, xích lô, chụp ảnh... Dịch vụ điển hình mà tôi muốn nói ở đây là dịch vụ xe điện. Hè năm nay tôi có đưa bạn về nghỉ ớ dưới một số khách sạn có tiếng của Sầm Sơn. Tôi đã rời Sầm Sơn đi học và công tác 10 năm nay rồi. Đến lúc tôi gọi xe điện quen của tôi, những xe điện làm dịch vụ tại khách sạn ấy có lời qua tiếng lại thậm chí là gây gổ với tôi. Tôi chẳng hiểu lý do gì nữa. Không bị chặt chém thì bị hanh hung. Đến cả người bản địa cũng chẳng trừ, thật là thiếu văn hóa.

 Đặc biệt cái vụ 13/7 trên hòn Trống Mái. Tôi chỉ đọc báo thôi nên chưa biết thực hư như thế nào. Nhưng cũng suy nghĩ không có lửa làm sao có khói. Tôi mong có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa để mọi thứ được rõ ràng. 

Ví dụ, như hàng năm chuẩn bị đến hè, vào tầm tháng 2, tháng 3, những ai được UBND thị xã cử đi phục vụ các dịch vụ nghỉ mát sẽ có những đợt đào tạo ngắn hạn, tập huấn ứng xử, văn hóa... thì mới phát triển được. Mong các vị lãnh đạo, các đơn vị có thẩm quyền kiên quyết xử lý những trường hợp cá biệt “con sâu làm rầu nồi canh” như thế. Hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật, không bao che để có một Sầm Sơn phát triển và lành mạnh.

So với những năm ngoái, nhìn chung năm nay tôi thấy Sầm Sơn đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong dịch vụ dù vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Và những người đi du lịch, nghỉ mát ở Sầm Sơn chắc chắn sẽ gặp một vài trường hợp cá biệt là chuyện đương nhiên. Các vị có cùng quan điểm với tôi không?

Nói đi cũng phải nói lại. Ai bảo ở thủ đô Hà Nội này không tồn tại những việc như thế? Mọi người hãy lên phố Trúc Bạch bán lẩu thử xem... Và còn rất nhiều nơi khác cũng rất nhiều tệ nạn đấy chứ?... 

Hãy nhận xét đúng người đúng tội. Không nên đánh đồng tất cả mà ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Du lịch ở Sầm Sơn cũng có rất nhiều người tốt đấy chứ!

Xin chân thành cảm ơn mọi người đã đọc ý kiến của tôi và có những ý kiến nhất định cho riêng mình!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Nguyễn Ngọc Sơn