Xây cầu vượt hình chữ U sẽ giảm ùn tắc giao thông

11/05/2012 07:22
Độc giả Nguyễn Thanh Cường
(GDVN) - “Có thể nói ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM đang là vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tính đến thời điểm này”, độc giả Nguyễn Thanh Cường chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế... gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Thanh Cường với nội dung hiến kế trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Người dân không chỉ bức xúc vì sự ùn tắc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người khi ra đường mà còn bức xúc ở chỗ chưa có giải pháp nào giải quyết có hiệu quả rõ ràng. Chính sự bức xúc này tạo ra cao trào như một cuộc thi cho mọi người đưa ra sáng kiến của mình. 
Đầu tiên, Hà Nội ngăn ngã 4 thành ngã 3, người yêu cầu cấm xe máy, người đề nghị cấm ô tô, người đề nghị thu phí thật cao, người đề nghị thu phí vào một số tuyến phố, người đề xuất cấm ô tô 5 x 5, thành phố thay đổi giờ làm, giờ học, làm cầu vượt nhẹ đi thẳng, có đề xuất làm cầu vượt rẽ trái...

Tuy nhiên theo tôi, các giải pháp này chưa thuyết phục áp đảo được mọi người vì nó chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ của vấn đề.
Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Qua xem xét các biện pháp xử lý vừa qua của thành phố Hà Nội và các sáng kiến khác nhau của nhiều bạn đọc trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi nhận thấy các giải pháp đưa ra không thể hoàn hảo 100%. Giải quyết được 50 - 70% khúc mắc đã là tuyệt vời. Giải pháp nào đưa ra cũng bộc lộ nhược điểm.

Giải pháp trước kia chặn ngã 4 thành ngã 3 sẽ gây ách tắc chỗ quay đầu xe. Giải pháp thay đổi giờ học giờ làm gây xáo trộn sinh hoạt và giảm được ùn tắc không rõ ràng.

Giải pháp làm cầu vượt nhẹ có thể giải quyết được một chiều đường đi thẳng, còn các chiều khác vẫn phải chờ đợi theo chỉ dẫn của đèn giao thông. Giải pháp cầu vượt rẽ trái như một độc giả đề xuất thì chỉ làm được một chiều (chẳng lẽ phải làm 4 cầu rẽ trái?)...
Chúng ta đang phải giải bài toán về giao thông trong một môi trường không thuận lợi. Đường sá chỉ có thế, không thể mở rộng hơn được. Lượng phương tiện liên tục tăng lên hoặc nếu có hạn chế cũng chỉ tăng chậm chứ không thể giảm đi. Xây thêm đường trên cao chi phí quá tốn kém, phương tiện công cộng chưa đáp ứng đúng, đủ như cầu của người dân.

Thêm vào đó thói quen đi xe máy của người dân rất khó thay đổi. Các giải pháp đưa ra hiện tại chỉ mang tính giải quyết trước mắt còn giải quyết triệt để sẽ phải mất nhiều năm. Đồng thời cũng phải giải quyết tổng thể (hạ tầng giao thông công cộng, quy hoạch dân cư... ) thì mới mong giảm ùn tắc được.
Vì vậy, khi đưa ra giải pháp cầu vượt hình chữ U, tôi chỉ mong nhận được 60 - 70% ý kiến đồng tình đã là tuyệt vời lắm rồi. 
Vấn đề là với một người tham gia giao thông, bạn cần gì nhất? Rõ ràng là bạn cần một hành trình không bị tắc nghẽn. Vậy bạn có chấp nhận đi thêm vài ba trăm mét để không bị tắc đường không? Tôi nghĩ câu trả lời của mọi người là sẵn sàng.

Chúng ta phải chấp nhận đi theo một hành trình nào đó để không phải chôn chân một chỗ hàng chục phút cho đến cả tiếng đồng hồ. Vậy thì bạn hãy chấp nhận hành trình hơi khác một chút nhưng nó đảm bảo rằng bánh xe của bạn luôn luôn quay. Đó là hành trình đi theo cầu vượt chữ U. 
Sơ đồ cầu vượt hình chữ U.
Sơ đồ cầu vượt hình chữ U.
Cụ thể:
A đi B : Rẽ phải.
A đi C : Lên cầu vượt xuống rẽ phải.
A đi D : Lên cầu vượt xuống đi thẳng.
B đi C : Rẽ phải.
B đi D : Đi thẳng.
B đi A : Lên cầu vượt xuống rẽ phải.
C đi D : Rẽ phải.
C đi A : Lên cầu vượt rẽ phải.
C đi B : Lên cầu vượt xuống đi thẳng.
D đi A : Rẽ phải.
D đi B : Đi thẳng.
D đi C : Lên cầu vượt xuống rẽ phải.
Chúng ta có thể hình dung cầu vượt chữ U giống như cầu vượt dành cho người đi bộ mà ở các đường phố Hà Nội đã áp dụng. Chỉ có cái khác là cầu chữ U này dành cho ô tô, vì vậy nó phải to hơn, rộng hơn, chắc chắn hơn và cầu cần có độ lượn vòng  để ô tô lượn theo hình tròn (như vòng xoay bán nguyệt hay nam châm hình chữ U). Cầu này có thể làm bằng thép hoặc bê tông. Muốn rẻ phải làm bằng thép. Cầu chữ U chỉ dành cho ô tô kể cả ô tô to như xe buýt (sẽ chắc chắn hơn cầu vượt nhẹ đã làm). Cấm xe máy đi lên cầu này vì xe máy sẽ quay đầu ở dưới đường.  Đường cắt ngang sẽ dùng giải phân cách cứng chặn ngang ngã tư (giống như kiểu chắn ngã tư thành ngã ba trước kia). Dải phân cách cứng này dài ngắn tùy mức độ rộng hẹp của ngã tư, rồi để khe trống cho xe máy quay đầu (cấm ô tô quay đầu bằng cách làm các khe nhỏ vừa cho xe máy đi, ô tô không đi sang được). Mỗi ngã tư có hai cầu chữ U như vậy đối diện nhau.
Cầu có thể rộng đủ cho 1 hoặc 2 làn xe tùy thuộc lưu lượng xe và không gian, vị trí đặt cầu cụ thể và phụ thuộc vào chiều rộng của đường để tạo vòng cua thoải mái). Nếu chỗ nào đường hẹp, có thể bạt một phần vỉa hè đi và mở rộng để làm đường dẫn lên cầu.

Với 2 chiếc cầu chữ U này, xe cộ sẽ lưu thông mà không bị xung đột. Cầu vượt chữ U chắc chắn thẩm mỹ hơn cầu nhẹ vượt thẳng. Hai cây cầu vượt nhẹ có thể làm mất mỹ quan thành phố. Cầu vượt chữ U sẽ giải phóng cho các ngã tư khỏi một con trăn khổng lồ chắn ngang tầm nhìn của bạn. 
Chi phí cầu vượt chữ U chắc chắn sẽ đắt hơn cầu vượt nhẹ, nhưng có đắt gấp đôi cầu vượt nhẹ đi thẳng thì cũng vẫn rẻ trong khi giải quyết gần như 80% ách tắc tại ngã tư mà không cần đèn giao thông hỗ trợ. 
Trong trường hợp không muốn cho xe buýt hoặc xe to lên cầu vượt (do hạn chế về mặt kỹ thuật), xe buýt có thể quay đầu bên dưới. Chỗ quay đầu có đèn giao thông. Khi xe buýt quay đầu, đèn giao thông sẽ tự động bật đèn đỏ dừng các xe chiều đang đi đến, xe buýt đi qua, đèn xanh tự động bật lên cho dòng xe đi tiếp (có thể dùng mắt thần trên xe buýt hoặc điều khiển tự động).

Hoặc ở chỗ đó để biển "ưu tiên xe quay đầu". Tốt nhất là làm cầu đảm bảo cho cả xe to đi (làm rộng hơn chút, chắc chắn hơn một chút, tất nhiên sẽ đắt hơn một chút).
Chi phí làm cầu chữ U sẽ cao hơn cầu vượt nhẹ, nhưng đảm bảo lưu thông thông suốt, chấm dứt mọi xung đột do giao cắt giữa các luồng phương tiện, chấm dứt vi phạm giao thông (không có đèn xanh đèn đỏ), có tính thẩm mỹ cao hơn cầu vượt nhẹ.

 Nói là chi phí cầu chữ U đắt hơn cầu vượt nhẹ lắp ghép đi thẳng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào độ dài của cây cầu. Ở những ngã tư rộng nếu cầu vượt nhẹ đi thẳng, có chỗ chiều dài lên đến 300 - 400 mét.

Nhưng cầu chữ U mỗi chiếc gần như bằng nhau (đường dẫn lên cầu mỗi bên khoảng 50m, đường bán nguyệt trên cầu khoảng 100m. Như vậy mỗi cầu vượt chữ U dài cố định khoảng 200m mà không phụ thuộc vào ngã tư đó to hay nhỏ.

Với mặt đường rộng mỗi bên khoảng 15m ở chỗ chân cầu (kể cả vỉa hè vì sẽ cắt bớt vỉa hè chỗ lên cầu) là có thể làm cầu vượt chữ U. 5m để đường lưu thông thẳng + 5m đường lên cầu + 3 – 5m đường rẽ phải.

Như vậy cầu nhẹ vượt thẳng chỉ giải quyết được mỗi khâu "đi thẳng" trong khi cầu vượt chữ U giải quyết cả khâu đi thẳng và rẽ trái từ bất kỳ hướng nào. Với bán kính như vòng  xoay như ở đầu cầu Chương Dương là xe to có thể vòng thoải mái rồi.
Đặc biệt, cầu vượt chữ U có thể giải quyết ùn tắc tại không chỉ ngã tư mà còn có thể ở các ngã 5. Làm cầu vượt chữ U này rất có ích cho một số nơi ở TP HCM, nơi có nhiều nút giao thông ngã 5 ngã 6, không gian rộng.
Độc giả Nguyễn Thanh Cường