Vụ dân kiện Chủ tịch Hà Nội: Chỉ có dân là chịu thiệt thòi

24/08/2014 06:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Anh Nguyễn Khắc Kiên tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ sự bất công khi thu hồi đất tại huyện Từ Liêm từ năm 2007. Lãnh đạo Hà Nội biết nhưng không giải quyết?

Bất công khi thu hồi đất cùng thời điểm tại huyện Từ Liêm

Ngày 27/1/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/NĐ-CP trong đó tại khoản 4 Điều 4 quy định: Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp được thực hiện bằng giao đất hoặc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp chủ yếu bằng học nghề.

Tuy nhiên, khi thu hồi đất tại xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) năm 2007 để thực hiện dự án xây dựng ga đề-pô xe điện, Hà Nội không áp dụng Nghị định 17 mà vẫn làm theo quyết định 26/2005 “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp 25.000đ/m2”. Điều này dẫn tới việc anh Nguyễn Khắc Kiên (con trai ông Nguyễn Khắc Lượng, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm) đâm đơn kiện đích danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội là ông Nguyễn Thế Thảo, với lý do chính sách này trái Nghị định 17.

Vụ dân kiện Chủ tịch Hà Nội: Chỉ có dân là chịu thiệt thòi ảnh 1Hà Nội có nhiều hộ nghèo hơn Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai

(GDVN) - Tỉ lệ hộ nghèo ở Hà Nội là 1,01%, xếp thứ 6 trong các tỉnh có số hộ nghèo thấp nhất trong cả nước, tính đến hết năm 2013 và chưa rõ năm nay có được cải thiện?

Ngày 29/7/2014, UBND TP Hà Nội có văn bản số 5611/UBND-TNMT gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lý giải: “Việc Hà Nội tiếp tục thực hiện quyết định 26/2005 sau khi Nghị định 17 của Chính phủ có hiệu lực là phù hợp, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất. Trên địa bàn thành phố có khoảng 27.300 hộ gia đình đã được áp dụng quy định này và cơ bản không có thắc mắc, khiếu kiện”.

Tuy nhiên, lý giải của UBND TP Hà Nội đã bị gia đình anh Kiên phản đối kịch liệt. Trong đơn mới nhất gửi Cục Kiểm tra văn bản pháp luật, anh Kiên chỉ rõ hai thí dụ về sự bất công khi thu hồi đất tại huyện Từ Liêm:

Thứ nhất, cùng thời điểm thu hồi đất, gia đình ông Lê Văn Dòng ở thôn Tân Phong – xã Thụy Phương có quyết định thu hồi số 4150/QĐ-UBND ngày 21/11/2007 và được căn cứ Nghị định 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007, do đó được bồi thường hỗ trợ 80m2 đất ở. Ngoài gia đình ông Dòng còn hàng trăm hộ dân khác ở thôn Tân Phong được bồi thường hỗ trợ đất dịch vụ.

Thứ hai, cùng dự án, cùng thời điểm thu hồi đất, hộ gia đình ông Nguyễn Long Thăng ở thôn Nguyên Xá – xã Minh Khai có quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 5915/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 được căn cứ Nghị định 84/NĐ-CP, do đó được bồi thường hỗ trợ 162.000đ/1m2.

Ngay tại văn bản số 5611 UBND TP Hà Nội gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đã cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn, chính sách thu hồi đất và áp dụng đền bù không rõ ràng, dẫn tới thiệt hại cho nhiều người nông dân.
Ngay tại văn bản số 5611 UBND TP Hà Nội gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đã cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn, chính sách thu hồi đất và áp dụng đền bù không rõ ràng, dẫn tới thiệt hại cho nhiều người nông dân.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, anh Kiên nói: “Văn bản 5611 do ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch TP ký nói rằng việc thu hồi đất áp dụng quyết định 26/2005 cơ bản không có khiếu kiện là sai sự thật, mà rõ nhất là gia đình tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan, đến cả các cấp tòa của huyện Từ Liêm và TP Hà Nội nộp đơn kiện, nhưng họ tìm mọi cách thoái thác. Ngoài gia đình tôi thì còn hơn 50 hộ dân tại thôn Hạ bị rơi vào tình trạng tương tự, họ biết chính quyền làm sai, nhưng không biết kêu ai. Suốt 7 năm nay, tôi liên tục gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, lãnh đạo thành phố cũng biết quá rõ việc này nhưng có giải quyết cho dân chúng tôi đâu? Tại sao cùng thời điểm thu hồi đất nhưng chính sách đền bù, hỗ trợ lại áp dụng khác nhau? Vậy có phải UBND huyện Từ Liêm dám cả gan khai tử Nghị định 84 của Chính phủ trước ngày 31/12/2007 hay không?”.

Chưa có quyết định thu hồi đất, vẫn gọi dân đi nhận tiền

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, vào ngày 17/7/2007 gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng nhận được tiền đền bù thu hồi đất thực hiện dự án ga đề-pô xe điện Nhổn – ga Hà Nội, nhưng tới 31/12/2007 thì UBND huyện Từ Liêm mới ra quyết định thu hồi đất.

Khi chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND huyện Từ Liêm đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường là vi phạm Khoản 2 Điều 42 Luật đất đai 2003; đồng thời vi phạm Khoản 5, 6 Điều 130 Nghị định 181/2004 đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ.

Anh Nguyễn Khắc Kiên đã nêu ra hai thí dụ điển hình về sự bất công khi áp dụng chính sách thu hồi đất tại huyện Từ Liêm trong cùng một thời điểm. Lãnh đạo TP Hà Nội biết nhưng suốt 7 năm qua không giải quyết thỏa đáng cho dân.
Anh Nguyễn Khắc Kiên đã nêu ra hai thí dụ điển hình về sự bất công khi áp dụng chính sách thu hồi đất tại huyện Từ Liêm trong cùng một thời điểm. Lãnh đạo TP Hà Nội biết nhưng suốt 7 năm qua không giải quyết thỏa đáng cho dân.

Anh Kiên cũng cho biết: “Tại dự án đề-pô xe điện, các hộ gia đình bị thu hồi đất tại xã Tây Tựu không nhận được quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, mà chỉ nhận được giấy mời lên UBND xã Tây Tựu nhận tiền bồi thường. Chúng tôi đặt ra câu hỏi: UBND huyện Từ Liêm và UBND xã Tây Tựu vì mục đích gì mà lại có những việc làm bất thường như vậy?”.

Ngoài ra, ngay tại văn bản 5611 của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Tư pháp cũng đã cho thấy sự mâu thuẫn. Cụ thể, văn bản 5611 nói: Ngày 1/12/2007, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội báo cáo về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP và Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007. Hà Nội báo cáo: Do quỹ đất nông nghiệp hạn chế và cơ bản đã giao ổn định cho người nông dân, đề nghị Thủ tướng cho phép đối với khu vực đô thị (các quận, thị trấn) và các khu vực quy hoạch phát triển đô thị (tại các huyện) khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng tiền (không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng giao đất).

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn TP Hà Nội xử lý, giải quyết nội dung này. Văn phòng Chính phủ có văn bản 262/TB-VPCP ngày 18/12/2007 thông báo về nội dung này.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy TP Hà Nội đã ra quyết định 137 vào ngày 30/11/2007 có hiệu lực từ 1/1/2008, (tức là trước buổi làm việc, xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Phải chăng Hà Nội chỉ xin ý kiến chỉ đạo Thủ tướng theo kiểu lấy lệ? Có lẽ khi ký văn bản 5611 gửi Cục Kiểm tra văn bản ngày 29/7 vừa qua, ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng không ngờ tới sự sơ hở này?

Trước rất nhiều những dấu hiệu bất thường nói trên, anh Kiên tiếp tục gửi đơn đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật làm rõ việc Hà Nội ban hành các quyết định hành chính gây thiệt hại cho gia đình anh và nhiều hộ dân khác thuộc nhóm thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng ga đề-pô xe điện, đặc biệt là sự việc cùng thời điểm thu hồi nhưng huyện Từ Liêm lại áp dụng hai chế độ, chính sách hoàn toàn khác nhau.

Ngọc Quang