Vụ "bôi trơn, bán thầu" tại Sông Hồng: Ban Quản lý dự án có "vô can"?

11/06/2014 08:25
Duy Phong
(GDVN) - Tuy phát hiện ra Công ty CP Sông Hồng 36 thuê “thầu phụ” từ cuối tháng 3/2014 nhưng Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh không có biện pháp ngăn chặn.

Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về tình trạng “bán thầu”, “bôi trơn” tại Tổng công ty CP Sông Hồng và Công ty CP Sông Hồng 36, Bộ Giao thông Vận tải đã có ngay quyết định “loại” Sông Hồng khỏi Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk).

Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 tháng khởi công, Tổng công ty CP Sông Hồng đã bị “đuổi” khỏi Dự án, dù hồ sơ chứng minh năng lực thi công để được Bộ GTVT chỉ định thầu là “hoàn hảo”. 

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đã phát hiện ra “hiện tượng” nhà thầu phụ từ cuối tháng 3/2014.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đã phát hiện ra “hiện tượng” nhà thầu phụ từ cuối tháng 3/2014.

Ngay sau khi có “vấn đề” ở dự án của Tổng công ty CP Sông Hồng, Bộ GTVT có Văn bản số 6372/BGTVT – CQLXD ngày 03/6/2014 yêu cầu đơn vị đại diện chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với Tổng công ty CP Sông Hồng và tiến hành lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thay thế.

Lật lại quá trình thẩm định năng lực của nhà thầu mới thấy Ban quản lý Dự án đường HCM đã không hoàn thành trách Bộ giao khi lựa chọn nhà thầu có năng lực kém. Vì, khi thi công tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đắk Lắk, Sông Hồng thiếu cả 02 yếu tố là: nhân lực và máy móc. Việc thuê thầu phụ là rõ ràng nhưng Ban quản lý Dự án lại chỉ căn cứ vào báo cáo của Tổng công ty Sông Hồng ngày 04/4/2014, không có biện pháp xử lý quyết liệt và “im lặng” cho đến khi cơ quan báo chí lên tiếng (?!)

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đã phát hiện ra “hiện tượng” nhà thầu phụ từ cuối tháng 3/2014. Nhưng ông cho rằng, vì Công ty Sông Hồng 36 rất “tinh vi” ở chỗ “nhân lực thì mặc quần áo Sông Hồng, máy móc cũng gắn lô gô Sông Hồng”.

Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng Hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Tân Việt Bắc) phản pháo rằng: Ngay từ đầu, Tân Việt Bắc đã mặc quần áo, gắn lô gô của họ, không hề có Sông Hồng và ai cũng biết việc này, kể cả cán bộ của Ban quản lý Dự án. Vậy có phải Ban quản lý Dự án đã cố tình bao che, thông đồng với nhà thầu phụ của Sông Hồng? 

Báo cáo "thiếu trung thực" của Tổng công ty CP Sông Hồng về dự án đường Hồ Chí Minh.
Báo cáo "thiếu trung thực" của Tổng công ty CP Sông Hồng về dự án đường Hồ Chí Minh.

Làm việc với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Mai Văn Đông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Sông Hồng cũng xác nhận: "Vào tháng 3/2014, Công ty Tân Việt Bắc có phản ứng là tạm ngừng thi công. Khi tôi vào hiện trường nghe được câu chuyện này. Tôi nói, nếu Tân Việt Bắc muốn làm thầu phụ thì không được thực hiện quá 30% tổng dự án. Tôi đã có báo cáo việc này sang Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và họ cũng đã xem xét việc này rồi”.

Liên quan đến việc Tân Việt Bắc “bôi trơn” gần 2 tỷ đồng cho Sông Hồng để được thực hiện dự án, Tổng công ty Sông Hồng lý giải rằng đây là số tiền “ký quỹ” mà Tân Việt Bắc phải nộp vào Công ty Sông Hồng 36. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Bởi, để được thi công dự án, Tân Việt Bắc được 01 người tên là Nguyễn Văn Minh trú tại 106A11, Tổ 16, Sài Đồng (Long Biên – Hà Nội) “môi giới” nộp tiền “bôi trơn”.

Cụ thể, vào ngày 17/9/2013, Công ty Tân Việt Bắc và ông Nguyễn Văn Minh cùng ký giấy vay tiền. Theo đó, Công ty Tân Việt Bắc cho ông Minh vay số tiền 01 tỷ đồng để “Giao dịch công việc công trình Đắk Lắk”.

Cùng ngày, Công ty Tân Việt Bắc chuyển tiền cho ông Minh qua Phòng giao dịch Mạo Khê (Ngân hàng TMCP Quân đội) số tiền 300 triệu đồng. Đến ngày 18/9/2013, Công ty Tân Việt Bắc tiếp tục chuyển cho ông Minh số tiền hơn 700 triệu đồng qua Phòng giao dịch Hoàng Thạch (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hải Dương). Đến ngày 24/12/2013, Công ty Tân Việt Bắc đến Công ty CP Sông Hồng 36 nộp trực tiếp số tiền 500 triệu đồng nữa.

Thật khó hiểu khi số tiền được gọi là “ký quỹ” không được nộp trực tiếp mà được chuyển lòng vòng qua 1 cá nhân rồi mới đến Sông Hồng 36? Ông Nguyễn Văn Minh là ai mà có thể trở thành “cầu nối” giữa Sông Hồng 36 và Tân Việt Bắc? Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh liệu có liên quan đến quá trình “bôi trơn, bán thầu” của Tân Việt Bắc – Sông Hồng 36 không?

Những câu hỏi trên cần sớm được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Được biết, gói thầu số 9 (Km1729 + 489,94 - Km1733 + 459,46, Quốc lộ 14) dài 3,97 km, có giá trị hợp đồng hơn 100 tỷ đồng được Bộ GTVT chỉ định thầu cho liên danh Tổng công ty CP Sông Hồng - Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn thi công. Trong đó, Sông Hồng đứng đầu liên danh và thực hiện 74% khối lượng hợp đồng. Tổng công ty Sông Hồng không trực tiếp thi công, mà ủy quyền cho Công ty cổ phần Sông Hồng 36. Công ty cổ phần Sông Hồng 36 sau đó tiếp tục “bán” cho 2 nhà thầu khác là Công ty Tân Việt Bắc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô mà chưa được phép của Bộ GTVT.

Duy Phong