Những chính sách mới tác động đến thị trường BĐS 2013

10/02/2013 09:54
Theo CafeF
Nghị quyết số 02 của Chính phủ được đánh giá là sẽ có tác động sâu rộng nhất đến thị trường 2013, và những năm tới, sẽ làm ấm dần từng phân khúc bất động sản, khơi thông bế tắc.

Năm 2013 thị trường bất động sản sẽ tập trung ở phân khúc nhà xã hội, nhà giá thấp khoảng 1 tỷ đồng/căn. Bởi theo định hướng, những chính sách ưu đãi nhất cho lĩnh vực bất động sản đều tập trung cho phân khúc này.

Sẽ có khoảng 7 văn bản quy phạm pháp luật vừa mới được ban hành, hoặc đang dự thảo sẽ có tác động đến lĩnh vực này trong thời gian tới.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, tháo gỡ khó khăn cho BĐS chiếm phần lớn nội dung của Nghị quyết

Nội dung chính: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy nguồn cầu với một loạt các giải pháp đồng bộ từ vốn tín dụng, công cụ thuế và nhóm giải pháp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm,…

Về vốn: Sẽ có một dòng vốn tín dụng mới gồm 3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước, cộng với gói 20 – 40 nghìn tỷ thông qua tái cấp vốn hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Lãi suất được được NHNN dự thảo trong quy chế cho vay (đang dự kiến từ 9-10%/năm – PV). Đối tượng được hưởng dòng vốn này là lĩnh vực nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2. Thời hạn vay khoảng 10 năm.Theo tính toán, dòng vốn này khoảng trên 100.000 nghìn tỷ.


Về thuế: Chính sách này sẽ quy định trong một số Luật thuế sửa đổi đang được Bộ Tài chính dự thảo trình Quốc hội thông qua vào giữa năm 2013. Tuy nhiên, với chính sách thuế cho nhà ở có thể Quốc hội sẽ thông qua tức thì vào kỳ họp tháng 5/2013 sắp tới, có thời hạn ưu đãi 1 năm.

Qua đó, một số thuế sẽ giảm như giảm 50% tiền thuê đất, giảm 50% thuế VAT cho người mua nhà xã hội, áp dụng thuế TNDN 10% đối với chủ dự án nhà xã hội, giảm 30% VAT cho người mua nhà thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2,…được áp dụng từ 1/7/2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình sửa đổi Luật thuế).

Về điều chỉnh cơ cấu sản phẩm: Các dự án chưa GPMB sẽ bị dừng triển khai, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ, cho phép chuyển công năng dự án, Nhà nước mua lại các dự án dở dang làm trụ sở các bộ, ngành,…

Đánh giá tác động: Vừa mới được ban hành nhưng Nghị quyết ngay lập tức đã đi vào thực tiễn. Ngân hàng đã vào cuộc cho vay, đi đầu là BIDV với chương trình 30 nghìn tỷ. Chủ dự án chia nhỏ diện tích căn hộ, chuyển đổi dự án sang nhà xã hội,…

Theo nhận định, cái được của Nghị quyết 02 là sẽ dần làm ấm hơn phân khúc nhà giá rẻ, tạo đà cho sự phục hồi các phân khúc khác. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, Nghị quyết 02 có điểm hạn chế là chưa giải quyết gốc gác của bất động sản hiện nay là vẫn dùng vốn ngân hàng để cho vay BĐS.

Luật Đất đai sửa đổi

Đất đai là sở hữu toàn dân và Nhà nước là quyền đại diện chủ sở hữu

Mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp; tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường; minh bạch trong quản lý, sử dụng đất... là những điểm mới quan trọng nêu trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được công bố lấy ý kiến nhân dân.

Mở rộng thời hạn giao đất đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, thời hạn giao đất vẫn chưa thống nhất 30 năm hay 50 năm.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi theo hướng hạn chế các trường hợp Nhà nước giao đất, chuyên sang cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất. Việc sửa đổi này nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai khắc phục tình trạng xin - cho trong sử dụng đất.

Đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cũng như tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai.

Qua đó, hạn chế các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; quy định rõ các trường hợp được bồi thường, không được bồi thường, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Một loạt chính sách mới về Thuế, sẽ được đưa vào các Luật thuế sửa đổi


Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS, Bộ Tài chính đã có kiến nghị giảm nhiều loại thuế, gia hạn nộp thuế,…cho các DN xây dựng, kinh doanh BĐS, DN vừa và nhỏ. Những chính sách này sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội giữa 2013 (1/7/2013).

Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 - Gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế TNDC phải nộp 2013. Nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng nhưng tối đa không quá 24 tháng.

Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2013 và năm 2014 cho các tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuế đất.

Áp dụng mức thuế suất 20% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa từ 1/7/2013.

Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với thu nhập từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động cho thuê, cho thuê mua hoặc bán nhà ở xã hội từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.

Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở đối với những căn hộ có diện tích sàn sử dụng dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng m2 sàn sử dụng từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.

Như vậy, có thể thấy nhiều ưu đãi về thuế sẽ được áp dụng vào lĩnh vực BĐS vào giữa năm 2013, vì thế, có thể sẽ giảm được giá thành BĐS, dẫn đến giá BĐS có khả năng sẽ giảm trong 2013. Kích thích nhu cầu mua bất động sản của người dân. Tuy nhiên, sẽ làm giảm số thu ngân sách từ thuế.

Nghị định 11 về phát triển đô thị

Ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị ban hành nhằm điều chỉnh tổng thể các vấn đề trong lĩnh vực này để khắc phục tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch, chống lãng phí nguồn lực như hiện nay theo lộ trình 5 năm đến 10 năm. Nghị định mới này cũng đề xuất mô hình khoa học về quản lý khu vực phát triển đô thị.

Nghị định mới sẽ phải làm QHPK trước toàn bộ khu vực phát triển đô thị, trên nền QHPK mới hình thành dự án làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án ĐTXD, như thế sẽ khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên.

Nghị định 58 hướng dẫn chi tiết Luật chứng khoán sửa đổi

Từ ngày 15/9/2012 Nghị định có hiệu lực trong đó quy định quỹ đầu tư bất động sản (BĐS) được tổ chức và hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng.

Quỹ không được cho vay hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào, tổng các khoản vay không vượt quá 5% giá trị tài sản ròng. Phải đảm bảo tối thiểu 65% giá trị tài sản ròng được đầu tư vào BĐS. Đảm bảo tối đa 35% giá trị tài sản được đầu tư vào tiền, giấy tờ có giá, chứng khoán niêm yết, chứng khoán giao dịch, trái phiếu chính phủ. Tài sản của quỹ đầu tư BĐS phải được lưu ký tại ngân hàng giám sát. BĐS phải được nắm giữ trong thời gian tối thiểu 2 năm kể từ ngày mua.

Mô hình quỹ này gần giống với Quỹ tín thác BĐS (Reits) mà nhiều nước phát triển đã áp dụng, tạo dòng vốn tín dụng ổn định, dài hạn cho thị trường BĐS. Quỹ đầu tư BĐS ra đời là một tiền đề cho REITs tại Việt Nam.


Theo CafeF