Vụ Chủ tịch Hà Nội bị kiện: Dân đã phải đến cửa Tòa án Tối cao

30/06/2014 06:44
Ngọc Quang
(GDVN) - Sau khi bị TAND TP Hà Nội bác đơn kiện Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lượng tiếp tục gửi khiếu nại tới TAND Tối cao.

Trong đơn gửi ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao và ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông Nguyễn Khắc Lượng (đội 12, thôn Hạ, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) phản đối việc Chánh án TAND TP Hà Nội trả lại đơn khởi kiện hành vi hành chính của Chủ tịch TP Hà Nội.

Anh Nguyễn Khắc Kiên (con trai ông Lượng) cho rằng, đối tượng khởi kiện là: Hành vi hành chính của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản thực hiện Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình.

“Hành vi hành chính nêu trên của Chủ tịch UBND TP Hà Nội rõ ràng không hề thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và cũng không phải là hành vi mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức. Do đó, hành vi đó phải thuộc đối tượng giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội”, anh Kiên nói.

Anh Nguyễn Khắc Kiên (con trai ông Nguyễn Khắc Lượng) cho biết, gia đình sẽ kiện tới cùng để đòi lại sự công bằng.
Anh Nguyễn Khắc Kiên (con trai ông Nguyễn Khắc Lượng) cho biết, gia đình sẽ kiện tới cùng để đòi lại sự công bằng.

Ngày 31/12/2007, ông Nguyễn Cao Chí – Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ra quyết định số 6276/QĐ-UBND thu hồi 1014m2 đất của gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng phụ vụ cho dự án xây dựng ga đề-pô tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, nhưng không áp dụng Nghị định số 17/2006/ NĐ-CP ra ngày 27/1/2006. Cùng bị áp dụng sai chính sách trong đề bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án này còn có 40 hộ dân khác ở thôn Hạ (nay thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm).

Anh Kiên cho biết, khi huyện Từ Liêm thu hồi đất để làm ga đề-pô tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đã không giao quyết định thu hồi đất cho gia đình. Điều này dẫn tới việc gia đình anh Kiên và nhiều hộ dân khác cùng trong diện bị thu hồi đất không thể căn cứ vào quyết định thu hồi để tiến hành khởi kiện. Hơn 1 năm sau thì gia đình anh Kiên và các hộ dân mới xin được quyết định thu hồi đất (bản photocoppy). Cũng vì thời hạn đã trôi qua hơn 1 năm nên các cơ quan chức năng ở huyện Từ Liêm đã bác đơn kiện của gia đình anh Kiên cũng như nhiều hộ dân khác, với lý do hết thời hạn khởi kiện.

Tuy nhiên, anh Kiên cho rằng: “Luật quy định thời hạn khởi kiện tính từ khi người dân nhận được quyết định thu hồi đất. Gia đình tôi không được giao quyết định thu hồi, do đó không thể nói là hết thời hạn khởi kiện. Chúng tôi vô cùng bức xúc vì khi khiếu nại lên UBND thành phố Hà Nội thì mới biết tại thời điểm gia đình tôi bị thu hồi đất, Hà Nội lại chưa áp dụng Nghị định 17/2006 của Chính phủ. Điều này được chính ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thông qua quyết định 1818 ngày 21/3/2013. Việc chậm áp dụng Nghị định 17 của Chính phủ đã trực tiếp làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của gia đình chúng tôi và nhiều hộ dân khác cùng thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án”.

Lãnh đạo Hà Nội quá quan liêu?

Cần phải nói rõ, Nghị định số 17/2006 của Chính phủ quy định: “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định của Nghị định này” và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là một trong những người chịu trách nhiệm phải thi hành Nghị định đó. Nghị định không quy định Chủ tịch UBND các tỉnh được quyền quy định thời hạn áp dụng Nghị định khác với thời hạn có hiệu lực của Nghị định như đã nêu trên. 

Như vậy, sau khi Nghị định số 17/2006 nêu trên đã có hiệu lực, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải ban hành ngay quyết định để thực hiện, trong đó có việc thực hiện khoản 4 Điều 4; và cho dù UBND thành phố Hà Nội có ban hành văn bản thực hiện Nghị định đó vào bất cứ thời điểm nào, nhưng văn bản đó vẫn phải được áp dụng từ ngày Nghị định số 17/2006 nêu trên của Chính phủ có hiệu lực pháp luật.

Người nông dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp vẫn phải được được giao đất dịch vụ theo quy định như đã nêu trên, kể từ ngày Nghị định số 17/2006 của Chính phủ đã có hiệu lực pháp luật. 

Anh Nguyễn Khắc Kiên cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc vì ngay trong quyết định 1818 do ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch TP ký trả lời gia đình tôi, đã thể hiện rõ sự quan liêu. Cụ thể, trong quyết định có đoạn: Ngày 17/7/2007, hộ ông Lượng đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Như vậy phương án bồi thường đã được thực hiện trước ngày 1/1/2008 nên không được điều chỉnh, bổ sung theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Quyết định 33/2008/QĐ – UBND ngày 9/6/2008 của UBND TP (có hiệu lực từ 1/1/2008) quy định thực hiện khoản 2 Điều 40 quyết định số 48 Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội….

Gia đình tôi cũng giống như nhiều hộ dân khác đều không nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Từ Liêm mà chỉ được thông báo lên nhận tiền, thậm chí nhận tiền trước cả khi có quyết định thu hồi đất. Thí dụ như gia đình tôi được nhận tiền đề bù từ 17/7/2007, nhưng tới tận ngày 31/12/2007 thì huyện Từ Liêm mới có quyết định thu hồi đất. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy? Đây có phải là cách đánh lừa dân, cố ý lừa cho dân nhận tiền để thành chuyện đã rồi? Tại sao huyện Từ Liêm không giao quyết định thu hồi đất cho dân?”.

Ngày 30/11/2007, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội và thực hiện từ 1/1/2008. Việc ban hành văn bản chậm chễ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng.

Ngày 23/4/2014, bà Mạc Thị Hoa – Phó Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) đã ký văn bản số 84/KtrVB, kết luận: Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đã tiến hành kiểm tra, đồng thời để có thêm cơ sở, Cục đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan liên quan như: Tổng Cục quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Sở Tư pháp TP Hà Nội. Bước đầu nhận thấy rằng, ý kiến phản ánh nêu trên của ông Nguyễn Khắc Kiên (con trai ông Lượng) về quyết định số 137 là có cơ sở.

Cục kiểm tra văn bản đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý nội dung không phù hợp của Quyết định số 137 và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định của Chính phủ.

Ngọc Quang