Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

"Cứu" thị trường BĐS, không "cứu" doanh nghiệp BĐS

02/04/2013 13:52
Hân Ni
(GDVN) - “Quan điểm của tôi có hơi khác một chút so với chuyên gia Alan Phan ở chỗ: Không nên lẫn lộn giữa giải cứu thị trường BĐS và giải cứu các nhà kinh doanh BĐS” – TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Thị trường BĐS “chết” sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế

Theo TS.Liêm, với doanh nghiệp BĐS, đã là kinh doanh, khi có rủi ro phải tự chịu trách nhiệm, lỗ hay lãi hoặc phá sản - đó là việc của riêng một cá thể.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm (phải), TS Alan Phan (trái).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm (phải), TS Alan Phan (trái).

Còn thị trường BĐS, khi suy thoái không giống như thất bại của một nhà kinh doanh BĐS, nếu “chết” sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, Nhà nước không nên để thị trường BĐS rơi tự do, cần có biện pháp can thiệp nhất định vì BĐS có hệ số lôi cuốn khá lớn, lôi cuốn thị trường xây dựng, vật liệu,… tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Ông Liêm cũng lưu ý: Gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước là để hỗ trợ thị trường bớt khó khăn, không phải là để cứu doanh nghiệp BĐS.

Tuy vậy, ông Liêm cho rằng: Dù có chi ra 30.000 tỷ đồng để cứu giúp thị trường BĐS, tác động của Nhà nước cũng chỉ làm giảm mức độ trầm trọng của sự suy thoái, chứ không thay đổi được quy luật, cũng như không giải quyết được hết những “u nhọt” đã tồn tại suốt thời gian qua của thị trường BĐS.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, sự suy thoái của thị trường BĐS thời gian qua là một thách thức lớn đồng thời cũng là cơ hội. Nhờ sự suy thoái đó, BĐS mới bộc lộ những nhược điểm mà lúc thịnh vượng bị che khuất đi như việc nhiều nhà kinh doanh BĐS không những không có vốn mà còn không có cả kiến thức. Việc một số doanh nghiệp BĐS phá sản cũng là một bài học để sau này chúng ta đừng bao giờ tái phạm như vậy nữa - Đó cũng là điều tốt theo ý kiến của chuyên gia Phạm Sỹ Liêm.

Làm thế nào để đưa giá BĐS về mức hợp lý?

TS.Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Sở dĩ giá BĐS của Việt Nam cao ngang với các nước phát triển bởi vì giá đất đai đô thị bị thổi phồng. Vì vậy, làm thế nào để đưa giá đất vào mức hợp lý đó là điều mà các cấp chính quyền Nhà nước cần phải xem xét.

Theo đề nghị của ông Liêm: Các đô thị phải tiến hành chế độ dự trữ đất đai, tức là phải giải phóng mặt bằng đất đai ở khu quy hoạch sắp thực hiện.

“Lúc bấy giờ chưa có dự án nào cả, sau khi thu hồi được đất đai, làm hạ tầng rồi, sau đó mới chia lô, lô làm trường học, lô làm trung tâm thương mại, lô làm nhà ở giá rẻ, lô cho chung cư cao cấp… tất cả đều được tổ chức đấu thầu tìm người đưa ra mức giá hợp lý nhất. Khi đấu thầu công khai minh bạch sẽ khó xảy ra tham nhũng. Đây là một kinh nghiệm chống tham nhũng đất đai bắt đầu từ Thụy Điển vào đầu thế kỷ XX và Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm đó” – TS.Liêm đưa ra giải pháp.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hân Ni