“Tôi thấy không ở đâu có kiểu 'cò quay' tiền của khách như ở Sầm Sơn”

19/07/2012 06:51
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -"Tôi thấy không ở đâu có kiểu "cò quay" tiền quái gở như Sầm Sơn. Xem bài báo và clip, tôi không chọn Sầm Sơn là chính xác". Độc giả Quang Vinh chia sẻ.
Có lẽ chưa khi nào cái tên Sầm Sơn lại được nhắc đến nhiều như lúc này. Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các ý kiến xung quanh câu chuyện "chặt chém" dịch vụ cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau.

Đã có rất nhiều độc giả gửi đến tòa soạn những ý kiến, suy nghĩ của mình về thực trạng này. Phần lớn bạn đọc đều không mấy thiện cảm với khu du lịch nổi tiếng mà giờ đây đã không còn được yêu thích như xưa.
Sầm Sơn một đi không trở lại.
Bị chặt chém ở khu du lịch Sầm Sơn không chỉ có một hoặc hai trường hợp mà là vô số. Hầu hết những ai đến đây một lần đều không có ấn tượng đẹp và xin kiếu nếu có lần sau. Đã có rất nhiều độc giả kể lại những kỉ niệm khắc cốt ghi tâm khi đến với Sầm Sơn -  khu du lịch được xem là mang đến những điều “khác biệt”.

Cảnh chặt chém khách tại bãi biển Sầm Sơn (Ảnh cắt từ clip)
Cảnh chặt chém khách tại bãi biển Sầm Sơn (Ảnh cắt từ clip)
Độc giả Phùng Đình Thiện chia sẻ: “Làm du lịch kiểu như Sầm Sơn sẽ không khá lên được. Hè năm ngoái (2011), đoàn chúng tôi có đi nghỉ mát ở Sầm Sơn và cũng đến thăm hòn trống mái. Khi đó hai em gái trong đoàn có dùng điện thoại di động chụp hình của hoàn trống mái. Khi chụp xong, có người ra kiểm tra điện thoại, trong ảnh cứ có một hình là họ thu tiền 10.000đ/ 1 hình nộm, bức ảnh mà có 2 hình nộm thì họ thu 20.000đ... Mà ở đó, họ trưng bày kín các loại hình nộm (Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Bát Giới...). Sau một hồi tranh cãi và có sự can thiệp của nhiều người, cuối cũng các em gái đó vẫn phải nộp tiền, trong khi ảnh trong điện thoại đã xóa đi rồi. Sau đợt đó, nhiều người trong đoàn nói sẽ không bao giờ quay lại Sầm Sơn”. Một độc giả khác cũng đồng tình chia sẻ: “Tôi cũng đã từng đi du lịch ở Sầm Sơn một lần cách đây 7 năm, đi ra biển chụp ảnh thì được mời chào rất nhiệt tình, đến khi chúng tôi khước từ và tự chụp ảnh bằng máy của mình thì bị những người kinh doanh dịch vụ chụp ảnh ở đó lao vào cấm cản, đe dọa, không cho chúng tôi tự chụp ảnh. Chưa kể đến chuyện đi ăn đi uống bị chặt chém, làm cho du khách chúng tôi có cảm giác cứ như mình bị lừa đảo. Từ đó đến giờ, chỉ cần nhắc đến đi Sầm Sơn là tôi lại có cảm giác rợn rợn người vì thái độ của những người "làm du lịch" ở Sầm Sơn. Từ đó
đến nay, cứ mỗi lần có ai rủ đi Sầm Sơn là tôi phải xin phép vắng mặt. Và cũng chân thành khuyên nhủ bạn bè không nên đi du lịch ở đây. Đúng là du lịch ở Sầm Sơn mang lại cảm giác rất “khác biệt”… 
Còn độc giả với địa chỉ email quangvinh@... thì khẳng định: Ý kiến của mọi người như vậy là chính xác, tôi thấy không ở đâu có kiểu cò quay tiền quái gở như ở Sầm Sơn... Tôi vừa cùng gia đình đi Nha Trang, không phải tất cả dịch vụ nào cũng đều hoàn hảo, nhưng thái độ phục vụ thì không chê vào đâu được. Xem bài báo và đoạn clip, tôi thấy mình không chọn Sầm Sơn là chính xác”. 
Với cách “tiếp đón” hiếm có như trên có lẽ Sầm Sơn đang mất đi lượng lớn khách du lịch và mất dần hình ảnh là một trong những nơi nghỉ mát hàng đầu ở Việt Nam. 
"Con sâu làm rầu nồi canh"
Cách hành xử thiếu văn hóa của những người được xem là “làm du lịch” đã khiến không ít những người "đồng hương" của mình phải xấu hổ thay. Là một người con của xứ Thanh, độc giả có địa chỉ email kaka@... chia sẻ: “Mình là một người con xứ Thanh, nhưng xấu hổ quá. Tại sao đến thời buổi này vẫn còn có những người làm du lịch theo kiểu như vậy chứ. Một địa danh du lịch đang bị bôi xấu chỉ vì mấy con người ích kỉ, hám lợi,...”
Độc giả Hoàng Sơn cũng đồng tình: “Tôi cũng là một người dân Thanh Hóa và cảm thấy thật đáng xấu hổ với những gì mà một bộ phận người làm du lịch tại Sầm Sơm đã hành xử như trong bài viết này. Chính những người như thế đang làm mất đi nhiều hơn hình ảnh của con người xứ Thanh. Thật đáng buồn vì sự quản lý yếu kém của các ban ngành chính quyền có liên quan”. 

Hòn Trống Mái tại khu du lịch Sầm Sơn (Ảnh: Internet)
Hòn Trống Mái tại khu du lịch Sầm Sơn (Ảnh: Internet)

Bên cạnh một số độc giả tỏ rõ sự miệt thị, phẫn nộ như: “Những người làm du lịch ở Sầm Sơn mà có suy nghĩ chặt chém du khách hãy nghĩ lại đi. Đừng tham lam quá mà khổ sau này hay giống như truyện “Con gà đẻ trứng vàng”. Hay độc giả tên Trần cho biết: “Câu chuyện này lại làm tôi liên tưởng đến chuyện tếu về một người nhà quê lên tỉnh ngước mắt nhìn tòa nhà 17 tầng, bỗng nhiên một thằng bảo vệ ra đòi tiền. Nhìn mỗi tầng là 10 nghìn nên người nhà quê nói là mới nhòm được 5 tầng thôi và đưa 50 nghìn. Tởm đến già!”. 
Cũng có một số độc giả tỏ thái độ cảm thông. Độc giả Vũ Năm chia sẻ: “Thật đáng buồn cho ngành du lịch của Thanh Hóa nói riêng và ngành du lịch của Việt Nam nói chung. Chặt chém, thiếu chuyên nghiệp là chuyện thường xuyên xảy ra ở tất cả các khu du lịch chứ không riêng gì Sầm Sơn”.
Dẫu biết rằng chặt chém và thiếu chuyên nghiệp là điểm chung của hầu hết các khu du lịch hay nghỉ mát ở Việt Nam. Tuy nhiên nhìn lại, việc cò quay giá cả như ở Sầm Sơn là thực trạng có lẽ là chưa đâu có. Như một số độc giả đã nhận xét, phải chăng đó chính là điều đã mang lại nét “khác biệt” cho khu du lịch này?
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn "chặt chém" trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Hương Trà (tổng hợp)