Trưởng khoa “nợ” bằng Tiến sĩ 4 năm chưa nộp cho trường

05/10/2017 13:30
Tấn Tài
(GDVN) - Dù báo cáo đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ và trở về nước công tác, bổ nhiệm lên chức vụ Trưởng khoa gần 4 năm nay nhưng giảng viên này vẫn chưa nộp bằng.

Nhà trường đã nhiều lần họp và “đòi” bằng Tiến sĩ của ông Trần Minh Thảo - Trưởng khoa Công nghệ Hóa học thuộc trường Cao đẳng công nghệ - Đại học Đà Nẵng, nhưng người này vẫn dây dưa, xin “khất” nhiều lần.

“Nợ” bằng Tiến sĩ

Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng đã xác nhận sự việc trên.

Phiếu chuyển tiền để hoàn thành khoản học phí ở Úc nhằm lấy bằng Tiến sĩ mà ông Thảo cung cấp cho nhà trường. Ảnh: TT
Phiếu chuyển tiền để hoàn thành khoản học phí ở Úc nhằm lấy bằng Tiến sĩ mà ông Thảo cung cấp cho nhà trường. Ảnh: TT

Theo hồ sơ cán bộ, ông Trần Minh Thảo về công tác tại Khoa Công nghệ Hóa học từ năm 2004, sau đó được cử đi học nước ngoài (Tiến sĩ) theo đề án 322 (Đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) vào năm 2009.

Theo đó, ông Thảo làm luận án Tiến sĩ tại trường Đại học University of New South Wales – UNSW (Úc). Đến tháng 10/2013, ông Thảo về nước báo cáo đã hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ ở UNSW.

Trưởng khoa “nợ” bằng Tiến sĩ 4 năm chưa nộp cho trường ảnh 2

Tại sao chưa có chuẩn năng lực tối thiểu cho đội ngũ giảng viên đại học?

Lúc này, hồ sơ ông Thảo đang do Đại học Đà Nẵng quản lý nên Ban tổ chức cán bộ (thuộc Đại học Đà Nẵng) phân công ông về trường Cao đẳng Công nghệ công tác.

“Lâu nay, nghiên cứu sinh sau khi học từ nước ngoài trở về tuỳ từng trường ở nước ngoài thì khoảng 6 tháng đến 1 năm sẽ nhận được bằng Tiến sĩ”, thầy Thọ cho biết.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2014 (một năm sau), ông Thảo vẫn chưa nộp bằng Tiến sĩ cho Đại học Đà Nẵng.

Khi thông tư 08/2014/TT-BGDDT ban hành năm 2014 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên thì hồ sơ cán bộ của ông Thảo được chuyển xuống cho Trường Cao đẳng công nghệ Đà Nẵng quản lý.

Năm 2015, nhà trường mới nhận bàn giao hồ sơ của ông Thảo. Đầu năm 2016, Đại học Đà Nẵng yêu cầu các trường thành viên tiến hành rà soát các bằng cấp, chứng chỉ của cán bộ, giảng viên.

Qua đó, nhà trường phát hiện ông Thảo còn nợ bằng Tiến sĩ chưa nộp.

“Khi phát hiện anh Thảo nợ bằng Tiến sĩ, nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở nhưng anh cứ ‘khất’ hết lần này sang lần khác.

Khi trường làm quyết liệt thì anh có nói là sẽ thu xếp để trực tiếp sang Úc lấy bằng vì gửi về sợ thất lạc. Nhưng đến giờ vẫn chưa có”, thầy Thọ cho biết thêm.

Đến tháng 5 vừa rồi, nhà trường tiếp tục “đòi bằng” Tiến sĩ thì anh Thảo có giải trình rằng, do năm thứ 4 anh phải tự túc đóng học phí  (quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đi học 4 năm nhưng chỉ được cấp học phí 3 năm) nên trường đại học UNSW (Úc) yêu cầu phải nộp thêm 16.320 đô Úc nữa mới cấp bằng Tiến sĩ.

Sau đó anh Thảo có làm thủ tục xin giảm khoản tiền phí trên nhưng chưa được trường đồng ý.

“Vừa rồi, trường làm quyết liệt và cách đây hai tuần thì anh Thảo thông báo đã chuyển khoản số tiền trên và đang chờ lấy bằng”, thầy Thọ cho biết.

Có lỗi của phòng tổ chức cán bộ

Liên quan đến việc bổ nhiệm chức vụ trưởng khoa của ông Thảo, thầy Thọ cho biết, trước khi đi học Tiến sỹ, ông Thảo có trình độ Thạc sĩ (ông Thảo học Thạc sỹ Công nghệ Môi trường ở Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) – Thái Lan), giữ chức Phó Trưởng khoa Công nghệ Hoá học.

Thư chúc mừng được cho là của Đại học University of New South Wales – UNSW (Úc) về việc hoàn thành bằng Tiến sĩ gửi cho ông Thảo năm 2013.
Thư chúc mừng được cho là của Đại học University of New South Wales – UNSW (Úc) về việc hoàn thành bằng Tiến sĩ gửi cho ông Thảo năm 2013.

Nên khi trở về trường vào đầu tháng 3/2014, ông được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Trưởng khoa.

Đến tháng 10/2014, khi trưởng khoa cũ nghỉ hưu nên nhà trường đã tiến hành đầy đủ các bước của quy trình bổ nhiệm Trưởng khoa tiếp tục nhiệm kỳ 2010-2015.

Và ông Thảo đã được bổ nhiệm Trưởng Khoa Công nghệ Hoá học tiếp tục nhiệm kỳ 2010-2015.

Trưởng khoa “nợ” bằng Tiến sĩ 4 năm chưa nộp cho trường ảnh 4

Lãnh đạo Bộ Giáo dục lên tiếng vụ "lò ấp" tiến sĩ, thạc sĩ

Tháng 10/2015, khi hết nhiệm kỳ (theo nhiệm kỳ Hiệu trưởng) nên ông Thảo được bổ nhiệm lại vào vị trí trưởng khoa Công nghệ Hóa học nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong các quyết định nói trên vẫn ghi ông Thảo là Tiến sĩ. Mọi chế độ, chính sách tiền lương hay xưng danh khi đi giảng dạy vẫn “hiểu” ông Thảo là Tiến sĩ.

Thầy Thọ cũng cho biết, để xảy ra sự việc này một phần cũng có lỗi của bộ phận Tổ chức cán bộ khi không kịp thời rà soát, đốc thúc ông Thảo nộp bằng.

Đáng lẽ ra, việc này phải hoàn tất từ thời điểm sau khi anh Thảo ở Úc về sau một năm chứ không phải đợi đến năm 2016 (đợt rà soát bằng cấp) mới phát hiện ra.

Về việc bổ nhiệm của anh Thảo vào vị trí lãnh đạo khoa, thầy Thọ khẳng định rằng nhà trường đã làm đúng quy trình và bản thân ông Thảo cũng được tín nhiệm rất cao ở các bước.

Ngoài ra, theo điều lệ trường Cao đẳng thì tiêu chuẩn trưởng khoa yêu cầu là Thạc sĩ trở lên.

Theo biên bản giải trình của ông Thảo (gửi Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường ngày 4/10) thì đặc điểm đào tạo ở Úc là chỉ nộp luận văn (sau khi đã được các giáo viên hướng dẫn đồng ý) chứ không bảo vệ.

Tiếp theo, hai phản biện từ nước ngoài (không phải từ Úc) sẽ xem xét, sửa chữa và đồng ý. Lúc này mới coi như hoàn thành.

Do đó, sau khi nộp luận văn, ông Thảo đã về Việt Nam ngay. Mọi việc chỉnh sửa luận văn theo yêu cầu của hai giáo viên phản biện cũng được thực hiện tại Việt Nam.

“Tôi đã nộp bản chỉnh sửa và đã được các giáo viên hướng dẫn và trường đồng ý cho tốt nghiệp (có văn bản đính kèm). Tuy nhiên, do còn nợ học phí nên trường chưa cho nhận bằng (có văn bản về việc nợ học phí đính kèm).

Tôi dự định khi về nước sẽ dành dụm tiền để trả phần nợ học phí này. Sau khi về nước, tôi trình diện Đại học Đà Nẵng và trường Cao đẳng Công nghệ” (trích bản giải trình).

Ngày 3/10, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Công nghệ làm việc với ông Thảo và yêu cầu giải trình về tiến độ trả nợ học phí và tiến hành các thủ tục để chuyển bằng về.

“Việc trả nợ học phí chậm trễ, dẫn đến việc chậm nộp bằng là do tình hình khó khăn về tài chính của tôi sau khi về nước. Ngoài ra, cuộc sống gia đình của tôi gặp chuyện trục trặc nên cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thanh toán nợ học phí.

Cho đến hôm nay, tôi đã hoàn tất các thủ tục về nợ học phí và đang chờ phía trường Đại học New South Wales, Úc chuyển bằng về. Trên đây là toàn bộ giải trình của tôi về việc chậm nộp bằng Tiến sỹ” (ông Thảo giải trình).

“Ông Thảo vừa gửi bản giải trình toàn bộ về sự việc trên cho lãnh đạo nhà trường bằng văn bản cụ thể, chi tiết về lý do nợ bằng.

Đến giữa tháng 10, ông Thảo sẽ phải cung cấp bằng Tiến sĩ cho trường, nếu không chúng tôi sẽ có phương án xử lý theo quy định”, thầy Thọ khẳng định.

Tấn Tài