Vụ xiết nợ nhà ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội: Người “thi hành án” đã thắng!

07/10/2015 16:05
Đại Hoàng
(GDVN) - Khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Thám đã liên tục cấp báo với các cấp chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng đều vô tác dụng.

Vụ xiết nợ, chiếm giữ nhà kéo dài 15 ngày trong tháng 12/2011 ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, làm một người phải vào viện cấp cứu vì kiệt sức, một người phải tự tử và sống thực vật suốt 2 năm rưỡi, đến tháng 6/2014 thì mất. 

Vụ việc gây chấn động suốt thời gian dài, nhưng cuối cùng, các đơn tố giác tội phạm về xâm phạm chỗ ở, cưỡng đoạt tài sản, bức tử…đều không có công bố kết luận. 

Bốn năm sau, ngày 23/9/2015, người bị tố là chủ mưu gây ra mọi hậu quả đau đớn nói trên lại bất ngờ chiến thắng trong vai trò nguyên đơn tranh chấp đối với tài sản mà anh ta đã từng “thay mặt” các cơ quan tư pháp để “đưa ra” phán quyết và tự “thi hành án”, nhưng bất thành.

Vụ án 4 năm trước

Ông Lê Đình Thám, nguyên là cán bộ Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện gia đình các nạn nhân của vụ xiết nợ bức xúc kể lại:

Khoảng 8 giờ tối ngày 4/12/2011, một nhóm hơn chục người gồm nhiều đối tượng xã hội đen và thương binh đi xe ba bánh tông thẳng vào cửa sắt nhà ông ở số 03B –N3 – Khu tập thể quân đội – Viện Lịch sử quân sự thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Nhóm này dùng một xe ba bánh án ngữ cổng ra vào đồng thời đưa người vào chiếm giữ, phong tỏa toàn bộ ngôi nhà cùng tài sản.

Trong các bức ảnh và băng hình ghi tại hiện trường, người ta nhận mặt được những đối tượng cộm cán trong một số băng nhóm giang hồ và “Công ty thương binh 27/7” ở Hà Nội như: Thắng “culin”, Cu Anh, Chính “cối” cùng nhiều đối tượng khác.

Người bị tố chủ mưu và dẫn đầu cuộc phong toả là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1977, có hộ khẩu thường trú tại  số 55, ngõ 205, đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Trước đó, Tiến và anh Lê Việt Bách, con trai thứ hai của ông Thám có quan hệ vay mượn tiền bạc. Theo anh Bách kể lại, anh đã vay nặng lãi của Tiến nhiều lần. Đến lúc lãi mẹ đẻ lãi con không trả được, anh bị Tiến và đồng bọn ép phải gán nhà trả nợ.

Vụ xiết nợ nhà ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội: Người “thi hành án” đã thắng! ảnh 1
Vụ xiết nợ nhà ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Gia đình và xã hội)

Đầu tiên, Bách bị ép về lừa bố mẹ viết giấy uỷ quyền cho Bách được định đoạt tài sản. Tiếp đó, Bách được “những người bạn” của Tiến hướng dẫn làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng đồng ý cho vay, nhưng giải ngân chậm hơn 3 tháng. 

Trong thời gian chờ ngân hàng giải ngân, Bách tiếp tục được các chủ nợ bên ngoài “bơm” tiền cho vay với lãi suất cao. Vì vậy, khi nhận được tiền giải ngân từ ngân hàng, gần như Bách chỉ đủ trả nợ vốn và lãi của các khoản vay ngoài. 

Sau đó, áp lực trả lãi ngân hàng lại buộc Bách phải tiếp tục vay “tín dụng đen” để cầm cự. Cho đến lúc không còn cầm cự nổi nữa thì bán nhà. Người mua không ai khác- chính là Nguyễn Đức Tiến.

Nguyễn Đức Tiến nhận được “sổ đỏ” từ Lê Việt Bách thì chủ động đi làm lại giấy trên nền giấy cũ. 

Do làm tắt quy trình, nên nhà và đất thể hiện trong “sổ đỏ” mới vênh hẳn so với hiện trạng tới 2,5 tầng nhà, tương đương hơn 50m2 diện tích sử dụng.

Tuy nhiên, Nguyễn Đức Tiến vẫn không ngần ngại sử dụng thứ “căn cứ” đầy lỗi kỹ thuật đó để tấn công cưỡng đoạt, giành quyền kiểm soát ngôi nhà từ gia đình ông Thám.

Cuộc chiếm giữ đã kéo dài từ ngày 4 đến ngày 18/12/2011. Ngoài việc làm náo động tại khu dân cư suốt nửa tháng, nó còn gây hậu quả làm anh Lê Thanh Tùng, con trai cả của ông Thám đêm 16/12/2011 phải vào Viện 198 Bộ Công an cấp cứu vì kiệt sức. 

Nghiêm trọng hơn, đêm 18/12/2011, sau khi chứng kiến Nguyễn Đức Tiến cùng nhiều “thương binh” đập phá đồ đạc, doạ nạt, khủng bố tinh thần, bà Bùi Thị Phương, là vợ ông Thám đã phải treo cổ tự tử. 

Bà Phương được hàng xóm phát hiện, nhưng do những người của Tiến cố tình khoá trái cửa, ngăn cản việc cấp cứu, cho nên khi bà Phương được đưa vào Bệnh viện E đã không còn cứu chữa kịp. Bà sống thực vật suốt 2 năm 7 tháng, trước khi mất vào ngày 26/6/2014.

Đáng tiếc, khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Thám đã liên tục cấp báo với các cấp chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng đều vô tác dụng. 

Chỉ đến lúc bà Phương tự tử, chính quyền và các cơ quan công an, kiểm sát mới vào cuộc niêm phong tài sản tranh chấp, rồi sau đó giao lại cho gia đình ông Thám tạm quản lý, sử dụng, chờ giải quyết theo thủ tục tố tụng. 

Nếu không có sự việc bà Phương tự tử, rất có thể Nguyễn Đức Tiến đã sớm hoàn thành việc “cưỡng chế thi hành án” đối với tài sản nói trên.  

Ông Lê Đình Thám cho biết, trong 4 năm qua, ông và các con của mình đã nhiều lần làm đơn tố giác tội phạm, đơn khiếu nại về việc bị xâm phạm chỗ ở, bị cưỡng đoạt tài sản và yêu cầu làm rõ việc vợ ông bị bức tử gửi đến Công an, Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy cùng nhiều cơ quan chức năng khác, nhưng đều không được hồi đáp. 

Sự bi hài ở cấp sơ thẩm 

Trong khi gia đình ông Thám vẫn đang nỗ lực tìm cách lay chuyển các cơ quan chức năng chú ý tới những yêu cầu tố tụng của mình, thì yêu cầu của “người bị tố giác tội phạm” Nguyễn Đức Tiến dù “đi sau” lại được đáp ứng trước. 

Không những thế, Toà án quận Cầu Giấy còn không ngại ngần vi phạm thủ tục tố tụng bằng cách chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của Nguyễn Đức Tiến khi việc uỷ quyền tham gia tố tụng của đương sự cho một văn phòng luật sư vẫn còn hiệu lực; chấp nhận yêu cầu đơn phương giải quyết tranh chấp đối với tài sản hình thành trong hôn nhân của Nguyễn Đức Tiến khi không có sự uỷ quyền của vợ đương sự. 

Thậm chí, Toà án cố kéo dài thời gian thụ lý và thời gian hoãn phiên toà có lợi cho nguyên đơn, với tổng thời lượng đến kết thúc xét xử sơ thẩm lên đến  21 tháng. 

Song tất cả những quyết định đi ngược thủ tục ở ngoài phiên toà là chưa thể so sánh với những vi phạm tố tụng diễn ra trong phiên toà. Cụ thể, qua phần xét hỏi và tranh tụng đã xác định được:

Thứ nhất, việc công chứng uỷ quyền định đoạt tài sản của ông Thám- bà Phương cho Bách không được thực hiện tại Văn phòng công chứng và không có mặt của công chứng viên là vi phạm Luật Công chứng; việc Bách- người được uỷ quyền không thông báo cho ông Thám, bà Phương- người uỷ quyền và được ông Thám, bà Phương đồng ý khi thực hiện nội dung uỷ quyền định đoạt tài sản là vi phạm Điều 594 Bộ luật Dân sự. Đây đều là lỗi khiến cho việc công chứng và uỷ quyền phải bị bác bỏ. 

Thứ hai, đã xác định thông tin mô tả của bất động sản chuyển nhượng thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất và trong “sổ đỏ” sang tên cho Nguyễn Đức Tiến đều được ghi thấp hơn so với hiện trạng sở hữu bất động sản của gia đình ông Thám 2,5 tầng nhà, tương đương hơn 50m2 diện tích sử dụng.

Chính vì lẽ đó, cả Hợp đồng chuyển nhượng được ký giữa Bách và Tiến cũng như Quyết định cấp sổ mới cho Tiến phải bị tuyên huỷ.

Thứ ba, tại phiên toà, Nguyễn Đức Tiến thừa nhận mục đích hạ thấp giá trị giao dịch bất động sản từ con số 5,9 tỷ đồng xuống còn 600 triệu đồng như đã ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng là để trốn thuế. 

Mà theo thoả thuận, Tiến là người phải nộp khoản thuế này. Nếu tính ở mức thấp nhất 2,5% trên giá trị hợp đồng (bao gồm 2% thuế chuyển quyền sử dụng + 0,5% trước bạ), thì có thể tính ngay được số tiền trốn thuế trong trường hợp này là 132,5 triệu đồng. 

Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật đó không chỉ dẫn đến việc bắt buộc tuyên huỷ Hợp đồng chuyển nhượng mà còn đặt Nguyễn Đức Tiến trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

Thứ tư, những diễn biến tại phiên toà còn cho thấy có một file ghi âm đã được Lê Việt Bách nộp kèm theo Đơn phản tố, trong đó thể hiện nội dung trao đổi giữa Bách và hai đối tượng khác trong đường dây cho vay nặng lãi của Nguyễn Đức Tiến. 

Qua nội dung trao đổi này cho thấy, giữa Bách và Tiến thật sự đã diễn ra việc vay và cho vay nặng lãi trước khi ký kết Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất.

Trong nội dung ghi âm, “những người bạn” của Tiến còn hàm ý đe doạ Bách nếu không thuyết phục bố mẹ giao nhà trả nợ thì sẽ đưa xã hội đen đến xiết nợ. 

Điều này thêm lần nữa chứng minh rằng, giao dịch chuyển nhượng nhà, đất giữa Bách và Tiến thực chất chỉ để che dấu việc gán nợ, xiết nợ. Vì lý do vi phạm pháp luật nghiêm trọng đó, nó phải bị tuyên huỷ. 

Tuy nhiên, file ghi âm đã không được Hội đồng xét xử xem xét, trưng cầu giám định.

Kể cả trong quá trình xét xử, mặc dù bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các luật sư đã nhiều lần nhắc nhở kèm theo yêu cầu xem xét, đánh giá toàn diện các chứng nêu trên, nhưng Hội đồng xét xử đều phớt lờ, như là những chứng cứ quan trọng này chưa từng xuất hiện trong hồ sơ vụ án… 

Và rồi, kết cục của phiên toà đã được định trước. Ông Bùi Anh Tuấn- Thẩm phán, Chủ toạ tuyên án với âm lượng như thể nói thầm. Đúng ra, lời ông còn nhỏ hơn tất cả những tiếng quạt trần trong phòng xét xử.

Ông kết thúc và các luật sư đồng thanh kêu lên chẳng hiểu ông nói gì. Chỉ đến khi phóng viên đổ vào hậu trường mới biết được Chủ toạ đã tuyên cho nguyên đơn thắng kiện. Đó là lúc 17 giờ 16 phút ngày 23/9/2015.

Đại Hoàng