Tranh luận giữa TS Alan Phan và BĐS Hà Nội: Ai sai người ấy chịu?

01/04/2013 15:52
Viết Cường
(GDVN) - "Theo tôi, tiến sĩ Alan Phan đã trả lời quá rõ rồi, ai quyết định đầu tư sai người ấy chịu, vậy mới đúng là cơ chế thị trường...", độc giả Lê Ngọc Điệp (ngocdiepeng@yahoo.com) nhận định. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như thế....
Theo tôi, ông Alan Phan đã trả lời rõ rồi..."

Phản hồi nhanh chóng 15 câu hỏi của CLB BĐS Hà Nội chất vấn những quan điểm liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam nhưng câu trả lời của TS Alan Phan vẫn chưa làm hài lòng gần 1.000 thành viên của CLB này.

Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã rất hồi hộp mong chờ một câu trả lời chứ không phải một bài viết chung chung như thế". Theo đó, ông Cường bày tỏ sau bài viết của TS Alan Phan, CLB BĐS Hà Nội sẽ có lời mời chính thức TS Alan Phan ra Hà Nội dự một buổi hội thảo đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp thành viên của Câu lạc bộ để mọi người được nghe TS Alan Phan chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm của mình.

CLB BĐS Hà Nội chưa hài lòng với những câu trả lời của TS Alan Phan.
CLB BĐS Hà Nội chưa hài lòng với những câu trả lời của TS Alan Phan.

Trong khi đó, thừa nhận mình rất quan tâm đến cuộc tranh luận này, độc giả Quang Vinh tại địa chỉ quangvinh81@fpt.vn nhận định: "Tôi muốn lấy lại ý của TS Phan để hỏi các ông chủ BĐS. Khi giá BĐS cao ngất trời, nhà đầu tư tranh nhau mua suất dự án để bán lại. Thậm chí dự án mới chỉ có trên giấy, chưa triển khai mà đã được mua đi, bán lại vài lần... những lúc ấy, các ông lãi to, tiền vào như nước sao các ông không kiến nghị để có giải pháp hạ giá BĐS giúp người thu nhập trung bình có thể mua được nhà?

TS Phan đã nhận định đúng về hiện tượng lobby chính sách của các ông chủ BĐS... đã tạo lên cơn sốt BĐS và hệ quả thế nào mọi người đều đã thấy. TS Phan là nhà kinh tế, không phải là người trong ngành về BĐS nên các câu hỏi đưa ra quá cụ thể sẽ không phải là thích hợp và tôi ủng hộ ý kiến, doanh nghiệp nào chết, thì cứ để chết, nhà nước không được lấy tiền thuế của dân ra để cứu.

Độc giả Xuân Trường (maiyeuem_091800@yahoo.com.vn) cũng đồng quan điểm: "Tôi đã đọc bài trả lời 100 câu hỏi của tiến sĩ Alan Phan, phải nói thật rằng những điều tiến sĩ Alan Phan đã trả lời là quá đủ, quá rõ cho CLB BĐS Hà Nội. Tôi không hiểu các doanh nghiệp BĐS định chất vấn thêm điều gì? Và cuối cùng để đạt được điều gì? Để ông Alan Phan phải rút lại nhận định của mình, thừa nhận mình sai và kêu gọi giải cứu thị trường BĐS? Nếu thế thì chắc chắn không thể có điều đó xảy ra và cuộc chất vấn này dường như chỉ mất thời gian và vô nghĩa".

Độc giả ở địa chỉ duonglge@yahoo.com lại có sự phân tích khá kỹ lưỡng: Tôi trả lời câu hỏi của hiệp hội BĐS: 'Chính phủ phải làm gì để khi doanh nghiệp chết, nhà băng chết, chứng khoán tụt giảm mà người dân vẫn không mất tiền. Doanh nghiệp bất động sản phá sản khi người dân đã góp vốn triển khai dự án thì ai sẽ là người bị mất tiền'.

Trước hết phải khẳng định BĐS đã bị đầu tư quá mức. Như vậy, một lượng lớn của cải vật chất đã bị lãng phí và trách nhiệm thuộc về những người kinh doanh BĐS (kể cả những người dân góp vốn vào BĐS vì tôi tin rằng một tỉ lệ rất lớn những người này là muốn đầu tư sinh lời).

Phương án 1: Nếu chúng ta không cứu BĐS thì sẽ có một số công ty , ngân hàng có thể chết dẫn đến việc người dân gửi tiết kiệm có thể mất tiền và nói tóm lại là sẽ có một số bộ phận dân chúng bị thiệt hại là không thế tránh khỏi.

Phương án 2: Nếu chúng ta cứu BĐS (bơm tiền vào) cũng không có nghĩa là không ai làm sao cả. Lúc đó lạm phát xảy ra và dân vẫn sẽ mất tiền. Tuy nhiên lúc này đối tượng bị mất sẽ không tập trung vào một nhóm người như ở phương án 1 mà được chia sẻ cho toàn dân. Vậy rõ ràng phương án 1 là công bằng và hợp lý, có chăng Nhà nước có thể có thêm một số biện pháp hỗ trợ bổ sung cho những người gửi tiết kiệm".

Cần có cái nhìn toàn diện


Trong khi đó, trả lời trên báo Tuổi trẻ, TS Trần Hoàng Ngân (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhấn mạnh, đây là cuộc tranh luận không cần thiết Của CLB BĐS Hà Nội và TS Alan Phan. Theo ông “Thời điểm này không nên tạo ra những xung đột không cần thiết mà cần bỏ sức tìm những giải pháp tạo ra hiệu quả vực dậy nền kinh tế. Riêng trong vấn đề bất động sản, không phải chuyện cứu hay không cứu mà phải cơ cấu lại thị trường này để đưa cung cầu gặp nhau, hướng tới nhu cầu thực của xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân, đặc biệt là đối tượng người thu nhập thấp”.

Ở một góc nhìn khác, ông Đoàn Chí Thanh - TGĐ Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho rằng: Đứng ở góc độ một người trong lĩnh vực bất động sản, tôi cho rằng trong thời điểm cả người dân và DN đang trông chờ nghị quyết 02 được triển khai thì phát biểu này như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Rõ ràng những phát biểu này sẽ ít nhiều tác động xấu đến tâm lý thị trường... Hiện đã qua quý 1 nhưng nghị quyết 02 vẫn chưa được triển khai mà chỉ râm ran bàn tán gây tâm lý chờ đợi trong người dân và DN, vô hình trung gây thêm sức ì cho thị trường này.

Xoay quanh quan điểm của TS Alan Phan, phát biểu trên báo Xây Dựng, ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch Khải Hoàn Lanf phân tích: “Tôi theo dõi trên báo chí và nhiều lần ngạc nhiên bởi những nhận định, chẳng hạn như, nhà nước nên để BĐS vỡ, bỏ mặc cho thị trường tự điều chỉnh,… nếu người đọc bình tĩnh, suy xét căn cơ mọi vấn đề, thì thấy, đấy là chuyện không thể, nếu để xảy ra, nhà giá rẻ cũng chẳng có, kinh tế xã hội sẽ nguy ngay. Nói như thế nước Mỹ đã không bơm tiền ra, Châu Âu nước giàu đã không cứu nước nghèo, có bệnh cũng chẳng cần bác sĩ…

Người phát ngôn thì không phải chịu bất cứ định chế nào nếu nó không đúng sự thật, chỉ có những người làm nghề thì bị chết ngạt bởi phát ngôn ấy. Cần phải nhìn rõ, BĐS là điểm mấu chốt của ngành kinh tế, nó có ảnh hưởng đến rất nhiều ngành kinh tế khác. Những phát ngôn sai lệch không chỉ “giết” nhà đầu tư mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn đã khó khăn như hiện nay…”.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi! 
Viết Cường