Trường trung học phổ thông Cái Tắc ở Hậu Giang nợ bảo hiểm 530 triệu đồng

03/03/2018 08:08
Phương Linh
(GDVN) - Trường trung học phổ thông Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang nợ bảo hiểm xã hội 530 triệu đồng, và hiện đang tìm hướng trả nợ.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh từ một phụ huynh của Trường trung học phổ thông Cái Tắc, huyện Châu Thành A cho biết, lương giáo viên trong tháng 1/2018, phải đến ngày 8/2, họ mới nhận được.

Qua thông tin từ phiên họp hội đồng nhà trường ngày 9/2, cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Cái Tắc mới đề cập tới thông tin, từ năm 2011 đến năm 2017, nhà trường hiện đang nợ bảo hiểm xã hội đến 530 triệu đồng.

Cũng tại cuộc họp này, cô Huệ nói, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chỉ đạo nhà trường phải dùng kinh phí hoạt động các năm về sau để trả nợ phần này.

Phụ huynh và cả các giáo viên của Trường trung học phổ thông Cái Tắc không rõ, nguyên nhân vì sao lại có việc chuyện nợ bảo hiểm xã hội số tiền lớn đến như vậy?

Trường trung học phổ thông Cái Tắc còn nợ bảo hiểm xã hội 530 triệu đồng (ảnh: FB trường)
Trường trung học phổ thông Cái Tắc còn nợ bảo hiểm xã hội 530 triệu đồng (ảnh: FB trường)

Nếu có thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm việc này? Việc chỉ đạo thực hiện của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đối với trường như vậy là đúng hay sai?

Việc nợ bảo hiểm xã hội có rất nhiều nguyên nhân

Ngày 2/3, thông qua ông Võ Thanh Mộng – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nói chuyện được với ông Trần Quang Khang – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính của Sở về việc này.

Trước tiên, ông Trần Quang Khang đã xác nhận, hiện Trường trung học phổ thông Cái Tắc hiện vẫn còn đang nợ tiền bảo hiểm xã hội 530 triệu đồng, giống như phụ huynh đã phản ánh.

Về nguyên nhân của nợ bảo hiểm số tiền lớn như vậy, ông Khang giải thích do có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan, cụ thể là khi giáo viên tới thời điểm được nâng lương (ví dụ là tháng 10) mà chưa được cập nhật ngay với bảo hiểm (tới tháng 6 năm sau mới cập nhật).

Sau đó vài tháng mới được cập nhật lại, giáo viên thì lương được truy lĩnh, nhưng bảo hiểm lại được tính từ tháng 10, chứ không phải tới tháng 6 mới tính.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng đã họp mấy lần về vấn đề này, đưa ra chủ trương là trước mắt, sẽ cho trường thanh toán nợ gốc, còn lãi thì đang tổng hợp lại, báo cáo tỉnh sau.

Về việc dùng kinh phí hoạt động các năm về sau để trả nợ phần này, ông Trần Quang Khang nói, việc chỉ đạo này là có.

Theo ông Khang, do hiện nay phần các trường này kinh phí hoạt động đều tự chủ, còn dư thì hưởng hoặc mang sang năm sau.

Trước đây thì những trường này được Nhà nước cấp 100% kinh phí lương và các khoản theo lương, chưa chuyển cho giáo viên thì vẫn còn đó.

Vấn đề khó khăn ở đây, ông Trần Quang Khang cho rằng, chính là cái phần lãi thôi, chứ phần nợ gốc thì không sao hết.

Hiện tỉnh vẫn đang tiến hành họp, rà soát lại, rồi chờ Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.

Phương Linh