Vì sao hoãn phiên tòa vụ án "người sống được giám định như người đã... chết"?

30/06/2016 10:16
Hải Ninh
(GDVN) - TAND tỉnh Hưng Yên đã phải hoãn phiên tòa phúc thẩm để triệu tập giám định viên nhằm làm rõ việc áp dụng thông tư của Bộ Y tế trong quá trình kết luận...

Sáng 28/6/2016, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án Cố ý gây thương tích do các bị cáo có kháng cáo.

Sau phần mở đầu phiên tòa, trên cơ sở xem xét yêu cầu của các bị cáo, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và luật sư bào chữa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập giám định viên tham gia phiên tòa.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Văn Lâm có nhiều điểm mâu thuẫn, chưa được làm rõ.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Văn Lâm có nhiều điểm mâu thuẫn, chưa được làm rõ.

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, đêm ngày 04/9/2014, tại thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ việc như sau:

Do có mâu thuẫn từ trước, một nhóm thanh niên 4 người gồm Khương Văn Sơn, Lê Trung Kiên, Nguyễn Văn Hùng và Trần Lâm đã sử dụng gậy tròn, nhẵn đánh anh Hoàng Văn Tuân (trong đó Khương Văn Sơn không tham gia đánh mà chỉ là người lái xe taxi chở 3 thanh niên còn lại), làm anh Tuân bị thương ở vùng đầu được người dân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phố Nối để băng bó vết thương.

Ngày 05/9/2014, anh Tuân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện TW Quân đội 108 đến ngày 11/9/2014 thì được ra viện.

Ngày 22/7/2015, anh Tuân có đơn gửi Cơ quan điều tra Công an huyện Văn Lâm đề nghị xem xét, xử lý các đối tượng đã gây thương tích cho mình.

Ngày 06/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Văn Lâm đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 100/CQĐT, đề nghị Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) xác định: 1) Tỷ lệ phần trăm thương tích, và 2) Cơ chế hình thành vết thương.

Ngày 24/8/2016, Viện Khoa học hình sự ra bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) xác định: “Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Hoàng Văn Tuân tại thời điểm giám định là 32%; cơ chế hình thành thương tích: Vết thương vùng đỉnh của anh Tuân do vật sắc tác động gây nên”.

​Tại bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) cũng ghi rõ: Thời gian giám định là từ ngày 06/8/2015 đến ngày 21/8/2015.

Như vậy, việc giám định được thực hiện sau gần 1 năm kể từ ngày xảy ra sự việc anh Tuân bị đánh.

Trên cơ sở kết quả giám định, Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Lâm đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Khương Văn Sơn, Lê Trung Kiên, Nguyễn Văn Hùng và Trần Lâm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Sau đó, VKSND và TAND huyện Văn Lâm đã căn cứ bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) nêu trên để truy tố và tuyên bố các bị cáo Khương Văn Sơn, Lê Trung Kiên phạm tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Điều đáng nói là tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Phương (Văn phòng Luật sư Trường Phát, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - người bào chữa cho các bị cáo đã chỉ ra nhiều vấn đề chưa rõ ràng, không chính xác, không khách quan và có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bản Kết luận giám định về tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại, đồng thời đề nghị HĐXX triệu tập các giám định viên tham gia phiên tòa để làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn của kết luận giám định nhưng đã không được HĐXX chấp thuận.

Cho rằng bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) nêu trên là không chính xác, không khách quan dẫn đến làm sai lệch đặc biệt nghiêm trọng đến tỷ lệ thương tích của người bị hại, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề trách nhiệm hình sự của các bị cáo nên Khương Văn Sơn và Lê Trung Kiên đã kháng cáo, đề nghị TAND tỉnh Hưng Yên xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Văn bản thừa nhận có sai sót của cơ quan giám định đã thể hiện phần nào những bất cập, tính thiếu chính xác trong quá trình thực hiện, áp dụng điều luật.
Văn bản thừa nhận có sai sót của cơ quan giám định đã thể hiện phần nào những bất cập, tính thiếu chính xác trong quá trình thực hiện, áp dụng điều luật.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Phương, liên quan đến hoạt động giám định pháp y, ngày 12/6/2014 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BYT quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể (TTCT) sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (Thông tư 20).​

Tại Điều 2, Thông tư 20 quy định về nguyên tắc giám định như sau:

“1. Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT phải được thực hiện trên đối tượng cần giám định, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT được thực hiện qua (trên) hồ sơ trong trường hợp người cần được giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Khi giám định qua hồ sơ, tỷ lệ % TTCT được xác định ở giới hạn thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tỷ lệ % TTCT được xác định tại thời điểm giám định”.

Pháp luật đã có quy định cụ thể và rõ ràng như vậy, nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý mà dường như các giám định viên đã không tuân thủ đúng những quy định đó, dẫn đến làm sai lệch đặc biệt nghiêm trọng về tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Hoàng Văn Tuân, làm ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Cụ thể, khi tiến hành giám định, anh Hoàng Văn Tuân có mặt để các giám định viên giám định trực tiếp. Như vậy, trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Thông tư 20 các giám định viên chỉ được phép lấy kết quả giám định thông qua phương pháp khám trên cơ thể nạn nhân (khám giám định) để đưa ra kết luận về tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân.

Việc nghiên cứu hồ sơ (đọc bệnh án tóm tắt, các phim chụp CTS canner, các phim chụp Xquang được chụp trước thời điểm giám định 1 năm - chụp từ tháng 9/2014) chỉ có giá trị trong việc định hướng cho việc khám giám định, không có ý nghĩa trong việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân.

Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) thể hiện rõ: Tại thời điểm giám định, khi khám giám định, các giám định viên chỉ phát hiện trên cơ thể anh Hoàng Văn Tuân có 02 vết thương (tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 1% và 8%).

Như vậy, theo quy định của khoản 3, Điều 2, Thông tư số 20 (tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định), các giám định viên chỉ được phép kết luận về tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Hoàng Văn Tuân trên cơ sở tổng hợp tỷ lệ % của 2 vết thương nêu trên (bằng 8,92%, làm tròn là 9%).

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Phương, tại Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) ngày 24/8/2015, các giám định viên đã vi phạm các quy định sau:

1. Vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 2, Thông tư 20: Việc giám định phải được thực hiện trên đối tượng cần giám định. Do đối tượng cần giám định là Hoàng Văn Tuân có mặt trực tiếp để phục vụ việc khám giám định (không thuộc trường hợp chết hoặc mất tích) nên việc giám định phải được thực hiện trên cơ thể của Hoàng Văn Tuân và bằng phương pháp khám trực tiếp. Tuy nhiên, trong trường hợp này các giám định viên lại kết hợp cả giám định bằng việc khám trực tiếp trên cơ thể của Hoàng Văn Tuân với giám định thông qua việc đọc hồ sơ bệnh án là không đúng quy định (như đã nói ở trên, việc đọc hồ sơ bệnh án chỉ có ý nghĩa trong việc định hướng cho việc khám giám định, không có ý nghĩa trong việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân).

2. Vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 2, Thông tư 20: Tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định. Thực tế, tại thời điểm giám định, các giám định viên chỉ phát hiện trên cơ thể Hoàng Văn Tuân có 02 vết thương tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 1% và 8% như đã nêu trên, nhưng các giám định viên lại LẤY THÊM vết thương có tỷ lệ tổn thương 25% chỉ được phát hiện qua việc nghiên cứu hồ sơ bệnh án (đọc bệnh án tóm tắt, các phim chụp CTScanner, các phim chụp Xquang được chụp trước thời điểm giám định 1 năm) là không đúng quy định. Tại thời điểm giám định (tháng 8/2015), khi khám trên cơ thể Hoàng Văn Tuân không phát hiện vết thương này thì không được sử dụng để tính tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân.

3. Vi phạm quy định về việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp nhất quy định tại đoạn 2, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 20 (“Khi giám định qua hồ sơ, tỷ lệ % TTCT được xác định ở giới hạn thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT ban hành kèm theo Thông tư này”). Như đã nói ở trên, trong trường hợp này, các giám định viên chỉ được phép lấy tỷ lệ tổn thương cơ thể từ (các) vết thương phát hiện được khi khám trực tiếp trên cơ thể của Hoàng Văn Tuân tại thời điểm giám định, mà không được phép lấy vết thương phát hiện được khi đọc hồ sơ bệnh án.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp được phép giám định qua hồ sơ (không có quy định nào cho phép kết hợp cả giám định bằng cách khám trên cơ thể người và giám định qua hồ sơ) thì trong trường hợp này, các giám định viên cũng đã vi phạm quy định tại đoạn 2, Khoản 2, Điều 2, Thông tư 20: “Khi giám định qua hồ sơ, tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định ở giới hạn thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư này”. Bởi lẽ, theo quy định tại bảng tỷ lệ % tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư 20, vết thương mà các giám định viên LẤY THÊM từ hồ sơ bệnh án như đã nói ở trên có khung tỷ lệ % tổn thương cơ thể là từ 21% - 25%.

Nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý, ngoài việc LẤY THÊM vết thương từ hồ sơ bệnh án như nói ở trên, các giám định viên còn TIỆN THỂ lấy luôn tỷ lệ % tổn thương cơ thể của vết thương LẤY THÊM đó ở mức cao nhất là 25% (thay vì phải lấy ở mức thấp nhất là 21% như quy định tại đoạn 2 khoản 2, Điều 2, Thông tư 20).

Những vi phạm nghiêm trọng nêu trên của các giám định viên đã làm sai lệch đặc biệt nghiêm trọng về tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại, làm cho kết quả giám định không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án.

Trong vụ án này, theo Luật sư Nguyễn Văn Phương, nếu các Giám định viên thực hiện đúng quy định về nguyên tắc giám định tại Điều 2, Thông tư 20/2014/TT-BYT thì tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của người bị hại chỉ là 9%. Nếu cơ quan giám định thực hiện đúng như vậy, bị cáo Khương Văn Sơn sẽ được miễn xử lý hình sự do người bị hại đã có đơn gửi các cơ quan tiến hành tố tụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Sơn.

Do cơ quan giám định không biết vì vô tình hay cố ý trong việc LẤY THÊM vết thương và lấy luôn tỷ lệ % tổn thương đối với vết thương LẤY THÊM đó ở mức cao nhất nên các bị cáo đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi với khung hình phạt có mức cao nhất là lên đến 15 năm tù.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Phương, việc giám định của cơ quan giám định trong vụ án này là không khách quan, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến kết quả giám định là không chính xác. Do đó, bản Kết luận giám định số 7612/C54(TT1) ngày 24/8/2015 của Viện Khoa học hình sự không thể được sử dụng làm chứng cứ buộc tội các bị cáo.

Hiện nay, vụ án đang được Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên thụ lý, giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Dư luận hy vọng HĐXX cấp phúc thẩm sẽ làm việc một cách công tâm, khách quan để tuyên một bản án đúng pháp luật.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Ninh