Điêu đứng “sập bẫy” lừa siêu tinh vi trong giao dịch bất động sản

07/08/2012 13:02
H.T (tổng hợp)
(GDVN) - Thị trường bất động sản trong mấy năm trở lại đây phát triển sôi động hơn trước tuy nhiên cũng đầy rẫy những mưu mô, những mánh lới, thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi khiến cho không ít người tiêu dùng đã phải điêu đứng trước những cú lừa lên đến cả triệu USD.

Thủ đoạn siêu tinh vi
Ngôi nhà số 36B, Trần Hưng Đạo trước đây thuộc quyền sử dụng của bác chồng Hải là bà Nguyễn Thị Hoa. Từ năm 1954, gia đình bà Hoa đã sang Pháp định cư, vì vậy, ngôi nhà này thuộc diện “vắng chủ”. Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã thu hồi nhà đất (rộng 1.262 m2) tại 36B, Trần Hưng Đạo để cho các hộ dân thuê ở.
Sống ở Hà Nội, biết rõ hiện trạng ngôi nhà, nhưng Hải vẫn xin bà Hoa ủy quyền cho mình giải quyết mọi vấn đề liên quan đến thủ tục chuyển nhượng nhà số 36B, Trần Hưng Đạo. Hải đã tự soạn giấy ủy quyền, sau đó thuê dịch sang tiếng Pháp rồi chuyển cho bà Hoa. Từ nước Pháp xa xôi, không biết mục đích đen tối của cháu chồng, bà Hoa và con trai đã ký xác nhận, rồi gửi về Việt Nam cho Hải.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Sau khi có trong tay giấy ủy quyền, Hải thuê Công ty cổ phần Trắc địa địa chính số 9 lập hồ sơ kỹ thuật và vẽ sơ đồ thửa đất số nhà 36B. Nhưng do Hải nhầm lẫn, nên Công ty này đã vẽ thửa đất ở số 36A, Trần Hưng Đạo.
Với toàn bộ các giấy tờ này, Hải đã tìm người để bán ngôi nhà 36B. Do bản đồ trắc địa công ty trắc địa chuyên nghiệp lập nên và bản chứng thực mang... yếu tố quốc tế, đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm... sập bẫy!
Vậy là, sau khi vớ được các nhà đầu tư mạo hiểm, Hải đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà này với giá 13.200.000 USD. Sau đó, các nạn nhân đã chuyển cho Hải số tiền 400 triệu đồng và 1.002.613 USD.

Căn biệt thực đẹp như mơ đó, mãi mãi là của Nhà nước và tất nhiên các hộ dân được Nhà nước cho thuê vẫn tiếp tục an cư. 

Và đơn giản đến không thể tưởng tượng

Trong cơn bí tiền, Minh đề nghị một thanh niên nọ làm giả cho một bộ hồ sơ nhà đất. Đã làm giả, thì phải làm cho lớn để lừa cho... hoành tráng! Minh dẫn người thanh niên nọ sang Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) và chỉ vào căn biệt thự đang xây thô 3,5 tầng trên diện tích 245 m2 tại số 1, lô B – BT.07. 
Sau một tuần, với chi phí (do Minh khai) là 185 triệu đồng, Nguyễn Hồng Minh đã có trong tay... căn biệt thự! Minh có trong tay Hợp đồng số 18/HUD-KD về chuyển nhượng quyền sở hữu và quyền sử dụng đất tại ô đất số 01, lô B – BT.07; phiếu thu số 08 ngày 20/7/2008 và số 16 ngày 18/3/2009 để đặt tiền mua căn biệt thự; biên bản nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình xây dựng số 5 (ngày 5/10/2009).

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet



Sau khi đã chính thức “sở hữu” căn biệt thự nọ,  Minh đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn: đem ra hiệu cầm đồ để đặt giấy tờ lấy một khoản tiền nho nhỏ. Nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông chủ hiệu cầm đồ đã cùng một người bạn tiến hành mua đứt căn biệt thự và tổng cộng các lần chuyển tiền, số “vốn đầu tư” ban đầu của Minh đã biến thành số tiền trên 5 tỷ đồng.

Cùng với thủ đoạn trên, Minh đã lừa thêm vài vụ khác và tổng cộng, Nguyễn Hồng Minh đã kiếm được món tiền trị giá tới trên 15 tỷ đồng.

Làm vườn giả để bán đất


Chị Như muốn tìm một căn hộ rộng rãi hơn khi các con khôn lớn. Hơn 2 tháng, cuối cùng, chị cũng tìm được một ngôi nhà vừa túi tiền ở một xã cách khu đô thị mới Mỹ Đình khoảng 6km. Đó là một căn nhà cấp 4 rộng 40m2 cộng với mảnh vườn 20m2 nữa, giá cả lại khá mềm so với giá thị trường. Chỉ ngặt nỗi căn nhà hiện chưa có sổ đỏ.
Anh chàng cò đất, áo sơ mi trắng toát, thắt cà vạt đỏ chót nhưng chân đi dép tổ ong, quả quyết: "Cháu ở làng này từ bé, cháu đảm bảo chỗ này là đất nghiêm chỉnh, cô đừng lo". Rồi anh ta đưa chị Như đến gặp chủ đất. Đó là một bà cụ mặt mũi lành hiền, chất phác. Bà đưa chị ra xem nhà, xem vườn, tỏ vẻ thật thà, kể lể, cái nhà này được xây trên đất vườn của gia đình định cho thằng cháu nhưng nó chê nhỏ không lấy mà đòi tiền đi mua chỗ khác rộng hơn nên bà đành phải bán. 
Mọi giao dịch mua bán diễn ra thuận lợi. Chồng tiền xong, 3 mẹ con chị về ở. Được độ hai chục hôm thì cây trong vườn chết sạch, chị phải thuê người đến dọn vứt đi.
Mấy bữa sau nữa thì có 2 người đàn ông trung niên tự giới thiệu là người của địa chính xã đến đo đạc để làm sổ đỏ. Bà cụ xăng xái chạy sang bảo nhỏ, cô phong bì cho họ chút đỉnh để họ làm cho nhanh, khỏi vặn vẹo.

Biết mình yếu thế  chị Như cũng đành lòng bỏ hai tờ 500 nghìn mới cứng vào phong bì, dúi vào tay hai ông "cán bộ địa chính".
Sau đận ấy, chị đợi chờ mãi dễ đến cả năm mà vẫn không thấy ai động tĩnh gì đến chuyện cấp sổ đỏ. Bắt đầu cảm thấy sốt ruột, nhờ cụ ra xã hỏi dăm lần bảy lượt, cụ nhất định không chịu đi. Đánh liều, chị Như xin nghỉ một ngày làm ra xã hỏi cho ra nhẽ.
Ra xã, người ta mới cung cấp cho chị thông tin sét đánh ngang tai: Mảnh đất đó là đất "nhảy dù" nên không thể làm sổ đỏ được. Xã chưa bao giờ cử bất kỳ một cán bộ địa chính nào xuống làm việc với gia đình chị. Cái vườn trước nhà cũng là do "đạo diễn" dựng nên, bứng cây ở chỗ khác về trồng nên chỉ sau độ một tháng là héo rũ. Bà cụ chủ đất và hai anh "cán bộ địa chính" rởm cũng là người của "đạo diễn" cả. Tham rẻ và không chịu tìm hiểu nguồn gốc mảnh đất trước khi giao tiền, chị đã sập bẫy lừa đảo một cách đau xót.

Bán chung cư… giấy

Phạm Duy Luật, Giám đốc Công ty Hải Phú Sơn, kẻ đã bị Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tuyên án tù chung thân về tội lừa đảo không phải chỉ có một người mà là rất nhiều người. 
Ở Thạch Bàn, Gia Lâm có một khu đất rộng 8.000m2. Tuy khu đất này đã có chủ nhưng chủ đất khai thác không có hiệu quả nên Phạm Duy Luật đã lấy danh nghĩa Công ty Hải Phú Sơn làm thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xin được đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, biệt thự cho thuê và khu vui chơi giải trí. Đề nghị của Luật được chấp nhận với điều kiện Công ty Hải Phú Sơn phải lập dự án sử dụng theo quy hoạch, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, quy định quản lý đất đai.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Thế nhưng, Luật không lập dự án mà lập tức thuê Hùng về làm cùng với Luật thành một cặp bài trùng lừa đảo. Tiếng là phong cho Hùng chức Trưởng phòng Kinh doanh BĐS của Công ty Hải Phú Sơn nhưng thực chất là Hùng chỉ thay mặt Luật để thu tiền của khách hàng. Cứ tin rằng, các lô nhà… trên giấy ấy là thật mà không hay biết rằng thực chất ở đây không hề có bất kỳ một dự án nhà ở nào của Hải Phú Sơn, 22 người có nhu cầu mua nhà cứ thế lũ lượt kéo nhau ký hợp đồng rồi rút hầu bao đưa cho Hùng và Luật nhiều tỉ đồng.
Tinh vi hơn,  Trần Thu Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Châu Á, đối tượng vừa bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế Công an Tp Hà Nội bắt cách đây ít lâu lại chọn các dự án nhà ở có thật, đang triển khai xây dựng ở các khu đất vàng để làm mồi câu. Để tạo lòng tin tuyệt đối cho khách hàng, Huyền đã dẫn họ đến xem các dự án nhà ở đang xây dựng, thậm chí có dự án đã vào giai đoạn hoàn thiện như dự án 136 Hồ Tùng Mậu, B4 Kim Liên, dự án nhà ở Thành Công II… Huyền đưa ra cho khách hàng các văn bản, giấy tờ để chứng minh rằng Công ty của Huyền đã góp vốn đầu tư vào các dự án này.
Khi Huyền bị bắt, nhiều bị hại tá hỏa tam tinh đem mớ giấy tờ dấu đỏ đó đến các dự án để kiểm tra thì mới biết các căn hộ mà họ mua thông qua Huyền thực chất đã có chủ. Các dự án này không có bất cứ mối quan hệ làm ăn kinh doanh gì với cá nhân Huyền cũng như Công ty Cổ phần Sơn Châu Á.* Trong giao dịch bất động sản, còn muôn kiểu "bẫy" tinh vi mà chỉ cần một chút cả tin, người mua dễ dàng sập bẫy. Thậm chí có khi biết rõ mười mươi đã mất tiền mà nhiều người vẫn còn ngơ ngác chưa hiểu vì sao. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả các kiểu lừa đảo tinh vi này...

H.T (tổng hợp)