Chuyên gia quốc tế: Thị trường biệt thự HN ế ẩm do thiếu cơ sở hạ tầng

18/10/2012 14:58
Hà Nhi
(GDVN) - Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Thị trường Công ty Cushman & Wakefield Vietnam nhận xét: Việc thiếu cơ sở hạ tầng xung quanh như trung tâm mua sắm, trường học, và cơ sở y tế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ế ẩm của thị trường biệt thự bán tại Hà Nội hiện nay.

Cuối năm, thị trường biệt thự tại Hà Nội vẫn đi xuống
Dựa vào số liệu nghiên cứu mới nhất, Cushman & Wakefield Vietnam - công ty bất động sản tư nhân lớn nhất thế giới đã đưa ra dự đoán trong quý cuối cùng của năm 2012: Thị trường biệt thự tại Hà Nội vẫn đi xuống. “Trong các hoạt động nghiên cứu của mình chúng tôi thấy ở các dự án đi vào hoạt động hay các dự án vừa bàn giao cho khách mua, có rất ít khách dọn vào ở”, ông Minh Nguyễn - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Thị trường của Cushman & Wakefield Vietnam, văn phòng tại Hà Nội nhận xét.
Trong quý cuối cùng của năm 2012: Thị trường biệt thự tại Hà Nội vẫn đi xuống, trong đó, các khu vực như Hà Đông, Hoài Đức và Mê Linh (Hà Nội) có số lượng các biệt thự bỏ trống lớn nhất. (Ảnh minh họa)
Trong quý cuối cùng của năm 2012: Thị trường biệt thự tại Hà Nội vẫn đi xuống, trong đó, các khu vực như Hà Đông, Hoài Đức và Mê Linh (Hà Nội) có số lượng các biệt thự bỏ trống lớn nhất. (Ảnh minh họa)
Bằng quan sát thực tế và phản hồi của thị trường, ông Minh cho rằng: Việc thiếu cơ sở hạ tầng xung quanh như trung tâm mua sắm, trường học, và cơ sở y tế là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng này. Một nguyên nhân khác, với rất nhiều khách hàng là các nhà đầu tư, đầu cơ thì việc mua sắm các khu căn hộ chỉ là một biện pháp thay thế cho việc gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng. Các khu vực như Hà Đông, Hoài Đức và Mê Linh (Hà Nội) có số lượng các biệt thự bỏ trống lớn nhất vì những lý do trên. “Lối thoát duy nhất cho các chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp trong thời điểm hiện tại là giảm giá bán hoặc thậm chí là bán lỗ. Giá giảm mạnh nhất ở các quận Hoài Đức và Mê Linh. Số lượng giao dịch quý này được ghi nhận ở mức rất thấp” – ông Minh Nguyễn nói. Có khoảng 19.000 biệt thự từ 86 dự án nằm rải rác trên 16 quận, huyện, trong đó Mê Linh chiếm nhiều nhất, lên tới 19% tổng số nguồn cung. Tiếp theo là Tây Hồ, Hà Đông và Hoài Đức với 17% cho mỗi quận. Ông Leon Cheneval, Giám đốc Quốc gia bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường của Cushman & Wakefield nhận định thêm: Tại các dự án biệt thự hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã không tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tiện nghi khiến cho khách hàng trì hoãn quyết định mua và do dự hơn trước khi rút tiền ra khỏi “hầu bao”. TP.HCM: Năm 2020 sẽ có thêm 50.000 biệt thự Không riêng gì Hà Nội, tại TP.HCM, Cushman & Wakefield dự đoán: Cuối năm nay, phân khúc biệt thự bán vẫn diễn ra chậm. Trong khi đó, theo dự kiến đến năm 2020, TP.Hồ Chí Minh sẽ có thêm 50.000 sản phẩm bất động sản thuộc phân khúc này đi vào hoạt động. “Phần lớn người mua thích các biệt thự vừa và nhỏ. Giá bán trung bình vẫn có xu hướng giảm. Bất động sản đất nền được ưa thích hơn bởi những người ưa thích lĩnh vực nhà đất tin rằng đây là một lĩnh vực đầu tư với quyền sở hữu hợp pháp và ít rủi ro nếu như giá cả có bị giảm xuống”, bà Chi Trần – Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Thị trường Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam (văn phòng TP.Hồ Chí Minh) đưa ra quan điểm dựa vào số liệu nghiên cứu thị trường gần đây nhất. Theo bà Trần, suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tới tiến độ của một số dự án, khiến chủ đầu tư phải đưa dự án ra thị trường chậm hơn dự kiến. Bên cạnh đó, một số dự án đã sẵn sàng khởi động nhưng đã phải hoãn lại. Các biệt thự tại khu vực đô thị phát triển như Quận 2 và Quận 7 vẫn còn khá hấp dẫn với phần lớn người mua. Nhắn nhủ với các nhà đầu tư, ông Leon Cheneval, Giám đốc Quốc gia bộ phận Nghiên Cứu và Tư vấn thị trường của Cushman & Wakefield cho biết: Khó khăn vẫn còn ở phía trước và các nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ do yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía khách hàng.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi