Vì sao chủ đầu tư Sakura thảm thiết xin giải thể?

23/05/2014 06:57
Duy Phong
(GDVN) - Có bằng chứng cho thấy, chủ đầu tư tòa nhà Sakura Tower - 47 Vũ Trọng Phụng không phải là Hùng Tiến Kim Sơn mà là một doanh nghiệp lớn khác.

Ai đứng sau Sakura?

Trong một văn bản phát đi gần đây, Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn cho biết: "Để tránh hiểu lầm, nhân đây chúng tôi cũng nói rõ: Alphanam là khách hàng thuê lại các tầng văn phòng tại Tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng để đối trừ công nợ khi tham gia là nhà thầu xây dựng Tòa nhà với Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn, hiện Alphanam không phải là cổ đông của công ty".

Giám đốc của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn Nguyễn Trần Đại hiện là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Alphanam.
Giám đốc của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn Nguyễn Trần Đại hiện là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Alphanam.

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, trong một thông báo phát đi từ trang web của Alphanam Group (Công ty CP Đầu tư Alphanam) ghi rõ: Alphanam đang có các dự án trụ sở, nhà máy cho thuê hoặc hợp tác đầu tư kinh doanh: Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn – Thành viên Alphanam chủ đầu tư dự án Sakura Tower – 47 Vũ Trọng Phụng đang cần bán hoặc cho thuê 4 tầng văn phòng tại tòa nhà.

Ngoài ra, Giám đốc của Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn Nguyễn Trần Đại hiện là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Alphanam.

Thảm thiết xin giải thể để “trốn trách nhiệm”?

Việc Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn phát đi thông tin chủ đầu tư tòa nhà Sakura Tower không phải là Alphanam có phải một cách để Alphanam dễ dàng trốn tránh trách nhiệm?

Trên website của Alphanam Group phát đi thông tin "Công ty Hùng Tiến - Kim Sơn là thành viên của Alphanam" và "Alphanam là chủ đầu tư Sakura".
Trên website của Alphanam Group phát đi thông tin "Công ty Hùng Tiến - Kim Sơn là thành viên của Alphanam" và "Alphanam là chủ đầu tư Sakura".

Bởi, trong văn bản ngày 08/5/2014 gửi UBND quận Thanh Xuân của Hùng Tiến Kim Sơn có nội dung: "Trước tình hình kinh tế hết sức khó khăn, để tránh gây mất ổn định an ninh xã hội, kiện tụng kéo dài, tránh gây thiệt hại cho 200 hộ dân sinh sống tại tòa nhà, kính mong các ban ngành tạo điều kiện để Công ty Hùng Tiến Kim Sơn có thể tồn tại thêm một thời gian nữa, hoàn thành trách nhiệm giải quyết thủ tục làm sổ đỏ cho các hộ dân trước khi dừng hoạt động để giải thể công ty".

Vậy nếu Hùng Tiến Kim Sơn giải thể, ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi tự ý chuyển đổi công năng. Hàng chục khách hàng nếu mua vào những căn hộ vốn thiết kế là “sàn kỹ thuật” sẽ phải khiếu nại ai? Ai bồi thường cho họ?

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin trước đó, trong văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân, chủ đầu tư đã công khai thừa nhận: ...Thay đổi công năng sử dụng gồm: 1. Tầng kỹ thuật 1 (tầng 3B): Diện tích sử dụng là 1.112,7m2 để bố trí văn phòng làm việc của công ty. Tầng kỹ thuật 2 (tầng 12B): Diện tích sử dụng 1.164,4m2 để bố trí các căn hộ nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty hoặc cho thuê.

Không chỉ thay đổi công năng tầng kỹ thuật, chủ đầu tư còn thay đổi thiết kế tầng penthouse (căn hộ thông tầng) và tầng mái. Chủ đầu tư thừa nhận: “Từ thiết kế ban đầu là các căn hộ cao cấp, diện tích rộng, thông tầng penthouse thành các sản phẩm độc lập, chia nhỏ thành các căn hộ có diện tích phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường…”.

Ngày 09/5/2014, Văn phòng UBND TP.Hà Nội có Văn bản số 2587/VP-QHXDGT về việc “Xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo phản ánh của Báo Giáo dục Việt Nam ngày 07/5/2014”. Nội dung văn bản của UBND TP.Hà Nội ghi rõ: Ngày 07/5/2014, Báo Giáo dục Việt Nam có bài: “Ai đang chống lưng cho chủ đầu tư Sakura”. Văn phòng UBND Thành phố đề nghị: Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân khẩn trương kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; có văn bản phúc đáp Báo Giáo dục Việt Nam và báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 20/5/2014. Tuy nhiên, đến nay (23/5), UBND quận Thanh Xuân vẫn chưa có văn bản phúc đáp Báo Giáo dục Việt Nam.

 

 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Duy Phong