Quận Hà Đông dẫn đầu các dự án "rùa"

16/04/2013 09:24
Bình An
(GDVN) - Hiện trên địa bàn Hà Đông có 55 dự án chậm triển khai, có 3 tổ chức cá nhân vi phạm Luật Đất đai.
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.Hà Nội, từ năm 2009 đến quý I/2013 có 653 tổ chức được nhà nước giao đất vi phạm về việc sử dụng và cho thuê đất... Trong đó, Hà Đông là một trong những quận đứng hàng đầu về các dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội. Báo cáo của UBND quận Hà Đông tại buổi họp giao ban về các biện pháp khắc phục, xử lí các dự án có sử dụng đất trên địa bàn của UBND thành phố Hà Nội: Hiện trên địa bàn Hà Đông có 55 dự án chậm triển khai, có 3 tổ chức cá nhân vi phạm Luật Đất đai.
Tính đến quý 1/2013, Hà Nội có 653 dự án chậm triển khai, vi phạm về Luật đất đai.
Tính đến quý 1/2013, Hà Nội có 653 dự án chậm triển khai, vi phạm về Luật đất đai.
Theo Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, đối với các dự án chậm triển khai do quyết định thu hồi đất hết hiệu lực, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức thanh tra, rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Đối với các dự án chủ đầu tư không liên hệ để triển khai tiếp, chưa có thông tin kiểm tra, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức thanh tra, rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Mọi vi phạm pháp luật đất đai khi phát hiện phải xử lí kiên quyết theo quy định của pháp luật. Nhưng việc xử lí không cực đoan đến mức cứ vi phạm là phải thu hồi mà pháp luật quy định rất nhiều biện pháp có thể áp dụng để xử lí. Không được gia hạn sử dụng đất nhiều lần, chỉ đảm bảo thời gian để chủ đầu tư khắc phục khó khăn khách quan, không là công cụ cho doanh nghiệp chây ỳ.
Chủ đầu tư né tránh, quy định còn lỏng lẻo

Thực tế, theo báo cáo của Sở tài nguyên môi trường, công tác thanh tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố nhiều năm qua có nhiều diễn biến phức tạp gây khó khăn cho công tác xử lý triệt để các vi phạm.

Hầu hết các đối tượng thanh tra không hợp tác khi Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ như: Không có mặt tại buổi công bố Quyết định thanh tra, chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo nội dung của Đoàn thanh tra yêu cầu, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra, đối tượng thanh tra không có mặt tại địa điểm thanh tra đúng thời gian đã ấn định làm chậm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của đoàn Thanh tra.

Mặt khác, đại diện của Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng việc quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định còn nhiều bất cập, không rõ ràng gây khó khăn trong việc xác định thời điểm vi phạm để xử phạt.

Bình An